Người đàn ông 49 tuổi này không xa lạ với nhiều người Sài Gòn bởi đã 7 năm anh gần như đêm nào cũng đi quanh thành phố vá săm, sửa xe hay tặng xăng miễn phí cho những người cơ nhỡ. "Tôi nảy ra ý định ra Đà Nẵng và một số tỉnh thành ở miền Trung để hỗ trợ người lúc hoạn nạn", anh Nhân, hiện trú tại quận Cẩm Lệ nói.
Rạng sáng 10/6, xe của anh Lê Văn Chung (40 tuổi) ở Quảng Nam bất ngờ cán phải đinh khi đang đi trên đường Nguyễn Tất Thành, quận Liên Chiểu (Đà Nẵng). Thấy anh Nhân ngồi trên vỉa hè cùng tấm biển "Gặp là giúp, sửa xe, vá xe, kéo xe, xăng miễn phí", người đàn ông liền tấp vào nhờ hỗ trợ.
Nhận lại xe sau 20 phút kiểm tra và được thay săm mới, anh Chung ngỏ ý trả tiền nhưng người thợ từ chối. "Cảm xúc lúc ấy khó tả lắm bởi đây là lần đầu tôi được một người lạ giúp lúc đêm muộn mà không cần trả công. Tôi định gửi tặng anh ấy vài chai nước và đồ ăn lót dạ, nhưng giữa đêm không ai bán, chỉ đành gửi lời cảm ơn, sau hẹn có cơ hội sẽ gặp lại", anh Chung kể.
Những lần sửa xe máy miễn phí như này bắt đầu từ 8 năm trước khi anh Nhân đang hành nghề xe ôm ở huyện Hóc Môn (TP HCM). Thường xuyên thấy nhiều người phải dắt bộ do xe cán phải đinh, chết máy, hết xăng lúc đêm muộn nhưng không tìm được chỗ sửa hoặc bị hét giá cao gấp 4-5 lần, anh quyết định mua linh phụ kiện để giúp miễn phí.
Đều đặn mỗi tối, anh Nhân sẽ rong ruổi khắp các quận, huyện từ 20h đến 2h sáng hôm sau, bất kể mưa gió, lễ tết. Toàn bộ đồ nghề sửa chữa như săm lốp, miếng vá, bơm hơi, dụng cụ nâng xe, bugi cùng can xăng loại 5 lít được anh buộc chặt vào baga. Chi phí mua đồ gần 2 triệu đồng anh trích từ thu nhập hàng tháng.
Nguyễn Thành Nhân kể, hồi mới làm, không ít người còn e dè, sợ anh dàn cảnh trấn lột hoặc lợi dụng lúc khó để trục lợi nên từ chối nhận giúp đỡ. Để tạo lòng tin, anh Nhân làm tấm biển ghi rõ "Sửa xe miễn phí" kèm số điện thoại của mình. Tuy nhiên, việc anh làm khiến một số người khó chịu, gọi điện đe dọa ép phải bỏ nghề. Anh đành xóa số và không ngồi cố định một chỗ nữa.
"Tôi mong tất cả những người đi đường nếu xe gặp sự cố đều được giúp đỡ, ai bàn tán, đe dọa thì mặc họ, tôi không sợ", anh nói.
Năm 2018, thấy nhu cầu cần sửa xe lúc nửa đêm lớn, anh Nhân lập đội cứu hộ 0 đồng tại các quận, huyện ở TP HCM. Thành viên là các anh em chạy xe ôm công nghệ có chung lý tưởng góp sức giúp người. Nhưng sau một thời gian mọi người lần lượt xin rút bởi kinh tế khó khăn hoặc bị đe dọa.
Ngoài sửa chữa xe hỏng, người đàn ông cũng chuẩn bị sẵn bông băng y tế, thuốc men để sơ cứu cho người gặp tai nạn. Riêng các vụ chấn thương nặng anh sẽ gọi xe đưa đi cấp cứu và đưa giúp phương tiện về nhà.
Thấy đêm nào anh cũng một mình đi sửa xe miễn phí, nhiều người nói anh gàn dở, lo việc bao đồng. Gia đình cũng khuyên can bởi lo con trai gặp nguy hiểm, sức khỏe giảm sút mà không tăng thu nhập.
"Tôi không khá giả nên chỉ có thể làm những việc trong khả năng, sức đến đâu giúp đến đó, hy vọng mọi người trở về nhà an toàn", anh tâm sự.
Tròn 7 năm sửa xe miễn phí cho hàng nghìn người ở TP HCM, tháng 5 năm nay, anh Nhân quyết định một mình ra miền Trung, mong lan tỏa những việc làm tích cực đến với mọi người. Ý định này một lần nữa bị gia đình ngăn cản bởi lo cuộc sống xa nhà vất vả, khó khăn. Nhưng anh vẫn quyết làm bởi quan niệm "cho đi là còn mãi" và muốn góp sức cho mảnh đất nơi anh sinh ra trước khi vào TP HCM lập nghiệp.
Ở Đà Nẵng, ban ngày anh chạy xe ôm công nghệ để kiếm tiền thuê nhà, ăn uống và chi phí mua đồ sửa chữa. Tối đến, anh lắp thùng đồ nghề sửa chữa lên xe, đi qua nhiều tuyến đường để người dân quen mặt và đồng ý nhận giúp đỡ.
Hình ảnh người đàn ông chạy xe máy kèm tấm biển "Gặp là giúp" dần quen thuộc với người dân Đà Nẵng. Chị Hoài Ly, ở quận Liên Chiểu cho biết hơn một tháng nay thường xuyên gặp anh Nhân ngã tư đoạn đường Hoàng Thị Loan giao với Nguyễn Sinh Sắc.
"Chứng kiến cảnh người đàn ông đầu đã hai thứ tóc lặng lẽ ngồi chờ đợi để giúp sửa chữa xe hư hỏng đến tận khuya khiến tôi vô cùng cảm động. Nếu có dịp gặp lại chắc chắn tôi sẽ gửi tặng ly nước cùng lời cảm ơn vì những việc anh đã làm người dân nơi đây", chị Ly nói.
Về phía anh Nhân, sau hơn một tháng đến vùng đất mới, anh nói đã quen đường và giúp gần 30 người, đa phần bị thủng săm và hết xăng giữa đường.
"Còn xa hơn, nếu có cơ hội tôi mong được đến các địa phương khác để giúp thêm nhiều người, đồng thời lan tỏa thông điệp tích cực "cho đi là còn mãi" đến thế hệ trẻ", người đàn ông 49 tuổi nói.