"Bác sĩ Minh là người có năng lực chuyên môn và cầu tiến", đó là nhận xét của GS Lê Ngọc Thành – Hiệu trưởng trường ĐH Y dược, ĐH Quốc gia Hà Nội, nguyên giám đốc Bệnh viện E.
Giáo sư Lê Ngọc Thành là người lập đề án phát triển Bệnh viện E nói chung và khoa Phẫu thật Tạo hình – Thẩm mỹ và Hàm mặt (Bệnh viện E) nói riêng. Ông là người chứng kiến khoa từ những ngày đầu còn chưa có gì, dưới sự định hướng, tạo điều kiện của ông và bàn tay vun đắp của các bác sĩ, nhân viên y tế ở đây, trở thành 1 "khách sạn 5 sao" ngành phẫu thuật thẩm mỹ, mang phong cách phục vụ của bệnh viện Pháp về Việt Nam.
Vươn lên top 1 đã khó, vươn lên top 1 từ con số 0 lại càng khó hơn. Với thành tựu này, GS Lê Ngọc Thành ghi nhận rất sâu sắc những đóng góp của Ths. BS Phạm Đình Minh - trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình – Thẩm mỹ và hàm mặt. 3 năm cuối của nhiệm kỳ làm giám đốc bệnh viện E của GS Thành - quãng thời gian không quá ngắn nhưng cũng không phải quá dài - ông còn đồng hành cùng bệnh viện với cương vị người lãnh đạo, dẫn dắt. Ông đánh giá những gì BS Minh làm được là "bật vọt". Tuy nhiên, ông cũng không giấu giếm sự kỳ vọng vào tiềm năng phát triển mạnh mẽ hơn nữa của khoa. "Một thương hiệu về chất lượng và sự tin tưởng của bệnh nhân là chưa đủ, tôi còn kỳ vọng khoa trở thành 1 cơ sở đào tạo uy tín của các trường đại học khối ngành sức khoẻ" – nguyên giám đốc lẫy lừng của bệnh viện E nói.
Để có sự đổi thay đáng kinh ngạc tại khoa Phẫu thuật tạo hình – Thẩm mỹ và hàm mặt (Bệnh viện E), Ths, BS Nguyễn Đình Minh đã làm một cuộc "cách mạng" với chính bản thân mình, từ bỏ "vùng an toàn", thu nhập "khủng" đi mở mang "vùng đất" mới cho chuyên ngành tạo hình thẩm mỹ.
Không thể ở trong vùng an toàn mãi Ngọc Minh: Anh có biết, thời điểm năm 2018, khi anh rời khỏi Bệnh viện Xanh Pôn - một đơn vị có thế mạnh thuộc hàng TOP ở Việt Nam về chuyên ngành tạo hình thẩm mỹ, đã có rất nhiều lời đồn đoán?
Bác sĩ Nguyễn Đình Minh: Tôi biết chứ! Nhiều người nói tôi ra đi vì muốn thoát khỏi cái bóng của "ai đó" (cười). Nhân cuộc nói chuyện này, tôi sẽ trả lời một cách thẳng thắn và sòng phẳng. Đó không phải là mục đích cho sự ra đi của tôi.
Lý do để tôi rời Bệnh viện Xanh Pôn cũng đơn giản lắm! Như bạn biết đấy, ngày trước ở miền Bắc chỉ có bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện 108 là có chuyên ngành tạo hình thẩm mỹ. Số lượng bệnh viện ít, bác sĩ nội trú ra trường không có việc, bệnh nhân thì không được tiếp cận dịch vụ. Một đơn vị tập trung quá nhiều người, diện tích không thể mở rộng thì hơi phí nhân lực. Tôi luôn có tâm tư muốn mở rộng chuyên ngành tạo hình thẩm mỹ để các em bác sĩ nội trú sau này ra trường còn có chỗ làm việc, bệnh nhân có nơi điều trị.
Tôi biết, khi quyết định rời bệnh viện Xanh Pôn, được gì chưa biết nhưng trước mắt đã nhìn thấy thiệt thòi. Nếu ở lại bệnh viện, tôi được gần Thầy (GS Trần Thiết Sơn, một chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ - PV), được học hỏi từ Thầy nhiều kỹ thuật khó. Một bác sĩ giỏi tới cỡ nào vẫn cần có thầy dạy bảo. Rời bệnh viện đồng nghĩa với việc tôi sẽ không có nhiều điều kiện được gần gũi để học hỏi thêm Thầy. Đây thực sự là điều thiệt thòi chứ!
Nhưng Thầy Sơn lại hiểu mong muốn của tôi. Thầy không giận với quyết định rời đi của tôi. Thầy hiểu tôi ra đi là để tạo thêm những cánh tay nối dài cho chuyên ngành. Hai thầy trò mỗi người làm một nơi vẫn rất quý mến nhau. Sau khi rời khỏi Bệnh viện Xanh Pôn tôi vẫn luôn giữ liên lạc với Thầy.
Ngọc Minh: Thời điểm đó, thẩm mỹ tư nhân rất phát triển, bác sĩ ra ngoài làm thường có thu nhập "khủng". Nhưng anh chọn điểm tới là đơn vị công lập không có tiếng tăm. Điều gì đã khiến anh có lựa chọn trái ngược với xu hướng thông thường như thế?
Bác sĩ Nguyễn Đình Minh: Thời điểm từ Bệnh viện Xanh Pôn chuyển sang Bệnh viện E tôi đã đấu tranh với bản thân rất nhiều.
Lúc đó, đội ngũ bác sĩ thẩm mỹ ở BV Xanh Pôn rất mạnh, có Thầy Sơn, và rất nhiều đồng nghiệp giỏi chuyên môn. Nhưng tôi nghĩ không thể ở trong vùng "an toàn" mãi. Biển lớn ngoài kia còn rất nhiều thứ.
Đúng như bạn nói, thời điểm đó, tạo hình thẩm mỹ tư nhân nở rộ giúp bác sĩ thẩm mỹ có thu nhập rất tốt. Tôi nhớ, bác sĩ làm thêm ngoài giờ lương cao gấp 10 lần lương do bệnh viện chi trả. Mức thu nhập trong viện của tôi lúc đó khoảng 20 - 30/triệu/tháng. Cũng có người mời tôi ra làm tư hoàn toàn với mức lương hàng trăm triệu nhưng tôi từ chối.
Tôi tình cờ biết đề án phát triển Bệnh viện E của Thầy Thành (GS Lê Ngọc Thành, nguyên Giám đốc Bệnh viện E – PV) qua một người bạn. Khi đọc, tôi vô cùng hứng khởi. Đó là một đề án phát triển vô cùng hay, tầm nhìn quá cuốn hút! Dù đề án mới chỉ thể hiện trên giấy đang triển khai còn dang dở, nhưng tôi đọc được sự quyết tâm thay đổi một bệnh viện ít người biết đến trở thành bệnh viện xứng tầm trung ương của Thầy. Bệnh viện E sẽ phát triển toàn diện, trong đó có chuyên ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Dù chỉ là bản đề án, nhưng tôi nhìn thấy một tương lai mở rộng của chuyên ngành tạo hình thẩm mỹ dưới bàn tay dẫn dắt của giáo sư Lê Ngọc Thành…
Ngọc Minh: Đề án thì cuốn hút, nhưng khi nhìn vào thực trạng bệnh viện E lúc bấy giờ, anh có thất vọng?
Bác sĩ Nguyễn Đình Minh: Nói thật trước khi tới Bệnh viện E, tôi không biết đến đường Trần Cung nằm ở đâu. Khi Thầy Thành dẫn tôi đi thăm bệnh viện và chỉ vị trí của khoa tôi sẽ tiếp nhận, tôi đã rất bối rối.
Bệnh phòng chỉ là dãy nhà được cải tạo từ khu ký túc xá cũ của cán bộ nhân viên cũ kỹ, ẩm mốc. Lúc đó, tôi giật mình. Dù sao trước đó ở bệnh viện trước đó tôi làm, cơ sở vật chất, phòng ốc nơi chúng tôi làm việc cũng khá đầy đủ.
Nhưng đã quyết tâm rồi nên không quá băn khoăn. Lúc đó, Thầy Thành có nói với tôi một câu: "Em cứ yên tâm, rồi Thầy sẽ xây dựng lại khoa khang trang". Tôi nhận thấy sự coi trọng của Thầy dành cho tôi. Quả thật sau đó, Thầy cũng đã "đổ tiền" để xây dựng khoa khá đẹp. Đẹp ở đây là so với những khu nhà cũ kỹ trước đó. Tôi cũng nhận ra: Thế là Thầy đã rất ưu ái, coi trọng mình.
Và sau này, mọi đề xuất xây dựng khoa của tôi đều được Thầy tạo điều kiện. Thầy biết, trước đây tôi ở khác điều kiện tốt, thu nhập tốt thế, về đây cũng có phần thiệt thòi. Nhưng Thầy nói: "Thôi, thu nhập ít đi một tý nhưng tốt cho bệnh nhân và an toàn cho bác sĩ, em hãy kiên trì…". Tôi thấy lời Thầy nói rất đúng. Tôi nhận ra, làm thêm bên ngoài sẽ tốt cho bác sĩ, nhưng chưa tốt cho bệnh nhân vì ở ngoài điều kiện rất hạn chế, những thứ bệnh nhân đáng được hưởng như quy trình tốt, máy móc tốt, trang thiết bị tốt,… thì họ đều không được hưởng.
Từ khi về Bệnh viện E, tôi không làm ngoài. Bệnh nhân có nhu cầu phẫu thuật tôi đều đưa về khoa hết.
Ngọc Minh: Có ai nói anh dại khi bỏ nơi đầy tiềm năng, thu nhập cao để tới một bệnh viện công chẳng danh tiếng?
Bác sĩ Nguyễn Đình Minh: Có chứ, vì Bệnh viện E lúc đó chẳng có tên tuổi gì, khoa Phẫu thuật Tạo hình – Thẩm mỹ và Hàm mặt chỉ là con số 0.
Lúc tôi đi cũng có người cũng nói với tôi: "Sao không chờ để lên trưởng khoa?". Tôi nghĩ đơn giản, cái gì tốt làm trước. Chờ đợi chẳng biết có tốt hơn hay không? Với một khoa phòng nhỏ xíu (2 phòng bệnh – PV) và 3 nhân sự sẽ chẳng ai nghĩ tôi sẽ phát triển mạnh lên được. Tôi nhìn thấy khó khăn nhưng biết mình đang có con đường để đi.
Tôi cũng so sánh được mất chứ, nhưng tôi vẫn nhìn thấy mình đang "được". Không còn thu nhập cao nhưng tôi được giảng dạy và được làm nghiên cứu khoa học. Cái "tệ" của tôi là vừa muốn được mổ lại vừa muốn được làm nghiên cứu và giảng dạy. Về bệnh viện E, tôi thực hiện được tất cả các mong muốn đó. Tôi đã có những bài báo đăng trên các tạp chí y khoa quốc tế, thậm chí viết sách với các tác giả nước ngoài, điều mà nhiều bác sĩ mơ ước. Cái này không đong đếm được bằng tiền đâu.
Ngọc Minh: Anh sang bệnh viện E vào năm 2018 khi mà GS Thành chỉ còn 3 năm sẽ hết nhiệm kỳ giám đốc. Anh có sợ khi GS Thành về hưu anh sẽ không còn nhận được sự ưu ái phát triển nữa?
Bác sĩ Nguyễn Đình Minh: Lúc đó, Thầy Thành có nói với tôi: "Thầy còn 3 năm thôi! Em muốn làm gì thì làm, nhưng trong 3 năm đó phải tận dụng Thầy tối đa. Thầy chỉ cho em 2 năm để làm thương hiệu và 1 năm để ổn định khoa trước khi thầy về hưu".
Ngọc Minh: Chỉ 3 năm để xây dựng thương hiệu của một khoa phòng tại bệnh viện công? Điều này có phải là làm khó anh?
Bác sĩ Nguyễn Đình Minh: Trong 3 năm đó, Thầy Thành đã tạo điều kiện tối đa cho tôi phát triển khoa. Ví dụ, khoa tôi 3 năm chuyển 3 lần, đầu tiên là ở khu nhà cũ xấu xí chuyển sang nhà E, sau khi toà nhà A 15 tầng xây xong thì tôi được chuyển sang luôn. Cứ nơi nào có điều kiện tốt nhất của bệnh viện là Thầy tạo điều kiện cho khoa chuyển tới.
Tôi cũng xin Thầy thực hiện một số dự án phát triển thương hiệu hoặc nghiên cứu phục vụ bệnh nhân và Thầy không bao giờ từ chối. Thầy Thành đã giúp tôi kết nối với các chuyên gia nghiên cứu của Trường Đại học Y Dược, Đại Học Quốc gia (Hà Nội) cùng nhau thực hiện các nghiên cứu mang tầm quốc tế.
Bên cạnh đó, khoa cũng phát triển các kỹ thuật mới nhất, tiên tiến nhất để phục vụ cho bệnh nhân. Từ những sự phục vụ tốt đó, 1 đồn 10, 10 đồn trăm bệnh nhân cứ dần dần tăng lên.
Ngọc Minh: Chỉ có 2 nhân sự bác sĩ phẫu thuật, bệnh nhân thì chẳng ai biết đến khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ và hàm mặt, tôi tò mò muốn biết thêm cách anh đã "xây khung, đắp thịt" cho khoa ra sao?
Bác sĩ Nguyễn Đình Minh: Khi về BV E, tôi chỉ có 2 nhân sự tôi và một bác sĩ nội trú nữa, và sau này trở thành phó khoa. Bệnh viện đã tạo cơ chế đặc biệt cho khoa, bác sĩ nội trú đồng ý về sẽ được ký hợp đồng rất nhanh. Điều này để thấy rõ sự coi trọng đối với bác sĩ, chắc ít bệnh viện nào có được. Vậy là từ một khoa phòng khó lấy người thì nay đã khác, khoa là nơi nhiều bác sĩ muốn đến làm việc.
Ngọc Minh: Không có thu nhập tốt thì nói gì cũng thành dở. Anh đã giải bài toán tài chính trong những ngày sơ khai thành lập khoa ra sao?
Bác sĩ Nguyễn Đình Minh: Đúng là lúc thành lập khoa mọi thứ đều khó khăn. Thậm chí cái lò vi sóng quay đồ ăn cho nhân viên cũng là do bệnh nhân thấy không có mua tặng. Để có nguồn kinh phí cho khoa, tôi thuyết phục những bệnh nhân tin tưởng mình đưa về khoa làm tạo hình thẩm mỹ. Nhưng dựa vào bệnh nhân quen để nuôi cả "đoàn tàu há mồm" thì không ổn. Rất may sau đó, Thầy Thành ký một quyết định rất nhân văn: giảm 70% cho nhân viên bệnh viện nếu muốn tạo hình thẩm mỹ. Chính những nhân viên này sau đó trở thành người giới thiệu bệnh nhân cho tôi.
Để xây dựng hình ảnh và tạo ra tiếng vang, tôi tập trung làm những thứ ít người làm, ví dụ, phẫu thuật cho bệnh nhân dị dạng âm đạo, tạo hình bộ phận sinh dục,… Những thứ này trước đây ít bệnh viện để ý tới nên bệnh nhân thường phải cam chịu sống không được can thiệp. Nhờ thị trường ngách này mà khoa dần được biết đến. Bệnh viện không có tiền chạy marketing, xây dựng hình ảnh đều nhờ vào các nhân viên trong bệnh viện, báo chí chính thống và ngay cả bệnh nhân, chứ bản thân tôi chẳng có cách gì ghê gớm đâu.
Tôi vẫn nói với nhân viên, các em phục vụ bệnh nhân thật tốt tự khắc sẽ có thu nhập tốt. Và điều này đã đúng khi các bệnh nhân đến tạo hình thẩm mỹ rồi lại giới thiệu cho người khác. Sau 3 năm khoa đã tự phát triển hệ thống chăm sóc khách hàng. Hiện, khoa đã có 5 bác sĩ và 10 điều dưỡng. Bệnh viện E trở thành nơi có bệnh nhân tạo hình thẩm mỹ nhiều nhất trong khối các bệnh viện công.
Ngọc Minh: Tôi từng nghe ở đâu đó anh chia sẻ, khoa Phẫu thuật tạo hình – Thẩm mỹ và hàm mặt, BV E có khoa phòng đẹp trong khối các bệnh viện công?
Bác sĩ Nguyễn Đình Minh: Trong số những bệnh viện công tôi biết thì khoa Phẫu thuật tạo hình – Thẩm mỹ và hàm mặt của BV E là nơi có cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, phòng ốc đẹp nhất ở Miền Bắc. Về sau này cũng có khoa khác xây dựng rất to đẹp như ở BV Bạch Mai, BV 108. Nhưng tôi vẫn tự hào cơ sở vật chất của bệnh viện E là tốt nhất và đặc biệt là đội ngũ nhân viên mang phong cách phục vụ bệnh viện Pháp (bệnh viện trường Strasbourg - PV).
Chúng tôi có dịch vụ chăm sóc toàn diện để bệnh nhân có cảm giác đi nghỉ dưỡng chứ không phải ở bệnh viện. Bệnh nhân đi viện gần như không cần tới người nhà chăm sóc, người nhà chỉ đến ngày đầu tiên để làm các thủ tục, còn lại, khoa sẽ chăm sóc toàn diện tất cả.
Ngọc Minh: Có vẻ rất kỳ lạ vì tôi nghe nói, một Khoa thẩm mỹ đẹp nhất tại Việt Nam nhưng vẫn bị bệnh nhân "mắng"?
Bác sĩ Nguyễn Đình Minh: (cười) Đúng vậy, nhiều bệnh nhân "mắng" bác sĩ và nhân viên trong khoa lắm. Một cơ sở tạo hình thẩm mỹ trang thiết bị tốt, sạch sẽ như khách sạn 5 sao; Nhân viên phục vụ rất nhẹ nhàng; Mọi tâm tư nguyện vọng bệnh nhân luôn đáp ứng… nhưng lại không có quảng cáo để bệnh nhân biết, khiến cho bệnh nhân cứ phải đi vòng vèo nhiều nơi mới tới được khoa.
Đây cũng là điều đáng trách của bác sĩ chỉ mải làm chuyên môn mà "lười" truyền thông để mọi người biết đến.
Ngọc Minh: Anh lấy tiêu chí phục vụ bệnh nhân ở Việt Nam mà như ở bệnh viện tại Pháp, vậy bác sĩ tại khoa có nhận phong bì, quà từ bệnh nhân?
Bác sĩ Nguyễn Đình Minh: Khoa tôi tuyệt đối không nhận phong bì của bệnh nhân trước khi mổ. Khi bệnh nhân mổ xong cũng có người muốn cảm ơn, nhưng tôi chỉ nhận vài hộp sữa chua, cân hoa quả để bệnh nhân vui an tâm điều trị.
Khi tiếp đón bệnh nhân, tôi cũng trao đổi thẳng thắn, với những bệnh nhân hạn hẹp về tài chính, mắc bệnh hiểm nghèo tôi sẽ hướng dẫn bệnh nhân chữa bệnh theo bảo hiểm y tế. Nhưng nếu bệnh nhân có điều kiện muốn sử dụng dịch vụ hơn như giường bệnh tự nguyện, các dịch vụ chăm sóc đặc biệt thì khoa vẫn đáp ứng được.
Tôi ghét nhất chuyện vòi vĩnh phong bì của bệnh nhân. Các em đến làm việc tại khoa tôi cũng nói ngay: "Không được làm hại bệnh nhân".
Ngọc Minh: Anh có thể nói rõ hơn ý "không được hại bệnh nhân"?
Bác sĩ Nguyễn Đình Minh: Khi bệnh nhân đến với bác sĩ là rất cần điều trị. Do vậy, người bác sĩ không làm tốt cho bệnh nhân thì cũng đừng hại bệnh nhân.
Quan niệm của tôi khi đứng trước một bệnh nhân tạo hình thẩm mỹ không được làm theo kiểu thử nghiệm. Nếu tôi làm không giỏi mặt bệnh đó hoặc không đủ kiến thức sẽ mời chuyên gia giỏi lĩnh vực đó để vừa mổ vừa giúp học hỏi và hoàn thiện kỹ thuật.
Một người bác sĩ không nên giấu dốt, sĩ diện để hại bệnh nhân. Bác sĩ vì sĩ diện cố mổ, hỏng thì khổ bệnh nhân lắm. Nếu không đủ kiến thức nên học hỏi để giúp bệnh nhân. Nhiều khi tôi còn mời bạn của mình tới mổ giúp. Vì mỗi người sẽ có điểm mạnh của những lĩnh vực khác nhau.
Ngọc Minh: Người phẫu thuật viên khi cầm dao mổ sẽ có tình huống bất ngờ. Có khi nào anh bị rơi vào bị động không?
Bác sĩ Nguyễn Đình Minh: Với một người bác sĩ chuyên nghiệp trước ca mổ sẽ lường được rủi ro, biết mức độ thành công là bao nhiêu phần trăm. Trường hợp không thành công sẽ phải xử trí bước 2, bước 3 ra sao.
Trước cuộc mổ tôi sẽ đặt ra các tình huống nếu mổ theo cách này thành công và thất bại là bao nhiêu %. Cho nên việc tôi rơi vào bị động trước tình huống bất ngờ là rất hiếm.
Tuy nhiên, có một số trường hợp bệnh nhân có bất thường về giải phẫu có tổn thương mạch máu, thần kinh mà mình không lường hết được, đặc biệt trong nối mạch vi phẫu.
Ví dụ bệnh nhân nối mạch vi phẫu có hút thuốc, già yếu mạch nhỏ, dễ bị tắc do xơ vữa mạch. Những trường hợp này khi phẫu thuật nối mạch thất bại thì sẽ không có phương án bù trù vào.
Hay bệnh nhân ung thư vùng hàm mặt phải cắt một mảng lớn và lấy da vùng khác nuôi cấy và nối vào. Khi cấy da nối mạch vi phẫu mạch thất bại, da chết, thối bốc mùi bệnh nhân cũng cảm nhận được đó là điều đáng sợ.
Trước đây, tôi cũng mổ cùng các thầy cắt khối u và phẫu thuật tạo hình vùng hàm mặt. Sau phẫu thuật, trong quá trình hậu phẫu bệnh nhân tử vong do sức khoẻ không đảm bảo. Tôi rất buồn vì bệnh nhân chịu cuộc mổ khủng khiếp để cắt khối ung thư hàm mặt nhưng may mắn đã không mỉm cười với họ.
Ngọc Minh: Mổ phẫu thuật cho hàng nghìn bệnh nhân, trong đó có cả ca bệnh lạ lần đầu tiên mới gặp ca bệnh nào khiến anh ấn tượng nhất?
Bác sĩ Nguyễn Đình Minh: Đó là trường hợp bệnh nhân là một nữ nhà báo tại Yên Bái. Trong suốt 20 năm chị sống với bộ ngực mỗi bên nặng 1,5kg đè nặng như 2 hòn đá tảng.
Lúc đầu bệnh nhân nghĩ phải cắt toàn bộ ngực nên khá lo lắng và sợ chết không có ai nuôi con. Vào phòng mổ bệnh nhân vẫn nắm chặt tay bác sĩ nói: "Em sợ chết lắm!"
Kết quả sau ca mổ ngực bệnh nhân được thu gọn rất đẹp và nhẹ nhõm. Bệnh nhân có làm bài thơ rất hay ví ngực như quả "ối trời ơi" đã được bác sĩ giải cứu. Sau này, bệnh nhân sống rất năng động, tự tin tham gia các hoạt động xã hội.
Ngọc Minh: Đó là trường hợp thành công, còn trường hợp bắt đền bác sĩ anh đã gặp chưa?
Bác sĩ Nguyễn Đình Minh: Có chứ! Bệnh nhân làm mũi xong có nhiều… người yêu quá, không làm ăn được gì, nhắn tin "trách" bác sĩ là có. Hay có bệnh nhân làm ngực về chồng suốt ngày đòi ngắm nghía rồi vỡ kế hoạch cũng gọi điện "bắt đền" (cười).
Cũng có trường hợp bệnh nhân khó tính, làm xong chưa thấy hài lòng. Tôi tư vấn bệnh nhân chờ tiếp vì mới phẫu thuật chưa ổn định. Nhưng bệnh nhân không chờ được và thấy không ổn bắt bắt sĩ phải can thiệp lại.
Ở những trường hợp xảy ra chuyện bắt đền thật sự, thường là bệnh nhân đang có tâm lý không bình thường mà khi tư vấn bác sĩ chưa phát hiện ra.
Gặp những ca bệnh đó, tôi sẽ đứng về phía bệnh nhân. Bác sĩ sai không lấy đó làm xấu hổ mà nên mạnh dạn nhận lỗi, đồng hành cùng khắc phục với bệnh nhân.
Ngọc Minh: Anh đã từng gặp trường hợp phải đồng hành khắc phục sự cố với bệnh nhân chưa?
Bác sĩ Nguyễn Đình Minh: Có, hôm đó tôi trực cấp cứu, có một bệnh nhân quần xắn móng lợn tới cấp cứu. Bệnh nhân bị đứt gần rời các ngón tay do tai nạn trong sinh hoạt. Ca mổ nối gân rất tốt, nhưng cánh tay đã bị liệt trong quá trình gây tê nối gân. Công việc của tôi tốt, nhưng tôi là người mổ chính không thể đổ trách nhiệm cho người khác (bác sĩ gây mê -PV).
Và điều không ai ngờ tới, bệnh nhân dáng giống nông dân chính gốc lại là cán bộ cấp cao tại một địa phương. Theo kế hoạch, bệnh nhân sẽ đi học cao cấp chính trị tại nước ngoài. Nếu tay liệt thì khó có thể đi học và viết được.
Tôi biết tay của bệnh nhân sẽ hồi phục được nhưng cần có thời gian. Tôi nói với bệnh nhân: "Tôi là người mổ chính, tôi sẽ có trách nhiệm với ca mổ và những rủi ro đã xảy ra với anh. Giờ tôi sẽ đồng hành cùng anh tập luyện cho đến khi tay cử động lại. Song song với đó anh cũng tập viết tay trái".
Hàng ngày tôi cùng bệnh nhân tới khoa phục hồi chức năng tập luyện, một tháng trời sau bệnh nhân cũng khỏi vận động lại bình thường.
Sau đó, bệnh nhân có nhắn tin với tôi một câu không phải để nịnh đâu: "Với thái độ ứng xử với bệnh nhân của anh Minh thì anh sẽ còn phát triển hơn nữa". Thời điểm đó, tôi cũng chỉ là một nhân viên bình thường.
Ngọc Minh: Như anh chia sẻ, mọi sự cố bất ngờ có thể xảy ra. Có ca bệnh hú hồn nào khiến anh khắc cốt ghi tâm tới suốt cuộc đời?
Bác sĩ Nguyễn Đình Minh: Chắc đó là ca mổ cho nguyên Phó trưởng ban tuyên giáo Trung ương. Năm đó bệnh nhân bị dị ứng nước loét một vùng da ở bụng, đã được điều trị kháng sinh để khu trú tổn thương tiếp đến sẽ được cắt bỏ tổn thương.
Lúc vào viện, bệnh nhân cũng rất bận rộn. Bệnh nhân nói với tôi: "Anh đang bận bọn em làm nhanh cho anh nhé!". Do bệnh nhân là người quen nên tôi đã sơ suất không làm xét nghiệm và hỏi tiền sử dùng thuốc.
Sau khi cắt một vùng da lớn trên bụng, tôi đặt ống dẫn lưu máu chảy ra rất nhiều hết chai nọ tới chai kia, tôi tái xanh cả mặt. Hỏi lại mới biết bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông để điều trị bệnh thuyên tắc phổi.
Tôi có gọi cho anh Dương Đức Hùng, Bệnh viện Bạch Mai là bác sĩ điều trị trực tiếp cho bệnh nhân xin ý kiến về cách xử lý. Bác sĩ Hùng khuyên cho bệnh nhân dừng thuốc chống đông lại mới cầm được máu, nhưng dừng thuốc nguy cơ tắc mạch phổi có thể xảy ra.
Sau nửa ngày dừng thuốc chống đông, băng ép sơ cứu, máu cũng cầm dần. Sau đó, tôi còn bị trưởng khoa mắng suốt vì "cậy quen biết, mổ bừa".
Từ đó tôi cũng rút ra kinh nghiệm xương máu: bệnh nhân càng quen thì càng phải kỹ càng vì khi quen rất dễ xảy ra sai sót do bỏ qua quy trình.
Ngọc Minh: Trước đây, tôi từng nghe anh chia sẻ lý do chọn ngành tạo hình thẩm mỹ chính là vì mẹ anh quá đẹp. Anh yêu vẻ đẹp thuần khiết của mẹ, của con người Việt Nam, nhưng tạo hình thẩm mỹ lại là vẻ đẹp nhân tạo. Hai điều này có trái ngược?
Bác sĩ Nguyễn Đình Minh: Trong dân gian có câu: "Đẹp tự nhiên, nhưng không phải tự nhiên mà đẹp được", ý nói là có những người sinh có những khuyết điểm làm cho họ tự ti không hoà nhập với cuộc sống. Ví dụ như con gái có vòng 1 quá cỡ bạn bè cười chê hay vòng 1 nhỏ không có gì thì lại bị người nhà yêu chê bai… Lúc này bác sĩ cần can thiệt để trả lại vẻ đẹp, giúp cho cuộc sống của họ hạnh phúc hơn.
Khi làm gì cho bệnh nhân, tôi luôn đặt ra câu hỏi, can thiệp đó có trả lại được vẻ đẹp tự nhiên cho người phụ nữ hay không, tức là làm đẹp nhưng phải tuân theo tự nhiên, không quá đà.
Để phẫu thuật thẩm mỹ tuân theo được tự nhiên, người làm cần phải có nghiên cứu, tìm hiểu thông tin về hình thái học, nhân trắc học. Điều đó sẽ giúp họ biết được cái mí này, bộ ngực kia to bao nhiêu là vừa phải, tự nhiên.
Hiện nay, kinh nghiệm phẫu thuật của các hãng đưa ra là cho người Châu Âu, chưa có cho riêng người Việt. Do vậy, việc phẫu thuật cần phải dựa trên nghiên cứu để tạo ra vòng 1, mí mắt cho người Việt chứ không phải của… chị Tây nào đó.
Ngọc Minh: Trong ngành y, mọi người thường đồn nhau chẳng ai giàu nhanh bằng bác sĩ phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ?
Bác sĩ Nguyễn Đình Minh: Không hẳn vậy. Với bác sĩ làm việc trong bệnh viện công thì thu nhập của bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ cũng tương đương với bác sĩ chuyên ngành ngoại khác chứ không hơn.
Ngọc Minh: Nhưng là một bác sĩ từng học nội trú tại Pháp, lại từng làm ở bệnh viện có tên tuổi, hẳn là thu nhập của anh rất "khủng"?
Bác sĩ Nguyễn Đình Minh: Khi chấp nhận làm việc trong bệnh viện công với bác sĩ tạo hình thẩm mỹ chỉ đủ sống, không cao khủng kiếp như lời đồn đâu.
Trước đây, thu nhập của tôi trong viện và làm thêm ngoài viện ít nhất vài trăm triệu/tháng. Về bệnh viện E thu nhập của tôi cũng như bác sĩ ngoại khoa khác khoảng trên 50 triệu/tháng. Mức thu nhập này giúp tôi sống thoải mái, hạnh phúc.
Các bác sĩ trong khoa thu nhập trên dưới 20 triệu/tháng. Dù không quá cao nhưng bù lại, các em được học hành, được phát triển. Còn nếu bác sĩ nào trong khoa muốn có thu nhập tốt hơn, tôi vẫn tạo điều kiện cho làm ngoài giờ.
Quan niệm của tôi, tiền chỉ cần đủ sống, cũng không nên làm việc chỉ vì tiền. Tôi chưa bao giờ đặt ra vấn đề tiền trong công việc.
Ngọc Minh: Cảm ơn bác sĩ, chúc anh sức khoẻ và thành công!