CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer - Mã: MCH) vừa công bố BCTC hợp nhất quý I/2022. Kết thúc kỳ kế toán, doanh thu thuần đạt 6.185 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá vốn hàng bán kỳ này tăng 15,5% đạt 3.585 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận gộp đạt được quý I/2022 cao hơn cùng kỳ năm ngoái 20,5%, đạt 2.599 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp đã được cải thiện từ 41% lên 42%.
MCH cho biết doanh thu tăng trưởng nhờ tăng trưởng của các ngành hàng thực phẩm tiện lợi, gia vị và ngành hàng nước uống. Chi phí đầu vào có tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng thấp hơn mức tăng của doanh thu thuần.
Trong kỳ, các khoản mục doanh thu tài chính và các loại chi phí biến động không đáng kể. Kết quả, lãi sau thuế quý I đạt 1.185 tỷ đồng, tăng 32%, EPS đạt 1.625 đồng.
Kế hoạch năm nay, doanh nghiệp mục tiêu đạt tối đa 38.000 tỷ đồng doanh thu thuần và tối đa 6.800 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng tương ứng 37% và 23% so với thực hiện năm 2021. Kết thúc quý này, MCH chỉ đạt 16% kế hoạch doanh thu và 17% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Mặc dù kết quả kinh doanh được cải thiện hơn so với quý I/2021 tuy nhiên, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh lại bị âm hơn 230 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do MCH đã tiến hành chi trả các khoản phải trả và nợ phải trả trong kỳ.
Về tình hình tài chính, tổng tài sản cuối kỳ đạt 29.899 tỷ đồng, trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 36%, trị giá trên 10 tỷ đồng.
Tổng giá trị nợ vay ngắn và dài hạn cuối kỳ là 8.036 tỷ đồng, chiếm 27% tổng nguồn vốn. Trong kỳ, Masan Consumer đã trả được 472 tỷ đồng nợ vay. Vốn chủ sở hữu cuối kỳ là 18.190 tỷ đồng, lãi lũy kế là 7.980 tỷ đồng.
Năm nay, Masan Consumer cùng với sự hỗ trợ của công ty phần mềm Trusting Social, lên kế hoạch mở rộng 20.000 cửa hàng nhượng quyền WinCommercial (WCM) từ tháng 6/2022 đến 2025, đồng thời giới thiệu sản phẩm thẻ tín dụng kết hợp với thẻ thành viên WCM và thẻ chìa khóa tương lai đến khách hàng.