Ngày 3/5, thông tin từ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, tại đây vừa tiếp nhận bệnh nhân N.V.V. (51 tuổi, ngụ tại TPHCM) nhập viện trong tình trạng đau nhói vùng hạ sườn phải, sốt nhẹ không giảm và xuất hiện vàng da nhẹ.
Ung thư gan là bệnh lý thường gặp nhất trong các loại bệnh ung thư tại Việt Nam (ảnh: minh họa)
|
Các bác sĩ đã thực hiện siêu âm chẩn đoán kết hợp với xét nghiệm và chụp cộng hưởng từ. Kết quả cho thấy, người bệnh bị ung thư gan với khối u ở gan kích thước gần 4cm có dấu hiệu di căn. Sau hội chẩn, các bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật cắt bỏ phần gan mang khối u kết hợp điều trị bằng thuốc ngăn ngừa di căn phát triển. Cuộc mổ đã diễn ra thành công, hiện sức khỏe bệnh nhân đang bình phục tốt và tiếp tục được theo dõi, điều trị.
Ung thư gan là loại ung thư có tỉ lệ mắc mới hằng năm đứng đầu trong các loại ung thư tại Việt Nam. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Việt Nam có tỷ lệ mắc ung thư gan theo giới tính nam cao thứ 3 thế giới.
PGS.TS.BS Bùi Hữu Hoàng, Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y Dược cho biết, những người mắc các bệnh về gan mạn tính như: viêm gan B mạn, viêm gan C mạn và xơ gan thường có nguy cơ cao bị ung thư gan. Theo thống kê, có từ 80-90% người bệnh từng bị xơ gan tại thời điểm chẩn đoán ung thư gan.
Ngoài ra với những người có tiền sử gan nhiễm mỡ, đái tháo đường type II hoặc do các yếu tố khác như di truyền, nghiện rượu, nghiện thuốc lá… cũng thuộc nhóm có nguy cơ bị ung thư gan.
Khám tầm soát để phát hiện và điều trị sớm sẽ hạn chế tối đa hậu quả do ung thư gan gây ra |
|
Các triệu chứng ung thư gan cụ thể thường không xuất hiện trong giai đoạn đầu. Để tầm soát ung thư gan, người bệnh sẽ phải thực hiện một số phương pháp như siêu âm chẩn đoán hình ảnh kết hợp xét nghiệm đo nồng độ AFP trong máu, nội soi ổ bụng, làm sinh thiết, chụp X-quang cắt lớp và chụp cộng hưởng từ.
Theo TS.BS Trần Công Duy Long, Trưởng Đơn vị Ung thư gan mật, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm bệnh về gan, giúp người bệnh được chữa trị kịp thời và có thể chữa khỏi triệt để. Khi phát hiện bệnh trong giai đoạn đầu, có thể điều trị ung thư gan triệt để với các phương pháp: đốt khối u bằng sóng cao tần (khi kích thước khối u nhỏ hơn 3 cm), phẫu thuật loại bỏ phần gan mang khối u và phẫu thuật ghép gan.
Khi bệnh tiến đến giai đoạn tiến xa hoặc giai đoạn muộn, người bệnh sẽ được chỉ định liệu pháp điều trị toàn thân. Ngoài liệu pháp cổ điển hóa trị: bơm hóa chất và làm thuyên tắc mạch nuôi khối u (TACE).
Bên cạnh đó còn nhiều phương án điều trị hiệu quả ung thư gan như: liệu pháp nhắm trúng đích (ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư), liệu pháp miễn dịch (kích hoạt hệ thống miễn dịch cơ thể tự tiêu diệt tế bào ung thư), liệu pháp kháng sinh mạch máu (ức chế sự phát triển các mạch máu ở khối u).