Thời sự

Vụ Phó trưởng công an phường tát thẳng mặt cô gái: Có dấu hiệu bắt giữ người trái luật?

Có dấu hiệu bắt người trái pháp luật?

Ngày 4/5, Đại tá Vũ Hồng Quang - Giám đốc Công an tỉnh Cao Bằng xác nhận người mặc áo sơ mi trắng đánh cô gái lúc đêm khuya gây xôn xao dư luận là Phó công an phường Sông Bằng (TP Cao Bằng). Hiện tại Công an tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo cho đình chỉ công tác đối với cán bộ này để xác minh làm rõ vụ việc.

Trao đổi với PV dưới góc độ pháp lý về vụ việc, TS Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Nếu đã xác định người mặc áo trắng trong clip là Phó trưởng công an phường thì dù cô gái bị đánh không tố cáo về hành vi cố ý gây thương tích thì cũng vẫn cần xem xét về hành vi "Bắt giữ người trái pháp luật".

TS Luật sư Cường nhận định, những gì diễn ra trong clip cho thấy hành vi đánh người là vô cớ, đánh phụ nữ lại càng không thể chấp nhận được. Bởi vậy người phụ nữ này có thể đi thăm khám, đề nghị giám định thương tích.

Trường hợp có thương tích xảy ra thì dù tỉ lệ thương tích chưa tới 11 % vẫn có thể xử lý hình sự người đàn ông này về tội cố ý gây thương tích theo điều 134 Bộ luật Hình sự khi nạn nhân có yêu cầu.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần làm rõ hành vi bắt giữ nam thanh niên trong clip có căn cứ hay không, có đúng quy định của pháp luật hay không?

Theo quy định của pháp luật thì cơ quan chức năng chỉ được phép bắt người phạm tội quả tang, bắt người theo lệnh truy nã, bắt bị can để tạm giam, bắt bị cáo để thi hành hình phạt tù, giữ người trong trường hợp khẩn cấp.

Tất cả các hoạt động tố tụng này phải theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 và phải được Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn.

Việc bắt giữ người phải được thực hiện theo quy trình, quy định của pháp luật. Khi bắt người phải có lệnh bắt người, công bố lệnh và có sự giám sát của viện kiểm sát cùng cấp.

Người bị bắt có quyền được biết mình bị bắt vì lý do gì và được quyền khiếu nại đối với quyết định bắt người.

Tội bắt giữ người trái pháp luật cấu thành tội phạm kể từ khi người thực hiện hành vi phạm tội đe dọa uy hiếp tinh thần, sử dụng vũ lực để ép buộc nạn nhân ra khỏi nơi cư trú, nơi làm việc của họ hoặc có những hành vi khác xâm phạm thân thể công dân, tước bỏ quyền tự do về thân thể của công dân trái pháp luật.

Tội bắt người trái pháp luật không phụ thuộc vào yêu cầu của người bị hại.

Bởi vậy trong trường hợp người bị hại không có yêu cầu nhưng kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy có đủ căn cứ xác định có hành vi bắt giữ người trái pháp luật thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự để xử lý người vi phạm theo quy định của pháp luật.

Tội danh này không bắt buộc người phạm tội phải bắt được, giữ được nạn nhân.

Mọi hành vi sử dụng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác để đe dọa, uy hiếp tinh thần của nạn nhân, xâm phạm đến quyền tự do thân thể, tự do đi lại, tự do cư trú của nạn nhân, ép buộc nạn nhân phải di chuyển khỏi nơi cư trú làm việc của họ, do người không có thẩm quyền thực hiện, không theo trình tự thủ tục luật định thì đều là hành vi bắt, giữ người trái pháp luật, hành vi này là nguy hiểm cho xã hội và sẽ bị xử lý hình sự.

Theo quy định của bộ luật hình sự hiện nay thì tội bắt giữ người trái pháp luật có mức hình phạt cao nhất đến 12 năm tù.

Ngoài ra, người phạm tội còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

"Đối với cán bộ, công chức, đặc biệt là công an nhân dân thì hành vi ứng xử với nhân dân phải đúng chuẩn mực, có văn hóa, thể hiện thái độ tôn trọng nhân dân, phục vụ nhân dân.

Những hành vi lạm quyền, lộng quyền, coi thường pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân thì cần phải xem xét xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Bởi vậy, cơ quan chức năng vào cuộc xác minh làm rõ kết luận là cán bộ công chức vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật thì ngoài trách nhiệm pháp lý, người vi phạm phải chịu chế tài trước pháp luật thì cán bộ, công chức vi phạm pháp luật còn bị kỷ luật công chức và kỷ luật đảng.

Với hành vi đánh người, bắt giữ người trái pháp luật mà được cơ quan chức năng kết luận thì mức hình thức kỷ luật có thể là cao nhất: tước danh hiệu công an nhân dân và khai trừ ra khỏi đảng..." TS Luật sư Đặng Văn Cường nói.

TS Luật sư Cường cho biết thêm, cách đây không lâu, Đại uý Lê Thị Hiền có những lời lẽ thiếu chuẩn mực, gây rối tại sân bay bị dư luận lên án đã bị hình thức kỷ luật cao nhất là tước danh hiệu công an nhân dân, nếu so sánh với vụ việc trên thì hành vi đánh người công khai, thể hiện thái độ coi thường, thách thức pháp luật như vậy thì cũng xứng đáng xem xét kỷ luật với mức kỷ luật cao nhất.

Theo quy định của pháp luật hiện nay thì việc xử lý kỷ luật công chức vi phạm kỷ luật sẽ được thực hiện theo Nghị định 112/2020/NĐ-CP, theo đó mức hình thức kỷ luật có thể áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là: khiển trách; cảnh cáo; giáng chức; cách chức; buộc thôi việc.

Điều 2 của nghị định này cũng quy định: "Không áp dụng hình thức xử phạt hành chính hoặc hình thức kỷ luật đảng thay cho hình thức kỷ luật hành chính; xử lý kỷ luật hành chính không thay cho truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu hành vi vi phạm đến mức bị xử lý hình sự.".

Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đã bị xử lý kỷ luật đảng thì hình thức kỷ luật hành chính phải bảo đảm ở mức độ tương xứng với kỷ luật đảng.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải xem xét, quyết định việc xử lý kỷ luật hành chính.

Không được bắt người vào ban đêm

TS Luật sư Cường cho biết thêm, Điều 109 Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành năm 2015 quy định biện pháp ngăn chặn như sau: Để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh.

Các trường hợp bắt người gồm bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã, bắt bị can, bị cáo để tạm giam, bắt người bị yêu cầu dẫn độ.

Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì bắt người là một biện pháp ngăn chặn và không ai bị bắt nếu không có quyết định của tòa án nhân dân; quyết định hoặc phê chuẩn của viện kiểm sát nhân dân; trừ trường hợp phạm tội quả tang.

Bộ luật tố tụng hình sự cũng quy định thủ tục bắt, giữ người rất chặt chẽ như sau: Sau khi giữ người, bắt người, người ra lệnh giữ người, lệnh; hoặc quyết định bắt người phải thông báo ngay cho: Gia đình người bị giữ, bị bắt; chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú; hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập.

Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận người bị giữ, bị bắt; cơ quan điều tra nhận người bị giữ, bị bắt phải thông báo cho: Gia đình người bị giữ, bị bắt; chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú; hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập....

Ngoài ra, đối với việc bắt giữ, giam người bộ luật tố tụng hình sự cũng quy định: Không được bắt đầu việc áp giải, dẫn giải người vào ban đêm (khoản 6, Điều Điều 127)...; không được bắt đầu việc khám xét chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp, nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản (khoản 1 Điều 195).

Theo Khoản 3, Điều 113 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định: Không được bắt người vào ban đêm, trừ trường hợp phạm tội quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã. Trong đó, ban đêm được hiểu là từ 22 giờ đến 06 sáng hôm sau.

Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành thì nếu không phải là trường hợp phạm tội quả tang; hoặc bắt người đang truy nã; công an tuyệt đối không được bắt giữ người vào ban đêm.

Mọi hành vi bắt giữ người vào ban đêm, nếu không thuộc hai trường hợp nêu trên; đều được coi là trái luật và người bị bắt có quyền yêu cầu khiếu nại, bồi thường thiệt hại.

Đại tá Nông Văn Kiên - Trưởng công an TP Cao Bằng cho biết, công an được phép bắt giữ người trong đêm nhưng chỉ ở trong trường hợp "khẩn cấp". Đối với vụ việc trên, kết luận đúng hay sai của Công an phường Sông Bằng đang trong quá trình xác minh.

Trước đó, vào chiều tối 2/5, mạng xã hội Facebook lan truyền một số đoạn clip ghi lại hình ảnh một người mặc sắc phục công an và 2 người mặc thường phục vào nhà dân định bắt giữ một nam thanh niên xảy ra vào hơn 23h ngày 28/4 tại địa bàn thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng.

Thời điểm định bắt người thì người đàn ông mặc áo sơ mi trắng bị chống cự nên đã tát cô gái 2 lần thẳng mặt ở ngoài sân và trong nhà.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm