Tài chính

USD sát mức đỉnh 20 năm trước thềm cuộc họp của Fed, vàng lao dốc mạnh

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tiếp cận chính sách tiền tệ ngày càng tích cực nhằm giải quyết vấn đề lạm phát – đang tăng nhanh nhất trong vòng 40 năm. Đó là lý do khiến các nhà giao dịch đang theo dõi sát cuộc họp này với dự kiến Fed sẽ nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản và công bố kế hoạch giảm bảng cân đối kế toán trị giá 9 nghìn tỷ USD.

Thậm chí, một số nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong kỳ họp này, hoặc giảm bảng cân đối kế toán với tốc độ nhanh hơn dự kiến, mặc dù những khả năng này là không cao.

Edward Moya, nhà phân tích cấp cao của OANDA, cho biết: "Rất nhiều nhà giao dịch đang dự đoán rằng Fed sẽ không lùi bước khỏi lập trường ‘diều hâu’ này và vì thế không loại trừ khả năng sẽ có một số bất ngờ theo hướng ‘diều hâu’ hơn. Đó là lý do khiến đồng USD duy trì ở mức cao như hiện nay trước khi cuộc họp của Fed bắt đầu (ngày 3/5).

Nhận định của Chủ tịch Fed Jerome Powell khi kết thúc cuộc họp (ngày 4/5) cũng sẽ được thị trường xem xét kỹ lưỡng để tìm xem có bất kỳ dấu hiệu mới nào về việc liệu Fed có tiếp tục tăng lãi suất để chống lại áp lực tăng giá ngay cả khi nền kinh tế suy yếu hay không.

Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – kết thúc ngày 2/5 theo giờ Việt Nam ở mức 103,51, sau khi đạt 103,93 vào thứ Năm tuần trước (28/4), mức cao nhất kể từ tháng 12 năm 2002.

Đồng euro lúc kết thúc ngày 2/5 theo giờ Việt Nam ở mức 1,0513 đô la, sau khi giảm xuống 1,0470 USD hôm 28/4, mức thấp nhất kể từ tháng 1 năm 2017.

Đồng tiền chung đã bị ảnh hưởng sau khi dữ liệu cho thấy tăng trưởng sản lượng sản xuất của khu vực đồng euro tháng 4/2022 bị đình trệ do các nhà máy phải vật lộn để tìm nguồn nguyên liệu thô, trong khi nhu cầu giảm do giá tăng mạnh.

Khu vực này đang rất lo ngại về các vấn đề: Lạm phát, tăng trưởng và mất an ninh năng lượng do các lệnh trừng phạt đối với Nga.

Các chiến lược gia của BNP Paribas cho biết sự sụt giảm của đồng euro chủ yếu được thúc đẩy bởi dòng tiền đầu cơ lớn chứ không hoàn toàn bởi lo ngại về triển vọng kinh tế xấu đi. Đây là một diễn biến bất thường, cho thấy một số nhà đầu tư có thể đang tăng cường mua euro – đồng tiền đã giảm hơn 4,5% trong tháng 4, là tháng giảm nhiều nhất kể từ 2015.

Những lo ngại về tăng trưởng toàn cầu cũng đã thúc đẩy nhu cầu đối với đồng bạc xanh khi Trung Quốc đóng cửa nhiều thành phố trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. 

Đồng USD tăng 0,6% so với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trên thị trường nước ngoài, đạt 6,6824 CNH, không xa mức 6,6940 của ngày thứ Sáu tuần trước (29/4), mức cao nhất kể từ tháng 11 năm 2020.

Hoạt động của các nhà máy của Trung Quốc tháng 4/2022 giảm với tốc độ nhanh hơn so với tháng trước do việc phong tỏa trên diện rộng để chống dịch Covid-19 đã làm ngưng trệ hoạt động sản xuất công nghiệp và làm gián đoạn chuỗi cung ứng, làm dấy lên lo ngại về sự suy giảm kinh tế mạnh trong quý thứ 2, và dự kiến sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu.

Đồng yên Nhật Bản kết thúc ngày 2/5 ở mức 130,14 JPY/USD, sau khi giảm xuống chỉ 131,24 JPY hôm 28/4, mức thấp nhất kể từ tháng 4 năm 2002 (20 năm), khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản củng cố cam kết giữ lãi suất ở mức cực thấp bằng cách cam kết mua số lượng trái phiếu không giới hạn hàng ngày để bảo vệ mục tiêu lợi suất của mình.

Đô la Canada cũng giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 4 tháng so với USD do nhu cầu đối với đồng bạc xanh để làm nơi trú ẩn an toàn tăng nhanh và dữ liệu sản xuất của các nhà máy Trung Quốc cho thấy tác động tiêu cực từ chính sách phong tỏa chống Covid-19.

Theo đó, CAD lúc kết thúc ngày 2/5 theo giờ Việt Nam giảm 0,3% so với đồng bạc xanh, xuống 1,29 CAD, tương đương 77,52 US cent/CAD. Trước đó, có lúc CAD chạm mức thấp nhất kể từ ngày 22 tháng 12, ở mức 1,2905.

Canada là nước sản xuất hàng hóa lớn, bao gồm cả dầu mỏ, vì vậy đồng tiền của nước này có xu hướng nhạy cảm với triển vọng kinh tế toàn cầu.

USD sát mức đỉnh 20 năm trước thềm cuộc họp của Fed, vàng lao dốc mạnh - Ảnh 1.

Tỷ giá các tiền tệ chủ chốt.

Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin tăng, kết thúc ngày 2/5 theo giờ Việt Nam đạt 38.780 USD.

Theo các chuyên gia, giá Bitcoin và nhiều đồng tiền kỹ thuật số khác đang chịu nhiều tác động do chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất của nhiều quốc gia. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ và nâng lãi suất cao hơn sẽ làm tăng chi phí đi vay và có khả năng làm nhà đầu tư ít mặn mà với các tài sản rủi ro như tiền mã hóa.

Mối tương quan giữa giá Bitcoin và chứng khoán ngày càng mật thiết. Đồng Bitcoin thường tăng, giảm theo thị trường chứng khoán Mỹ. Đà bán tháo cổ phiếu công nghệ lan rộng do những lo ngại về việc Fed tiếp tục siết chặt chính sách tiền tệ.

USD sát mức đỉnh 20 năm trước thềm cuộc họp của Fed, vàng lao dốc mạnh - Ảnh 2.

Giá Bitcoin ngày 2/5.

Giá vàng giảm mạnh do USD và lợi suất trái phiếu Mỹ mạnh lên.

Giá vàng giao ngay giảm 1,7% vào lúc kết thúc ngày 2/5 theo giờ Việt Nam, xuống 1.863,31 USD/ounce, trước đó có lúc giá chạm mức thấp nhất kể từ ngày 16 tháng 2, là 1.854,36 USD.

Giá vàng kỳ hạn tháng 6/2022 giảm 2,6% xuống 1.862,70 USD.

Các nhà kinh doanh vàng cũng đang theo dõi sát cuộc họp của Fed. Kim loại màu vàng thường được coi là hàng rào chống lạm phát nhưng việc tăng lãi suất sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng thỏi không có năng suất.

Tham khảo: Refinitiv. Coindesk

Cùng chuyên mục

Đọc thêm