Báo cáo tài chính của công ty cho thấy cơ cấu tài sản biến động lớn khi các khoản ngắn hạn tại ngày 31/3 giảm mạnh so với thời điểm cuối năm ngoái, từ 7.000 tỷ đồng xuống 4.900 tỷ đồng. Bù lại, giá trị các khoản dài hạn tăng từ 11.400 tỷ đồng lên xấp xỉ 14.000 tỷ đồng.
Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tài sản dài hạn là chi phí phát triển vườn cây ăn quả với gần 3.100 tỷ đồng, tăng 700 tỷ. Dự án chăn nuôi còn được rót nhiều tiền hơn khi tăng gần 1.200 tỷ đồng trong ba tháng, nâng chi phí vào cuối kỳ lên gần 2.200 tỷ đồng.
Tại phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên đầu tháng 4, ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai – cho biết công ty đang cần tiền để đầu tư, mở rộng vườn chuối và chuồng heo. Do đó, công ty lên kế hoạch chào bán gần 162 triệu cổ phiếu để thu 1.700 tỷ đồng mà không phân biệt đối tác có kinh nghiệm trong ngành nông nghiệp hay không.
Theo Bầu Đức, năm nay Hoàng Anh Gia Lai sẽ trồng 2.000 ha chuối và xây thêm 9 cụm chuồng trại chăn nuôi heo nái và heo thịt. Trong số đó, có 2 cụm chuồng trại tại Lào và 2 cụm tại Campuchia, nâng tổng số cụm chuồng trại lên thành 16 với công suất hơn một triệu con heo thịt mỗi năm.
Ông gọi trồng chuối và nuôi heo là chiến lược "một cây, một con". Chiến lược này được ông đúc kết sau 10 năm nếm mật nằm gai làm nông nghiệp và đặt nhiều kỳ vọng giúp công ty bùng nổ từ năm sau.
Công ty đặt mục tiêu năm nay có doanh thu 4.820 tỷ đồng và lãi 1.120 tỷ đồng – mức cao nhất kể từ 2015 đến nay. Mục tiêu này được xây dựng với giả định giá heo hơi 53.000 đồng một kg và chuối 13.000 đồng một kg.
Kết quả ba tháng đầu năm cho thấy khả năng hoàn thành mục tiêu này khả thi. Công ty đã ghi nhận doanh thu hơn 800 tỷ đồng, tăng gấp ba lần cùng kỳ. Trái cây đóng góp hơn 390 tỷ đồng, còn heo mang về 200 tỷ đồng. Phần còn lại đến từ bán hàng hoá và cung cấp dịch vụ.
Công ty lãi sau thuế gần 260 tỷ đồng trong giai đoạn này, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ xấp xỉ 70 tỷ đồng.