Kỹ năng sống

Ước mơ của cậu bé không tay

Sáng cuối tháng 4, trong căn nhà cấp bốn rộng 40 m2 ở thôn Phủ, xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành, Nguyễn Đông Khải, 8 tuổi, lại đưa bàn chân phải kẹp lấy sách vở và bút viết bắt đầu làm bài tập như mọi ngày.

Trên tấm phản gỗ dài gần một mét, chân trái gập lại để cái đầu gối tì chặt quyển vở cho khỏi xê dịch, chân phải cầm bút, Khải đưa những nét chữ đầu tiên chép lại bài thơ "Tre xanh".

Hết khổ thơ đầu, cậu bé vặn vẹo hai ngón chân đỏ ứng cho đỡ mỏi. Phần da kẽ ngón tây đã chai cứng. Năm năm trước, em được ông nội Nguyễn Văn Mỵ, 70 tuổi, dạy viết chữ bằng chân, vì không có tay bẩm sinh.

Đông Khải dùng chân phải viết chữ tại nhà riêng ở xã Ninh Xã, sáng 19/4. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Đông Khải dùng chân phải viết chữ tại nhà riêng ở xã Ninh Xá, sáng 19/4. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Đông Khải là con thứ hai của anh Nguyễn Văn Thịnh, 36 tuổi và chị Nguyễn Thị Phương, 29 tuổi. Ngày mang bầu, chị Phương thường xuyên đi siêu âm, kiểm tra sức khỏe, nhưng không bác sĩ nào phát hiện ra điều bất thường. Hai bên gia đình đếm từng ngày đón cháu.

Khi cậu bé vừa lọt lòng mẹ, bác sĩ thông báo: Con không có hai tay. Chị Phương chết lặng. "Nhớ lại cảm giác ngày hôm ấy tôi vẫn sốc, nhìn chỗ cánh tay cụt lủn của con mà bất lực. Tương lai con phải làm sao?", người mẹ kể.

Đưa cháu về nhà, những ngày đầu gia đình ông Mỵ không dám ra ngoài, sợ hàng xóm dị nghị. "Có người ác miệng nói ăn ở thế nào mà sinh cháu không tay", ông nhớ lại. Mỗi lần thay đồ cho cháu đi tắm, hay nhìn cảnh Khải dùng hai chân đẩy người trườn như con sâu đo trên giường, vợ chồng ông Mỵ ứa nước mắt.

"Thằng Khải khiếm khuyết ở tay nhưng khỏe mạnh là mừng. Gia đình sẽ chăm sóc, nuôi dạy cháu thành người", ông an ủi con dâu. Hết cữ, vợ chồng anh Thịnh đi làm, nhờ ông bà chăm cháu.

Biết cháu không thể ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò như những đứa trẻ bình thường, lúc Khải cứng cáp, ông Mỵ dạy cháu tập ngồi, sau nhảy cóc tập đi. Cảnh cháu bước một bước, ông theo nửa bước, tay ông đỡ thân cho cháu khỏi đổ, không xa lạ với người dân thôn Phủ. "Ngoài việc thiếu tay, thằng bé phát triển bình thường. Hai tuổi đã nói sõi, tự xúc cơm, chơi đồ chơi và làm các việc đơn giản bằng chân", người hàng xóm sát nhà nói.

Năm cháu ba tuổi, ông Mỵ cố xin cho Đông Khải đi học mầm non nhưng cô giáo có phần e ngại, sợ khó chăm sóc. Đi học được vài ngày, Khải về hỏi ông: "Sao con không có tay giống các bạn? Bao giờ tay con sẽ mọc lại? Sao các bạn cứ gọi là thằng cụt?". Biết không thể giấu cháu, ông Mỵ giải thích "tay không mọc lại, nhưng có thể dùng chân thay thế".

Từ ấy, người đàn ông 70 tuổi bắt đầu dạy cháu tập viết bằng chân. Ban đầu, Khải học cách kẹp phấn giữa ngón cái và trỏ, nhưng ngón chân cứng đờ, không theo ý muốn, vài chục hộp phấn vỡ vụn vì lực siết mạnh. Khi cháu quen cách cầm phấn, ông Mỵ hướng dẫn cháu tập tô các nét ngang, dọc ở khoảng sân láng xi măng trước nhà. Sau tập tô bảng chữ cái, học viết số.

Lần nào tập viết, cậu bé cũng gồng mình, cong lưng theo từng con chữ, mồ hôi chảy dài trên má. Không ít lần chỗ kẹp phấn sưng phồng, rớm máu, còn hai chân chuột rút, tê cứng không thể cử động. Cả đêm ấy ông Mỵ ngồi xoa bóp cho cháu dễ ngủ. Nhưng có lần đau quá, Khải nói dỗi "không muốn viết", ông lại kể về nghị lực của những người chung cảnh ngộ như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, Hoa Xuân Tứ để truyền động lực cho cháu.

Thạo viết chữ cỡ lớn, Khải tập viết chữ nhỏ. Hai năm sau, viên phấn, cái bút không còn làm khó được đôi chân của em. Không tập viết trên sân, em làm quen với bảng đen, vở ô ly. Các nét chữ đều đẹp, ngay ngắn, gọn nét và thẳng hàng.

Lên 6 tuổi, gia đình tính xin cho Khải vào trường khuyết tật tỉnh, nhưng trường Tiểu học Ninh Xá quyết định vẫn nhận em vào học vì biết nghị lực của "chú chim cánh cụt". Trên lớp, nhà trường đóng bàn học riêng, bố trí em ngồi bàn đầu. Thầy cô cũng xếp lớp học ở tầng một cho tiện di chuyển.

Những ngày đầu, thầy cô còn nghi ngờ, sợ Khải viết bằng chân chậm, không theo kịp các bạn. Nhưng thấy cậu học trò nắn nót viết từng chữ, về nhà luyện tăng tốc độ, mọi người dần an tâm. Sau vài tuần, em quen nhịp học, viết nhanh hơn, cô giáo không phải chờ khi đọc chính tả. Ngoài học tốt tiếng Việt, cậu bé còn có khiếu tính nhẩm nhanh và vẽ đẹp.

Thấy Khải có ngoại hình khác biệt, nhiều bạn bè chọc ghẹo gọi "thằng cụt", "đứa không tay". Không đáp trả, em mím chặt môi, mếu máo chạy về mách ông. "Kệ họ đi. Chỉ cần cháu học tốt, các bạn sẽ không thể chê cười", ông Mỵ an ủi cháu.

Ông Nguyễn Văn Mỵ đang kèm cháu học bài tại nhà, sáng 19/4. Ảnh: Quỳnh Nguyễn.

Ông Nguyễn Văn Mỵ đang kèm cháu học bài tại nhà, sáng 19/4. Ảnh: Quỳnh Nguyễn.

Mỗi sáng, người đàn ông 70 tuổi dậy sớm, chuẩn bị quần áo, đồ ăn, sau lấy xe đạp chở cháu đến trường, trưa đón về. Ở nhà, vợ ông lo đồng áng, chuẩn bị cơm nước. Sau bữa ăn tối, hai ông cháu lại ngồi ôn bài. Hiện, Đông Khải thuần thục dùng đũa, thìa ăn cơm, có thể tự tắm rửa, thay quần áo, sử dụng máy tính bảng, điều khiển ti vi bằng chân. Chỉ có việc đi vệ sinh vẫn nhờ gia đình hỗ trợ.

Ông Phùng Đình Thảo, trưởng thôn Phủ, xã Ninh Xá, cho biết gia đình ông Nguyễn Văn Mỵ có hoàn cảnh khó khăn. Vợ chồng con trai lớn đi làm cả ngày, gửi ba con nhờ bố mẹ chăm sóc, trong đó có cháu Đông Khải không may tàn tật.

"Cháu Khải khiếm khuyết hai tay nhưng rất thông minh, học giỏi, ngoan, viết chữ đẹp, lại ham học. Hàng xóm, thầy cô giáo đều công nhận. Để có được thành quả bước đầu như hôm nay là sự nỗ lực, kiên trì của cả gia đình", ông Thảo nói.

Video Đông Khải viết chữ bằng chân tại nhà, sáng 19/4. Video: Quỳnh Nguyễn

Được nhiều người hỏi ước mơ làm gì khi lớn, nhưng Khải chỉ lặng im. "Chỉ có một lần thằng bé thổ lộ ước mơ làm bác sĩ để chế ra thuốc mọc tay, tự chăm sóc được bản thân, không làm phiền ông bà, bố mẹ", bà Nguyễn Thị Tươi, bà ngoại Khải, bộc bạch.

Còn giờ, vợ chồng anh Thịnh động viên nhau cố gắng làm ăn, mỗi tháng cất riêng vài triệu cho con trai thứ. "Thằng bé học giỏi lắm, kỳ nào họp phụ huynh cô giáo cũng khen. Nếu cháu có khả năng học lên đại học, dù phải vay mượn vợ chồng tôi cùng làm. Chỉ mong con lớn khôn, trở thành người có ích cho xã hội", anh Thịnh nói.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm