Tại Việt Nam, nền tảng này nhắm đến khách hàng mục tiêu là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại TP HCM, Hà Nội và lân cận. Từ tháng 12/2021, họ đã thử nghiệm cho vay ở Việt Nam và giải ngân được 20 triệu USD. Công ty đặt mục tiêu giải ngân hơn 90 triệu USD trong năm nay và đạt 1,3 tỷ USD vào năm 2025.
Trước mắt, họ tiếp cận bằng cách cung cấp khoản vay ngoại tệ cho doanh nghiệp từ Singapore (offshore B2B lending). Công ty bày tỏ mong muốn hợp tác với các nền tảng công nghệ và ngân hàng địa phương trong trung và dài hạn.
"Chúng tôi đang đánh giá để áp dụng khung pháp lý mang tính thử nghiệm (sandbox) cho mảng Fintech của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để có thể tiến hành các hoạt động cho vay bằng nội tệ", Ryan Galloway, CEO Funding Societies Việt Nam nói với VnExpress.
Theo tính toán của Fintech này, thị trường Việt Nam đang có đến 58 tỷ USD khoảng trống về tài trợ vốn cho SME. Theo định nghĩa của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), khoảng trống tài trợ vốn là sự thiếu hụt nguồn vốn tài trợ mà doanh nghiệp gặp phải do những vấn đến liên quan đến thủ tục, quy trình.
Cũng theo tính toán của Funding Societies, các SME chưa được phục vụ tại Việt Nam đang có nhu cầu vay tổng cộng 65,68 tỷ USD. Trong khi đó, nhóm chưa được phục vụ đầy đủ, tức đã vay nhưng cần vay thêm có tổng nhu cầu khoảng 4,38 tỷ USD.
Ông Kelvin Teo khẳng định, sự có mặt của họ tại Việt Nam "chỉ bổ trợ các khoản vay nhỏ cho các ngân hàng truyền thống chứ không cạnh tranh với họ". Theo đó, Fintech này tập trung vào các khoản vay quy mô dưới một triệu USD, kỳ hạn ngắn từ một đến 12 tháng. Điểm riêng của họ là dùng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích hồ sơ vay, có thể thẩm định các khoản vay.
Funding Societies được Kelvin Teo và bạn học thành lập từ căn phòng ký túc xá khi họ học thạc sỹ tại Trường Kinh doanh Harvard (Mỹ) vào năm 2015. Trước khi vào Việt Nam, công ty có mặt ở Singapore, Indonesia, Thái Lan, Malaysia. Nền tảng này đã giải ngân hơn 2 tỷ USD thông qua hơn 5 triệu giao dịch cho vay.
Fintech này đã được rót vốn bởi các nhà đầu tư gồm SoftBank Vision Fund 2, Rapyd Ventures, EDBI, Indies Capital, Ascend Vietnam Ventures và K3 Ventures. Đầu năm nay, VNG của Việt Nam cũng đã đầu tư 22,5 triệu USD vào công ty trong vòng gọi vốn Series C+ có tổng trị giá 294 triệu USD, với 144 triệu USD vốn chủ sở hữu và 150 triệu USD khoản cho vay.