Chứng khoán

Tỷ suất lợi nhuận của ‘cá mập’ ngoại thua xa quỹ nội, nhóm top đầu chưa thể thắng VN-Index

Sau năm 2022 và quý đầu 2023 ảm đạm, có thể nói thị trường vừa trải qua bữa tiệc kéo dài 6 tháng. Nhà đầu tư mua đâu thắng đó, giá cổ phiếu tăng giá bằng lần kể từ vùng đáy. Nhiều cổ phiếu nhóm chứng khoán, bất động sản, thép… tăng giá gấp 2, 3 lần đem lại thành quả cho nhà đầu tư.

Nhưng điều đó dường như đã không đúng với những “cá mập” trên thị trường. Thống kê sau 9 tháng cho thấy tỷ suất lợi nhuận đang tỷ lệ nghịch so với quy mô tài sản của quỹ. Các quỹ nội với giá trị danh mục chỉ vài trăm tỷ đồng có mức sinh lợi cao hơn đáng kể những tổ chức có danh mục đầu tư lên tới hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng.

Dữ liệu cập nhật tại ngày 21/9, những quỹ đầu tư có hiệu suất tốt nhất thị trường chủ yếu là những quỹ mở cổ phiếu thuộc quản lý của các công ty quản lý quỹ trong nước như VCBF – MGF, SSI – SCA, DCDS, DCBC, BVFED, VCAMFB hay VCBF – BCF với tỷ suất lợi nhuận đạt trên 25%.

Nhóm theo sau là những quỹ ngoại có quy mô trung bình trên thị trường với giá trị danh mục đầu tư trong khoảng 100 – 500 triệu USD như JPMorgan Vietnam Opportunities, Vietnam Holding, Lumen Vietnam Fund, KIM Vietnam Growth Fund. Nếu so mức tăng 20,42% của chỉ số tham chiếu VN-Index hay 20% của VN30-Index, hiệu suất của những quỹ trên đều nhỉnh hơn khoảng 0,5 – 4%.

Chiều ngược lại, 4 quỹ lớn nhất thị trường là Vietnam Enterprise Investments Limited - VEIL (Dragon Capital), VinaCapital Vietnam Opportunity Fund – VOF (VinaCapital), CTBC Vietnam Equity Fund (Dragon Capital) hay Pyn Elite Fund đều không thể chiến thắng được VN-Index.

Hai quỹ đầu tư khác thuộc Dragon Capital và VinaCapital là Vietnam Equity (UCITS) (VEF) và Jih Sun Vietnam Opportunity Fund hay LionGlobal Vietnam Fund (Singapore) cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Trong nhóm quỹ mở nội, BVPF và VLGF – SSIAM cũng có hiệu suất thấp hơn so thị trường chung.

Nhìn vào dữ liệu thống kê sau 9 tháng, quỹ đến từ Phần Lan Pyn Elite Fund đang có hiệu suất thấp nhất trong số những quỹ đầu tư cổ phiếu trên thị trường, chỉ với 9,48% tính đến ngày 21/9. Đợt sụt giảm của thị trường gần đây làm giảm tỷ suất lợi nhuận của quỹ, nhưng vẫn chưa bằng một nửa mức tăng của thị trường chung.

Quỹ lớn nhất của nhóm VinaCapital là VOF có hiệu suất 10,6% sau gần 9 tháng đầu tư. Trong khi đó quỹ lớn nhất thị trường – VEIL với NAV gần 2 tỷ USD thuộc Dragon Capital quản lý, tỷ suất đạt 18,09%, thấp hơn quỹ thành viên khác là CTBC Vietnam Equity (Đài Loan (20,07%).

 

 Tỷ suất lợi nhuận của các quỹ kể từ đầu năm 2023. Nguồn: LH tổng hợp.

 

Vậy điều gì đã khiến những "cá mập” ngoại có kết quả đầu tư kém xa những quỹ quy mô nhỏ, thậm chí không thể chiến thắng được VN-Index?

Thứ nhất, quỹ nhỏ dễ dàng cơ cấu danh mục đầu tư hơn. Trong 6 tháng thị trường liên tục xoay vòng tăng giá giữa các nhóm cổ phiếu, không còn đồng loạt tăng giá như kịch bản năm 2021 đầu năm 2022. Trong xu hướng này, những quỹ quy mô nhỏ hay những nhà đầu tư cá nhân sẽ dễ dàng giao dịch để cơ cấu danh mục.

Dữ liệu thể hiện rõ nhất chiến lược cơ cấu danh mục của quỹ đó là chỉ số tốc độ vòng quay danh mục. Chỉ số này cao hay thấp phụ thuộc vào khẩu vị đầu tư của quỹ và diễn biến thị trường. Chẳng hạn như quỹ có hiệu suất trên 36% như VCBF – MGF, sau khi “án binh bất động” trong tháng 7, tốc độ vòng quay danh mục tăng lên 12,67% trong tháng 8.

Năng động hơn, quỹ DCDS thuộc Quản lý quỹ Dragon Capital có tốc độ vòng quay danh mục đạt trên 466% trong tháng 8 và 484,2% trong tháng 7. Quỹ mở khác là DCBC ghi nhận tốc độ vòng quay quay 181,5% tháng vừa qua.

Trong khi đó, với quỹ quy mô lớn như VEIL, sau khi thoái bớt vốn khỏi ACB, quỹ phải mất nhiều tuần mua vào sau đó để hoàn tất cơ cấu danh mục.

Thứ hai, quỹ lớn nắm nhiều bluechip kém sắc. Với danh mục đầu tư lớn, các quỹ hàng đầu thị trường như VEIL, VOF hay Pyn Elite Fund đang phân bổ tỷ trọng lớn cổ phiếu nhóm ngân hàng, bất động sản. Trong nhịp tăng vừa qua, cổ phiếu hai nhóm này phân hóa mạnh, có những mã tăng giá trở lại vùng đỉnh cũ khi VN-Index ở 1.500 điểm, nhưng cũng có trường hợp tăng ít, thậm chí giảm so với thời điểm đầu năm.

Ví dụ trường hợp của Pyn Elite Fund, quỹ ngoại này đang nắm giữ hơn 1/3 danh mục cổ phiếu “họ Vingroup” (VHM, VRE), VEA, ACV trong khi diễn biến giá không mấy tích cực. Với VOF, quỹ này phân bổ hơn 28% vào vốn tư nhân và công ty đại chúng. Danh mục cổ phiếu niêm yết có ba mã đạt tỷ trọng trên 10% gồm ACB, KDH và HPG.

Thứ ba là thành quả từ các mã “chiến thần”. Nhiều quỹ mở quy mô nhỏ mua tỷ trọng lớn cổ phiếu vốn hóa vừa và lớn và được thành quả trong nhịp tăng giá vừa qua. Như vừa đề cập trên, nhiều mã vốn hóa vừa và lớn tăng giá mạnh trở lại vùng đỉnh cũ hoặc thiết lập đỉnh lịch sử mới như STB, FPT, PVS, DGC, BMP… Mặc dù cùng nắm giữ cổ phiếu FPT như những cổ đông ngoại, nhưng tỷ trọng cao hơn giúp các quỹ mở nội địa có thành tích tốt.

Trên đây là ba lý do dẫn đến sự khác biệt trong kết quả đầu tư của các tổ chức trên thị trường. Bên cạnh phải đối mặt tình trạng hiệu suất kém hơn thị trường chung, việc tiền đồng mất giá, tỷ giá tăng cũng là một vấn đề mà các nhà quản lý quỹ quan tâm. Khi tỷ giá tăng, hiện tượng rút quỹ đã xảy ra tại một số ETF trên thị trường. Tuy nhiên, với những quỹ chủ động trên thị trường, rủi ro rút quỹ thấp hơn bởi nhiều cổ đông quỹ là các tổ chức, gắn bó lâu năm.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm