Trong thông báo được Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) phát đi, tính đến 15h30 ngày 19/9, không có nhà đầu tư đăng ký tham gia thỏa thuận trực tiếp hơn 140,5 triệu quyền mua cổ phiếu LPB thuộc sở hữu của Tổng Công ty Bưu Điện Việt Nam (VNPost).
Do đó, buổi xác định kết quả thỏa thuận trực tiếp quyền mua cổ phiếu của VNPost vào ngày 20/9/2023 đã không diễn ra.
Theo phương án chào bán 500 triệu cổ phiếu ra công chúng của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank), thời gian chuyển nhượng quyền mua từ ngày 5/9 đến ngày 22/9 và thời gian đăng ký mua từ ngày 5/9 đến ngày 26/9. Đồng nghĩa rằng VNPost sẽ không thể chuyển nhượng quyền mua cho cá nhân hoặc tổ chức khác. Cổ đông lớn này của LPBank có hai sự lựa chọn là nộp tiền thực hiện quyền mua cổ phiếu hoặc không thực hiện quyền mua.
Trước đó, trong tháng 4/2023, cổ đông lớn nhất của LPBank thoái vốn bất thành khỏi ngân hàng với mức giá khởi điểm đưa ra 22.908 đồng/cp trong khi thị giá thời điểm đó quanh 14.000 đồng/cp. Đầu năm 2022, VNPost còn đưa ra mức giá khởi điểm cao hơn với 28.930 đồng/cp. Tuy nhiên, sau đó LPBank thực hiện trả cổ tức bằng cổ phiếu nên cổ đông này đã định giá lại.
Trở lại với mức giá thỏa thuận quyền mua lần này, nếu giả định người mua tham gia giao dịch thỏa thuận với mức giá 1.764 đồng/cp tức số tiền chi ra gần 248 tỷ đồng. Với hơn 140,5 triệu quyền mua, nhà đầu tư được mua hơn 40,6 triệu cổ phiếu LPBank với mức giá ưu đãi 10.000 đồng/cp. Tổng số tiền mà nhà đầu tư phải chi ra là hơn 654 tỷ đồng, tương ứng giá vốn bình quân là 16.100 đồng.
Đóng cửa phiên giao dịch 19/9, giá cổ phiếu LPB ở 15.250 đồng/cp, và tiếp tục giảm xuống còn 14.400 đồng/cp kết ngày 22/9. Thị giá thấp hơn khoảng 10% so với mức giá thực hiện quyền mua và không mất thời gian chờ đợi cổ phiếu về tài khoản có thể là nguyên nhân khiến nhà đầu tư không mấy mặn mà với lô quyền mua chào bán của VNPost.
Ghi nhận tại LPBank, hoạt động chuyển nhượng quyền mua cổ phiếu LPB phát hành thêm diễn ra sôi động giữa các lãnh đạo của ngân hàng.