Thông tin được PGS Đỗ Hùng Kiên, Phó giám đốc Bệnh viện K, cho biết tại Hội thảo chuyên đề sàng lọc ung thư phổi: Kinh nghiệm quốc tế và định hướng tại Việt Nam, ngày 11/4, ở Hà Nội. Đây là dịp các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế nhằm chia sẻ kinh nghiệm triển khai và định hướng xây dựng chương trình sàng lọc ung thư phổi toàn diện cho Việt Nam.
Ung thư phổi là bệnh lý ác tính hình thành do sự biến đổi bất thường của các tế bào biểu mô phế nang, phế quản. Bệnh được chia thành hai loại chính là ung thư phổi tế bào nhỏ (chiếm 15%) và không tế bào nhỏ (chiếm 85%).
Theo GLOBOCAN 2022, Việt Nam ghi nhận 24.426 ca mắc mới và hơn 22.597 ca tử vong do ung thư phổi mỗi năm, với tỷ lệ sống thêm 5 năm chỉ đạt khoảng 14,8%. Bệnh đứng thứ 3 về tỷ lệ mắc mới và thứ 2 về tỷ lệ tử vong trong số các bệnh ung thư.
Tại Bệnh viện K, mỗi năm tiếp nhận khoảng 12.000 lượt khám liên quan bệnh lý u phổi, điều trị khoảng 3.200 bệnh nhân. "Đa số bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn không thể phẫu thuật, chiếm 75%, khiến tiên lượng sống kém", PGS Kiên nói, thêm rằng giai đoạn sớm, bệnh thường không có triệu chứng hoặc nhầm lẫn với các dấu hiệu của bệnh lý hô hấp khác, dễ bỏ sót.
Bệnh thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn khi đã xuất hiện các triệu chứng hô hấp, u xâm lấn thành ngực, hội chứng chèn ép, di căn não, xương, hạch, các nốt dưới da...
Tỷ lệ sống 5 năm phụ thuộc chủ yếu vào giai đoạn bệnh. Ở giai đoạn 1, tỷ lệ sống có thể lên đến hơn 90%, song ở giai đoạn 4, con số là 10%, thậm chí dưới 1%.
Điều trị ung thư phổi gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị đích, liệu pháp miễn dịch..., dẫn đến chi phí tốn kém, tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội. Vì vậy, phát hiện sớm ung thư phổi là yếu tố quyết định để giảm tỷ lệ tử vong và chi phí điều trị.

Các bác sĩ Bệnh viện K phẫu thuật một ca ung thư phổi. Ảnh:Hà Trần
GS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Viện Ung thư Quốc gia, nhận định việc ứng dụng công nghệ hiện đại như CT liều thấp đã cải thiện đáng kể khả năng chẩn đoán sớm ung thư phổi. Những tổn thương nhỏ, khó nhận biết trên phim X-quang thông thường nay có thể được phát hiện sớm, giúp tăng hiệu quả điều trị cũng như giảm thiểu chi phí.
Tuy nhiên, hiện nay, việc triển khai sàng lọc tại Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức, từ thiếu trang thiết bị, cơ sở hạ tầng đến hạn chế, người dân chưa ý thức được tầm quan trọng của sàng lọc sớm. Việc bảo hiểm y tế chưa chi trả cho các phương pháp này cũng làm tăng rào cản tiếp cận.
Phát hiện sớm ung thư phổi là yếu tố then chốt giúp giảm tỷ lệ tử vong và tối ưu hóa chi phí điều trị. Vì vậy, các chuyên gia kiến nghị Việt Nam cần xây dựng chính sách hỗ trợ từ bảo hiểm y tế, đồng thời giảm giá thuốc và tăng cường tiếp cận với các liệu pháp điều trị mới. Nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của sàng lọc ung thư sớm cũng là bước cần thiết để cải thiện.