Doanh nghiệp liên tục làm việc đối tác để ứng phó
Tại tọa đàm về chính sách thuế đối ứng của Mỹ diễn ra sáng 11/4, do Vietnambiz.vn tổ chức, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Vina T&T Group - cho biết, trong 90 ngày vẫn đang là một ẩn số. Các doanh nghiệp ở Việt Nam đang lo lắng trong 90 ngày này có tiếp tục thay đổi gì không? Liệu ông Trump có thay đổi quyết định rút ngắn lại thời gian hoãn áp thuế không? Hoặc cũng có thể có trường hợp trong 90 ngày này doanh nghiệp cố gắng sản xuất nhưng không kịp “deadline” hoãn thuế.
"Sau khi nhận được thông tin hoãn thuế trong 90 ngày, doanh nghiệp chúng tôi rất mừng nhưng cũng rất lo. Bản thân doanh nghiệp Mỹ cũng vậy, họ phải thay đổi lại kế hoạch kinh doanh năm 2025. Thậm chí họ lên kế hoạch theo từng tuần chứ không phải theo từng tháng như trước đây", ông Tùng nói.
![]() |
Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Vina T&T Group. |
Theo ông Tùng, để thích ứng được với những biến động như hiện nay bản thân doanh nghiệp ông liên tục làm việc với các đối tác để có những ứng phó kịp thời.
"Ngoài ra chúng tôi cũng san sẻ một phần lợi nhuận để bù vào phần thuế để giảm cú sốc thị trường. Đối thủ của chúng tôi chủ yếu ở thị trường Đông Nam Á, nếu mà đánh thuế thì mức thuế tương đương Việt Nam, sức cạnh tranh giữa các quốc gia với nhau trên đất Mỹ cũng công bằng, không đến mức chênh lệch", ông Tùng cho hay.
Ông Tùng cho biết thêm, không phải người Mỹ nào cũng sẵn sàng bỏ tiền ra để dùng hoa quả nhập khẩu khi thuế tăng. Đây là mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi hiện nay. Ngoài ra, chúng tôi chuyển hướng ra thị trường khác cũng nhiều.
"Chúng tôi cũng đang xuất khẩu vào thị trường mới như Canada, Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Đặc biệt tại thị trường Trung Quốc, chúng tôi cũng đã mở rộng sang đây được 2 năm và đây cũng là thị trường lớn. Thời gian qua, chúng tôi đã tiếp nhiều đoàn làm việc từ Trung Quốc đến làm việc. Thị trường Mỹ chúng tôi cũng đã tìm nhiều cách để thích ứng", ông Tùng nói.
Theo ông Tùng, các bên đều đang liên kết với nhau để duy trì thị trường Mỹ từ doanh nghiệp bao bì đến các đơn vị cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp đều ngồi lại với nhau để có phương án đối ứng trong giai đoạn khó khăn này phải cùng nhau giảm lợi nhuận lại để khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng Mỹ, giá thành sẽ tốt hơn và cùng kỳ vọng thuế tốt hơn.
Trường hợp xấu nhất nếu thuế giữ nguyên 46% thì giá thành của doanh nghiệp cũng phải giảm 16-17% so với giá hiện nay nhờ việc liên kết các doanh nghiệp Việt Nam với nhau. Sau đó tuỳ tình hình mà chúng tôi có điều chỉnh nhất định.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Cường cho rằng: "Chúng ta chưa thể biết được mục tiêu của Mỹ trong chính sách thuế quan bởi ông Trump rất khó đoán định, nhưng tin vui hoãn thuế cho thấy phần nào chính sách của Mỹ trong tương lai", ông Cường nói.
Đa dạng hóa cả thị trường và sản phẩm
Trao đổi riêng với PV Tiền Phong, TS. Vũ Thành Tự Anh - Giảng viên cao cấp Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam - cho biết, cuộc chơi thương mại toàn cầu đã thay đổi nên Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường và sản phẩm để tránh phụ thuộc vào một thị trường lớn.
Ngoài việc đàm phán với Mỹ, Việt Nam cũng cần chủ động làm việc với các đối tác thương mại lớn khác liên quan đến vấn đề xuất xứ hàng hóa, nhằm thích ứng hiệu quả với những thay đổi chính sách từ chính quyền ông Trump.
Chiến lược sống còn trong giai đoạn tới là đa dạng hóa cả về thị trường lẫn ngành hàng, gia tăng giá trị đóng góp của Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Không chỉ tập trung vào các thị trường truyền thống như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Việt Nam cần mạnh dạn khai thác các thị trường tiềm năng như Trung Đông, Nam Mỹ, hay châu Phi.
Song song với đó, cần tránh phụ thuộc quá mức vào một vài ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Tăng trưởng kinh tế bền vững phải dựa trên giá trị gia tăng, chứ không chỉ dừng lại ở mô hình gia công. Bởi khi thị phần xuất khẩu càng lớn, Việt Nam sẽ càng đối mặt với nhiều rủi ro từ các biện pháp phòng vệ thương mại và chính sách thuế quan của các nước.
“Ngay cả khi chấp nhận quy mô xuất khẩu giảm, nhưng nếu giá trị gia tăng trong xuất khẩu tăng lên, tăng trưởng vẫn có thể đạt được. Khi đó, lợi ích mang lại cho nền kinh tế vẫn được đảm bảo, đồng thời giảm thiểu rủi ro từ các biện pháp thuế quan của các nền kinh tế lớn”, PGS.TS Phạm Thế Anh nhận định.