Có hay chăng một đợt giảm lãi suất điều hành vào cuối năm?
Tỷ giá và lãi suất được xem là hai yếu tố quan trọng trong việc đưa ra quyết định của các nhà điều hành chính sách trong từng thời điểm. Ở hiện tại, có nhiều quan điểm trái chiều về khả năng tiếp tục giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Trong báo cáo nhận định phát hành mới đây, Ngân hàng UOB cho rằng mặc dù NHNN đã phản ứng nhanh chóng trước tình hình kinh tế đối diện với nhiều khó khăn bằng việc 4 lần cắt giảm lãi suất nhưng nhiều khả năng vẫn sẽ có thêm một đợt giảm lãi suất nữa vào cuối năm.
"Chúng tôi vẫn thấy triển vọng cắt giảm lãi suất thêm 100 điểm cơ bản nữa (xuống 3,5%), nhưng thời gian đã được chuyển sang quý IV/2023 để cân bằng giữa tăng trưởng và áp lực lạm phát", UOB nhận định.
Đồng quan điểm, trong báo vào vào giữa tháng 8, Chứng khoán MB (MBS) dự báo lãi suất huy động sẽ tiếp tục giảm trong nửa cuối năm 2023 nhờ kỳ vọng NHNN sẽ cắt giảm lãi suất điều hành thêm một lần nữa, đồng thời giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với nhóm NHTM Nhà nước và bổ sung tiền gửi kho bạc nhà nước vào cách tính LDR giúp các ngân hàng có dư địa giảm lãi suất huy động.
Mức giảm lãi suất điều hành dự kiến khoảng 0,5%, đưa lãi suất tái cấp vốn và tái chiết khấu về mức ngang bằng với đáy giai đoạn COVID-19 (lần lượt là 4,0% và 2,5%), từ đó sẽ điều chỉnh lãi suất huy động trên cả thị trường 1 và 2.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) lại cho rằng dựa trên các diễn biến như lãi suất huy động giảm mạnh trong tháng 8, tín dụng phục hồi trong bối cảnh thanh khoản hệ thống không chịu quá nhiều áp lực trong tháng 9, cùng với yếu tố lạm phát tăng trở lại, sẽ chưa cần thiết để NHNN giảm tiếp lãi suất điều hành trong quý III/2023.
"Mặt bằng lãi suất điều hành sẽ giữ nguyên cho đến hết năm nay", các chuyên gia VDSC dự báo.
Chứng khoán Maybank (MBKE) cũng dự báo NHNN sẽ giữ nguyên lãi suất thay vì cắt giảm thêm do rủi ro về áp lực tỷ giá trong bối cảnh lợi suất trái phiếu Mỹ tăng. Ngoài ra, NHNN lo ngại việc phụ thuộc quá nhiều vào chính sách tiền tệ nới lỏng có thể dẫn tới nợ xấu cao hơn và bất ổn hệ thống ngân hàng trong dài hạn.
Hay Chứng khoán VNDirect cho rằng NHNN sẽ tạm dừng hạ lãi suất điều hành ít nhất cho đến nửa đầu năm 2024 do cần cân bằng mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng trong bối cảnh áp lực tỷ giá và lạm phát gia tăng.
Dư địa giảm lãi suất không còn nhiều
Tất cả dự báo trên đều mang tính chất tương đối, tuy nhiên có một điều không thể phủ nhận đó là dư địa để giảm lãi suất điều hành của NHNN hiện tại không còn nhiều.
Trong nửa đầu năm 2023, đi ngược chiều với xu hướng tăng lãi suất trên thế giới, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, đồng thời thông qua những công cụ của mình để tạo dư địa, thanh khoản cho thị trường nhằm giảm lãi suất đầu ra cho các ngân hàng.
Ông Jochen Schmittmann, chuyên gia từ IMF, cho rằng lãi suất liên ngân hàng của Việt Nam hiện đã gần bằng 0%, thấp hơn nhiều so với các nền kinh tế phát triển. Nếu tiếp tục hạ lãi suất điều hành sẽ gây ra tác động đáng kể với tỷ giá.
"Sau giai đoạn tăng mạnh lãi suất vào tháng 5, tháng 6/2022, hiện lãi suất tất cả các kỳ hạn ở thị trường 1 và thị trường 2 đều tiệm cận vùng trước khi tăng suất. Không gian hạ lãi suất không còn nhiều và dự báo chỉ còn 1-2 đợt giảm lãi suất nữa", ông Trần Ngọc Báu - CEO Wigroup dự báo.
Chia sẻ trong một sự kiện mới đâyPhó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng cho rằng hiện tại dư địa giảm lãi suất không còn nhiều và đây là thời điểm khó khăn trong điều hành chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương.
Ông chỉ ra rằng tỷ giá và lãi suất có quan hệ biện chứng với nhau.Giảm lãi suất sẽ dẫn đến đồng nội tế mất giá so với USD, từ đó ảnh hưởng tới niềm tin nhà đầu tư, quyền lợi của Chính phủ khi đi vay nợ nước ngoài, nảy sinh tâm lý găm giữ ngoại tệ khiến đồng nội tệ mất giá nhiều hơn,...
"Chính sách lãi suất trong thời gian tới không thể nói là sẽ tiếp tục giảm, bởi lẽ lãi suất có quan hệ biện chứng với tỷ giá. Nếu lãi suất giảm thấp, tỷ giá có khả năng sẽ bùng lên. Bởi vậy, cần phải tìm được điểm cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá”, Phó Thống đốc nói.
Trong năm ngoái, NHNN phải tăng lãi suất vì áp lực của thị trường khi tỷ giá tăng quá cao. Khi đó, NHNN đã phải can thiệp và đưa dự trữ ngoại hối ra, đồng thời nâng lãi suất lên để hút tiền về.
Tiền đồng có thể tiếp tục giảm giá nhẹ trong quý VI
Mặc dù có nhiều nhận định khác nhau về quyết định tăng/giảm lãi suất điều hành, tuy nhiên phần lớn chuyên gia của các công ty chứng khoán, tổ chức tài chính đều nhận định tiền đồng sẽ tiếp tục mất giá trong phần còn lại của năm.
Sau khi ổn định quanh mức 23.500 VND/USD trong phần lớn nửa đầu năm 2023, tỷ giá USD đã tăng mạnh trong quý III/2023, bắt kịp các biến động của tỷ giá USD/CNY và giao dịch lên mức cao nhất từ đầu năm đến nay là gần 24.400 VND/USD.
Theo SSI Research, biến động của VND nghiêng nhiều về yếu tố mùa vụ và việc duy trì chính sách tiền tệ phân kỳ với các NHTW lớn trên thế giới là yếu tố tạo ra áp lực lớn hơn đối với tỷ giá trong quý III.
"Ở một khía cạnh nào đó, sự giảm giá của VND phản ánh thực tế diễn biến kinh tế Việt Nam và xu hướng nới lỏng tiền tệ của Cơ quan quản lý", chuyên gia phân tích của UOB nhận định.
UOB cho rằng VND sẽ diễn biến theo sát biến động của các đồng tiền Châu Á, với tỷ giá USD/VND duy trì ở mức cao trong quý IV/2023 (khoảng 24.500 VND/USD) trước khi giảm xuống mức thấp hơn 24.000 bắt đầu từ quý I/2024, sau đó giảm về 23.800 trong quý II và 23.600 vào quý III/2024.
Phần lớn chuyên gia phân tích nhận định rủi ro tỷ giá sẽ vẫn tiếp tục hiện hữu trong những tháng cuối năm 2023 khi Fed tiếp tục quan điểm diều hâu, chưa giảm lãi suất, đồng USD sẽ tiếp tục duy trì sức mạnh nhờ môi trường lãi suất cao và giữ vững vai trò đồng tiền trú ẩn trong bối cảnh kinh tế thế giới bất ổn.
Tuy vậy, những điểm tích cực như thặng dư thương mại duy trì ở mức cao, FDI và kiều hối tích cực và các thỏa thuận bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài dự kiến thực hiện trong nửa cuối năm 2023 sẽ làm tăng nguồn cung ngoại tệ, từ đó góp phần ổn định tỷ giá.