Doanh nghiệp

Một công ty chuyên kinh doanh vàng bạc, thực phẩm đông lạnh muốn nhảy vào lĩnh vực ô tô điện

Ngày 20/9, Hội đồng quản trị (HĐQT) CTCP Cencon Việt Nam (Mã: CEN) ban hành Nghị quyết góp vốn thành lập Công ty TNHH Ô tô điện Cencon.

Công ty Ô tô điện Cencon có trụ sở tại xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang với vốn điều lệ 80 tỷ đồng, trong đó Cencon góp vốn 38,4 tỷ đồng, tương đương 48% vốn cổ phần. Ông Lê Văn Bình, Thành viên HĐQT của Cencon được ủy quyền đại diện phần vốn góp của Cencon tại Ô tô điện Cencon.

Cencon được thành lập vào cuối năm 2015 với số vốn điều lệ ban đầu là 3 tỷ đồng, sau đó tăng thành 217 tỷ đồng như hiện tại. Công ty chuyên về lĩnh vực đầu tư kinh doanh các sản phẩm truyền thống như hàng tiêu dùng, bán buôn, bán lẻ thực phẩm đông lạnh nhập khẩu. Từ năm 2019, công ty mở rộng lĩnh vực hoạt động sang kinh doanh vàng bạc trang sức và khách sạn.

Ngoài việc phát triển các ngành nghề hiện tại, Cencon nhận thấy sự phát triển của ô tô điện là xu hướng của tương lai nên công ty quyết định thành lập công ty liên doanh để kinh doanh xe điện thương hiệu Chery và tiếp theo là lắp ráp xe điện tại Việt Nam.

Theo kế hoạch, quý IV/2023 công ty sẽ nhập lô ô tô điện Chery đầu tiên về bán thương mại. Tới năm 2025 sẽ lắp ráp trong nước. Cencon ước tính doanh thu mảng nhập khẩu và bán xe điện khoảng 600 - 800 tỷ đồng/năm.

Thương hiệu xe điện Chery đến từ Trung Quốc, nhà sản xuất loại xe này đang tham vọng thâm nhập vào phân khúc ô tô điện tại thị trường Đông Nam Á khi liên tục phân phối các mẫu xe đồng thời còn lên kế hoạch xây dựng nhà máy lắp ráp tại khu vực này.

Năm 2009, Chery lần đầu gia nhập thị trường Việt Nam với mẫu xe xăng hạng A chủ yếu chạy trong đô thị là QQ3. Thời điểm đó, Chery QQ3 có giá bán 195 triệu đồng và là mẫu ô tô rẻ nhất thị trường Việt Nam. Dù có giá bán rẻ, nhưng tới năm 2013, thương hiệu Chery đã rút khỏi Việt Nam, do các mẫu xe Trung Quốc không đạt được doanh số như kỳ vọng.

Hiện tại, mẫu xe eQ1 được định vị là sản phẩm chủ lực của Chery trong phân khúc ô tô điện giá rẻ. Giá bán của Chery eQ1 rơi vào khoảng 64.999 - 94.000 CNY (khoảng 215 - 310 triệu đồng).

Ô tô điện Chery eQ1. (Ảnh: Chery).

Trở lại với Cencon, 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của công ty đạt gần 42 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty lãi sau thuế 57 triệu đồng, giảm hơn 95% so với mức 1,2 tỷ đồng cùng kỳ. So với kế hoạch doanh thu 140 tỷ và lợi nhuận sau thuế 1,1 tỷ đồng, Cencon mới thực hiện được lần lượt 3% và 4% các chỉ tiêu.

Nguồn: Tổng hợp từ BCTC đã kiểm toán của công ty (năm 2016 không phát sinh doanh thu).

 

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính đã kiểm toán của công ty.

Tại ngày 30/6, quy mô tài sản của Cencon đạt gần 220 tỷ đồng, trong đó gần một nửa là hàng tồn kho với 103 tỷ đồng. Lượng tiền, tương đương tiền của công ty vào khoảng 20 tỷ đồng. Cencon không sử dụng vay nợ tài chính.

Liên quan đến giao dịch cổ phiếu CEN thời gian gần đây, ông Trần Ngọc Sơn, Kế toán trưởng đã bán toàn bộ 2,1 triệu cổ phiếu trong ngày 8/9 - 12/9, tương đương 9,67% vốn điều lệ. Còn ông Lê Văn Bình, Giám đốc công ty kiêm Thành viên HĐQT cũng đã thoái hết hơn 2,1 triệu cổ phiếu để giảm tỷ lệ sở hữu từ 9,8% về 0% trong ngày 8/9 - 21/9.

Bà Trần Thị Hà, Thành viên Ban Kiểm soát còn đăng ký bán hết 2 triệu cổ phiếu CEN, tương ứng 9,21% vốn cổ phần để giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân. Thời gian dự kiến từ 8/9 đến 6/10.

Ông Trần Ngọc Sơn, ông Lê Văn Bình và bà Trần Thị Hà là ba trong 4 cổ đông lớn nắm giữ trên 5% vốn điều lệ của Cencon, bên cạnh ông Trần Mạnh Sơn sở hữu tỷ lệ 5,07%.

Chiều ngược lại, ông Nguyễn Xuân Bắc đã mua hơn 1,14 triệu cổ phiếu trong ngày 11/9 để trở thành cổ đông lớn của công ty với tỷ lệ nắm giữ 5,25%, trước đó ông Bắc không nắm cổ phiếu CEN nào.

Ngày 21/9 cổ đông Phạm Xuân Thủy cũng đã mua thêm cổ phiếu CEN để nâng tỷ lệ nắm giữ từ 1% lên 5,08% vốn của Cencon.

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo của Cencon.

Diễn biến giá cổ phiếu CEN. (Nguồn: TradingView). 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm