VN-Index tiếp tục ghi nhận một tuần giao dịch không mấy tích cực khi áp lực bán mạnh xuất hiện vào phiên ngày 7/2 đã lấy đi hết nỗ lực phục hồi của phiên trước đó. Lực bán chủ yếu đến từ nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đã đè nặng áp lực lên thị trường khiến chỉ số chung rung lắc mạnh và kết tuần ở 1.055,3.
Về diễn biến cụ thể, VN-Index có được phiên phục hồi vào ngày giao dịch đầu tiên trong tuần sau nhịp giảm điểm mạnh của tuần trước. Tuy nhiên, việc thanh khoản sụt giảm mạnh trong phiên phục hồi cho thấy dòng tiền vẫn chưa thật sự trở lại với thị trường.
Áp lực bán một lần nữa xuất hiện ngay sau đó đã lấy đi hết nỗ lực của VN-Index khiến chỉ số chung liên tục giảm điểm lui sát về mốc 1.060. Tính chung cả tuần, VN-Index giảm 21,85 điểm tương đương với 2,03% so với tuần trước xuống 1.055,3.
Theo thống kê, trong tuần vừa qua, nhóm cổ phiếu bán lẻ, bất động sản chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với mức giảm lần lượt là 6,98% và 3,95%. Bộ đôi VHM và MWG dẫn đầu về mức ảnh hưởng tiêu cực lên VN-Index khi khiến chỉ số chính mất đi lần lượt 2,89 điểm và 2,03 điểm. Chiều tăng điểm, động lực hỗ trợ chủ yếu đến từ VCB với mức đóng góp 2,03 điểm.
Đẩy mạnh rút ròng nhóm ngân hàng, song tiếp tục gom cổ phiếu BĐS, hóa chất
Theo thống kê từ Fiintrade, tính riêng kênh khớp lệnh thì cán cân giao dịch nghiêng hẳn bên bán với 15/18 các nhóm ngành bị bán ròng. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân bán ròng mạnh nhất cổ phiếu ngân hàng với giá trị lên tới 1.093 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu vua có tuần giao dịch mạnh với tỷ trọng giá trị giao dịch tăng lên 22,65% toàn thị trường, cao nhất trong 5 tuần liên tiếp, chỉ số giá ngành giảm 1,22% trong tuần. Điều này cho thấy nhóm này tiếp tục có lực bán ra. Tính từ đầu năm, nhóm này tăng 4,71% nhưng tính trong vòng một năm vẫn giảm 23%.
Nhóm cổ phiếu nhà băng tiếp tục phân hóa, trong tuần, các cổ phiếu tăng điểm gồm MSB, VCB, LPB, BVB, SSB, CTG. Trong đó VCB là cổ phiếu lập đỉnh mới trong tuần, ghi nhận mức tăng 29,8% trong vòng 3 tháng và là cổ phiếu ngân hàng duy nhất tăng 3,5% trong vòng một năm.
Tiếp theo, nhà đầu tư cá nhân cũng bán ròng 173 tỷ đồng ở nhóm tài nguyên cơ bản và 123 tỷ đồng cổ phiếu dầu khí, trước khi rút ròng nhẹ hơn ở một số ngành như xây dựng & vật liệu (85 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầu khí đốt (88 tỷ đồng), bảo hiểm (60 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (59 tỷ đồng), …
Chiều ngược lại, cổ phiếu ngành bất động sản dẫn đầu danh mục giải ngân với gần 519 tỷ đồng. Tương tự, nhóm hóa chất và thực phẩm & đồ uống cũng được gom ròng với giá trị lần lượt là 189 tỷ và 154 tỷ đồng, …
Tâm điểm bán ròng STB, HPG, CTG đối ứng với lực cầu ngoại
Thống kê giao dịch theo từng mã, lực xả lớn nhất được ghi nhận tại đại diện STB của nhóm ngân hàng với 787,3 tỷ đồng. Giao dịch của các cá nhân trong nước gần như đối ứng với lực mua của NĐT nước ngoài.
Tuần qua, STB là tâm điểm của các nhà đầu tư nước ngoài khi nhóm này đã tiếp tục mua ròng thêm hơn 770 tỷ đồng, nâng tổng giá trị mua ròng kể từ sau Tết đến nay lên hơn 1.100 tỷ đồng. Kết thúc phiên giao dịch ngày 9/2, cổ phiếu STB đã chính thức chạm trần room ngoại 30%.
Trong nhóm ngân hàng, STB là cổ phiếu duy nhất có khối lượng giao dịch đạt trên 100 triệu đơn vị tuần này và cũng đứng đầu ngành với giá trị giao dịch ở mức 3.171 tỷ đồng , bỏ xa mức 1.641 tỷ đồng của VPB xếp sau đó.
Đồng thuận với giao dịch cổ phiếu của Sacombank, HPG cũng bị bán ròng với giá trị 223,4 tỷ đồng. Kế đó, nhiều ông lớn ngành tài chính ngân hàng cũng nằm trong danh mục rút vốn là CTG (166,6 tỷ đồng), HCM (73,6 tỷ đồng), EIB (46 tỷ đồng), …
Tuần qua, EIB ghi nhận mức giảm 9,3%, xuống còn 22.950 đồng/cp. Ở phiên cuối tuần, EIB bị đột ngột bán mạnh tại thời điểm cuối phiên khiến giá cổ phiếu này chạm sàn.
Danh mục thoái vốn của cá nhân nội còn có sự góp mặt của các cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình như PLX (65,3 tỷ đồng), PVD (57,3 tỷ đồng), FPT (54,1 tỷ đồng), BVH (47,5 tỷ đồng), …
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu VHM của Vinhomes vươn lên trở thành mã được mua ròng nhiều nhất trong tuần vừa qua.
Cụ thể, nhà đầu tư cá nhân mua ròng 291,7 tỷ đồng cổ phiếu VHM, trái ngược so với lực xả từ phía nhà đầu tư nước ngoài (205,3 tỷ đồng) và tổ chức trong nước (80,5 tỷ đồng).
Theo báo cáo cập nhật mới đây của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, Vinhomes cho biết 70% giá trị hợp đồng bán trước có thể được ghi nhận vào doanh thu trong năm 2023, vì các hợp đồng này chủ yếu là các căn hộ thấp tầng. Đây cũng là loại hình mà Vinhomes tập trung cho hoạt động bán trước trong năm nay.
Cùng thuộc “họ nhà Vin”, cổ phiếu VIC là á quân trong top 10 gom ròng với quy mô 99,2 tỷ đồng. Tương tự một số cổ phiếu bất động sản cũng nằm trong danh mục mua ròng như DXG, KDH… với quy mô dưới 100 tỷ đồng. Nằm ngoài top10 có các đại diện khác như NVL, KBC, …
Hoạt động trải dài ở các cổ phiếu DGC (93,4 tỷ đồng), MSN (55,7 tỷ đồng), SSI (43,7 tỷ đồng), SHB (42,7 tỷ đồng), DPM (42,6 tỷ đồng), …