Đi qua thời bùng nổ nhân sự chứng khoán
Năm 2021 được xem như thời kỳ bùng nổ của thị trường chứng khoán Việt Nam. VN-Index tăng lên mức đỉnh 1.500 điểm, thị trường đón nhận hàng triệu tài khoản giao dịch chứng khoán mới. Nhu cầu vay vốn margin ngày một lên cao khiến các công ty chứng khoán đẩy mạnh tăng vốn, cùng với đó là tuyển dụng nhân sự để đáp ứng nhu cầu cho nghiệp vụ môi giới.
Song điều này không đồng nghĩa với việc số lượng nhân viên môi giới theo đúng nghĩa là những người được cấp chứng chỉ hành nghề tăng lên, thay vào đó lượng đông nhân sự mới trong ngành chứng khoán xuất hiện với các thuật ngữ mới như “nhân viên tư vấn đầu tư, giám đốc đầu tư, chuyên viên quan hệ khách hàng, nhân viên dịch vụ chứng khoán”.
Ngành nghề chứng khoán trở lên hot hơn bao giờ hết, tạo làn sóng dịch chuyển từ các lĩnh vực khác như bất động sản, ngân hàng, nhân viên hành chính văn phòng, kế toán sang. Chỉ trong một năm, lượng nhân sự tại các công ty chứng khoán tăng bằng lần. Nếu tính thêm bộ phận không chính thức hoạt động dưới dạng cộng tác viên, tỷ lệ tăng sẽ cao hơn đáng kể.
Xu hướng tuyển dụng thêm nhân sự nổi bật nhất trong hai nhóm công ty. Thứ nhất, các đơn vị dẫn đầu mở rộng quy mô hoạt động kéo theo nhu cầu tăng lên. Nhóm thứ hai các công ty thực hiện cơ cấu hậu đổi chủ đã tuyển thêm người để phát triển các mảng nghiệp vụ.
Chứng khoán VPS vươn lên trở thành công ty có thị phần môi giới chứng khoán lớn nhất thị trường và cũng là đơn vị tăng trưởng nhân sự mạnh nhất năm 2021 với 1.198 người (tương ứng tỷ lệ 63,4%), lên hơn 2.500 người. Số nhân viên của VNDirect và SSI tăng lần lượt 590 người (63,4%) và 401 người (44,1%) trong năm 2021.
Số nhân sự tại các công ty khác cũng tăng thêm hàng trăm người trong năm 2021 như Mirae Asset (Việt Nam) (168 người), Tân Việt (160 người), TCBS (115 người), Rồng Việt (110 người).
Xuất hiện tín hiệu thoái trào, có đơn vị cắt giảm gần 1/3 lượng nhân sự
Đó là câu chuyện của năm 2021, sang đến năm 2022 nhiều đơn vị ngưng tuyển dụng thêm nhân sự ngay từ những tháng đầu năm. Sau khi VN-Index tạo đỉnh đầu quý II, những khó khăn dần lộ diện với ngành chứng khoán đã tác động mạnh đến nguồn thu từ các mảng nghiệp vụ.
Điển hình, thanh khoản sụt giảm kéo theo doanh số từ mảng môi giới lao dốc. Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đóng băng, thiếu vắng các thương vụ thoái vốn, phát hành, IPO nửa cuối năm ảnh hưởng đến thu từ mảng tư vấn, bảo lãnh phát hành.
Như một hệ quả tất yếu, nhiều nhân sự bị đào thải khỏi ngành khi không đáp ứng được KPI, doanh số mà các công ty đặt ra, thua lỗ hay mất động lực. Trong một hoàn cảnh khác, công ty chứng khoán buộc phải đưa ra quyết định cắt giảm loạt lao động để cơ cấu lại mô hình hoạt động.
"Nhiều tháng nay những nhân viên môi giới chứng khoán phải chật vật để đáp ứng chỉ tiêu doanh số giao dịch của công ty chứng khoán. Thanh khoản sụt giảm, vắng cơ hội tìm kiếm lợi nhuận, khách hàng cũng dửng dưng với kênh cổ phiếu. Năm vừa qua tôi không được nhận thưởng tết", Tùng Lâm, một nhân viên môi giới chứng khoán tâm sự. Đây không phải là câu chuyện cá biệt trong ngành.
Dù vậy, xu hướng cắt giảm nhân sự không phải trên diện rộng mà đang xuất hiện như những "đốm nhỏ", đặc biệt trong quý cuối năm. Sự phân hóa đang diễn ra, thị trường vẫn có những công ty tuyển dụng thêm nhân sự trong quý IV/2022. Nhưng đặc điểm chung là tỷ lệ tăng trưởng cả năm 2022 thấp hơn đáng kể so với thời kỳ đỉnh cao 2021.
Ví dụ, số nhân viên của Chứng khoán SSI (Mã: SSI) tăng thêm 59 người trong quý IV/2022, nâng lên tổng số 1.603 người, tương ứng tỷ lệ tăng 22,8% trong cả năm 2022 (năm 2021: 44,1%). Một số đơn vị khác cũng tăng trưởng nhẹ trong quý vừa như Yuanta Việt Nam, VietinBank Securities, Agriseco, PineTree, DNSE.
Với một đơn vị theo đuổi chiến lược ứng dụng công nghệ như Chứng khoán Kỹ thương (TCBS), công ty này tuyển dụng thêm 36 người trong quý IV/2022 trong khi giảm 51 người quý trước đó.
Tại một công ty thiên về nhà đầu tư cá nhân như VNDirect (Mã: VND), lượng nhân sự của công ty giảm 77 người trong quý IV/2022, tương ứng tỷ lệ giảm gần 5% xuống còn 1.558 người. Tương tự, nhân sự của Chứng khoán MB (Mã: MBS) giảm 27 người trong quý IV, nâng mức sụt giảm trong nửa cuối năm là 52 người (-7,6%).
Thông tin gây chú ý trên thị trường là việc cắt giảm gần 1/3 nhân sự tại Chứng khoán Tân Việt (TVSI). Sau khi bắt đầu với chiến lược cơ cấu lại vào đầu tháng 10, lượng nhân sự của công ty giảm 182 người trong quý IV/2022, tương ứng mức giảm 30,8%.
Với trường hợp của công ty chứng khoán vốn lớn nhất thị trường là Chứng khoán VPBank (VPBankS), sau khi đổi chủ từ Chứng khoán ASC đầu năm vừa qua, VPBankS liên tục tuyển dụng thêm nhân sự, tăng từ 71 người cuối năm 2021 lên 384 người cuối năm 2022.
Mặc dù dẫn đầu về vốn, số nhân sự hiện có của VPBankS chỉ tương đương với một số công ty quy mô vừa trên thị trường như Yuanta Việt Nam, Phú Hưng, Tân Việt, KB Việt Nam, Rồng Việt.
Khác với xu hướng biến động mạnh về nhân sự tại các công ty chứng khoán lớn, nhóm quy mô vừa và nhỏ xu hướng đi ngang trong cả 4 quý của năm qua sau khi đã tuyển thêm lượng lớn trong năm 2021. Nhưng xu hướng đi ngang này không đồng nghĩa rằng các công ty này không bị ảnh hưởng trong tương lai.
Sự sụt giảm kinh doanh liên tục các quý vừa qua là minh chứng rõ nét cho áp lực ngày một lớn hơn lên các nhân sự ngành chứng khoán, cùng với dự báo về sự khó khăn về môi trường đầu tư cả trong và ngoài nước. Để tìm “cơ” trong “nguy”, một vị lãnh đạo trong ngành chứng khoán cho rằng nâng cao chất lượng nhân sự là giải pháp tối ưu nhất giai đoạn này, bởi những người “làm nghề” chính là những người giúp khách hàng của họ tìm kiếm lợi nhuận, bảo toàn vốn và gắn bó với thị trường.