Thời bao cấp, ông Cù Văn Thành - Tổng giám đốc Công ty Chế biến Dừa Lương Quới và vợ cùng làm việc trong một xưởng chế biến dừa quốc doanh. Thời ấy, sản phẩm khá thô sơ, chỉ đơn giản là lấy cơm dừa phơi rồi sấy khô, ép lấy dầu để cung ứng cho các nhà máy dầu ăn nội địa và trao đổi hàng hóa với khối Đông Âu.
Sau đó, ông tham gia trung tâm nghiên cứu thực nghiệm Đồng Gò (nay là Trung tâm Dừa Đồng Gò thuộc Viện nghiên cứu dầu và cây có dầu của Bộ Công Thương) suốt 10 năm. Rồi thời cuộc biến động, các đơn vị sản xuất dừa lao đao.
"Có lúc chai dầu dừa một lít bán được 4.700 đồng. Năm 1991, Liên Xô tan rã thì không bán buôn được, nhiều doanh nghiệp nhỏ phải dẹp", doanh nhân sinh ra ở xứ dừa Bến Tre, nhớ lại.
Đến 1995, ông Thành rời trung tâm khi đời sống hai vợ chồng chật vật và ngành chế biến dừa của Việt Nam dần tụt hậu so với các láng giềng như Thái Lan, Philippines. Vợ chồng ông lên ý định cùng một số người bạn hùn vốn thuê máy, nhà xưởng để ép dầu dừa nhưng lại không có tiền.
"Bố vợ thương, nói muốn nghiêm túc làm ăn thì cho mượn sổ đỏ để vay", ông Thành kể.
Cầm cố căn nhà mặt tiền của bố vợ với giá 40 triệu đồng đầu những năm 90, vợ chồng ông lao vào lập nghiệp. Từ làm chung với bạn, họ dần tách riêng, chuyển mặt bằng khi xưởng ép dầu dần mở rộng quy mô.
Đến 1997, cái tên Dừa Lương Quới xuất hiện trên thương trường, nhưng chỉ là một xưởng ép dầu dừa thô sản lượng 2.000 tấn mỗi năm. Ông Thành hiểu rằng, nếu không đổi mới sáng tạo khó lòng đột phá. Trong khi các xưởng lâu đời và lớn hơn sấy cơm dừa bằng trấu mất 3-4 ngày hoặc dùng than đá mất 12-24 giờ, ông biết nước ngoài đã dùng công nghệ khác, xay nhuyễn cơm dừa thành hạt để bề mặt tiếp xúc nhiệt nhiều hơn, giúp nhanh khô và dễ ép dầu hơn.
"Tôi xử lý cơm dừa đầu vào theo cách đó, thiết kế hệ thống sấy ống lăn giúp năng suất cao hơn mà giảm được lao động. Ngày nay, một số cơ sở nhỏ vẫn dùng công nghệ này", ông Thành kể. Đến năm 2000, dây chuyền sản xuất cơm dừa nạo sấy thế hệ mới của ông hoàn thiện với sản lượng 1.000 tấn mỗi năm.
Trong hai thập kỷ sau, ông liên tục cho cập nhật các công nghệ mới, sấy ống lăn ngày nào được nâng dần thành sấy tầng sôi, sấy trục vít. Hệ thống sản xuất được mở rộng để đa dạng hóa sản phẩm, từ dây chuyền đóng lon dầu dừa, sản xuất nước dừa và sữa dừa, lắp pin mặt trời mái nhà xưởng... Diện tích dừa nguyên liệu cũng ngày càng mở rộng đến 6.100 ha, sản lượng 80 triệu trái mỗi năm.
Gần 3 thập niên miệt mài nâng cấp công nghệ và sản xuất, Lương Quới trở thành một trong số ít đơn vị xuất khẩu dừa chủ lực của Bến Tre từ sớm. Nhưng quá trình cũng không đơn giản. Ban đầu, ông bán nội địa rồi lân la xuất khẩu Trung Quốc. Đến 2008, khách hàng đầu tiên tại Trung Đông mua gần 600 tấn cơm dừa nạo sấy.
Có được chút tiền, ông hiểu muốn làm ăn lớn phải ra biển rộng, tức đi nhiều các hội chợ quốc tế. "Lần đầu đi về không có kết quả gì nhưng phải cố gắng đi vài lần mới có khách. Khi mình có mặt thường xuyên trên chợ thế giới, uy tín và tên tuổi công ty phát triển theo", ông nói.
Không chỉ xúc tiến thương mại, ông đi trước một bước ở khâu đầu tư phần cứng, từ hệ thống ISO đến HACCP, BRC, ISF. Ông tin, đầu tư hệ thống quản trị và nhà máy đúng chuẩn, khách hàng sẽ tìm đến.
Năm 2011, một khách hàng Đài Loan gợi ý về sản phẩm nước dừa và nước cốt dừa đóng lon. Nếu một tấn cơm dừa nạo sấy giá 2.300 USD, sản phẩm mới này có giá lên đến 5.000 USD. Do đó, ông quyết định thuê thêm 3 ha đất, xây thêm nhà máy và xuất xưởng các dòng sản phẩm này sau một năm.
Nhờ vậy, nếu dầu dừa thô hoặc cơm dừa nạo sấy chủ yếu xuất qua Trung Đông, châu Phi, Nga thì nước dừa, nước cốt dừa thâm nhập được vào châu Âu, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc với kim ngạch đạt trung bình 20 triệu USD mỗi năm. Từ 2018, doanh thu công ty bước qua mốc 1.000 tỷ đồng mỗi năm, xuất khẩu đến hơn 60 nước và vùng lãnh thổ. Năm 2021, doanh thu đã trên 1.600 tỷ. Năm ngoái, Dừa Lương Quới tiếp tục nằm trong "Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam", thăng 20 hạng từ 394 năm 2021 lên 374.
Mua hàng của Lương Quới từ năm 2018, V&T nhập khẩu đa dạng các sản phẩm dừa Vietcoco sang Hàn Quốc. CEO công ty Kin Lee đánh giá cao chất lượng và năng lực sản xuất của nhà cung cấp này. Khi xảy ra những vấn đề cần xử lý, công ty luôn tôn trọng khách hàng và cầu thị giải quyết theo hướng "Win - Win".
"Đây là điểm mà chúng tôi hài lòng và tin tưởng hợp tác. Nếu được, phía Lương Quới nên rút ngắn thời gian giao hàng cho những đơn hàng lẻ hơn nữa, để chúng tôi có thể kịp thời phân phối hàng hóa đến người tiêu dùng", ông Kin Lee góp ý.
Dựa lớn vào nguồn thu xuất khẩu, ông Thành vẫn trăn trở làm sao giảm tỷ trọng sản xuất hàng gia công, phát triển thương hiệu riêng tạo dấu ấn lớn ở thị trường nội địa. Tuy nhiên, mỗi thị trường đều có những thách thức không giống nhau. Với xuất khẩu bằng thương hiệu riêng, ông kỳ vọng sẽ là chủ đạo giai đoạn 2025-2030, song song đó, kim ngạch tăng dần 100 triệu USD lên 200 triệu USD.
Điều đó đòi hỏi nhiều về duy trì chuẩn mực, nhà máy, đảm bảo nguồn cung liên tục trong khi giá nông sản Việt vốn lên xuống thất thường. "Mình sắm một chiếc ghe nhỏ chạy trong sông rạch thì khác sắm tàu lớn ra biển khơi. Cuộc chơi đó đòi hỏi nhiều yếu tố và nền kinh tế thị trường lúc nào cũng có cạnh tranh", ông mô tả.
Tại thị trường nội địa, thương hiệu Vietcoco của Dừa Lương Quới là đơn vị dừa duy nhất là Thương hiệu Quốc gia. Cung ứng đến hầu hết chuỗi bán lẻ lớn nhỏ nhưng công ty vẫn còn nhiều thách thức để chinh phục thị trường người Việt với đa dạng bản sắc.
Hơn nửa năm nay, tâm huyết của ông trùm dừa Bến Tre càng bị thử thách khi nhu cầu thế giới giảm do kinh tế khó khăn. Những tháng đầu 2022, trung bình mỗi tháng công ty xuất 250-300 container, nhưng đến tháng 9 còn chưa đầy 100. Tháng 10 có cải thiện nhưng tình hình chung khách hàng vẫn còn chậm.
"Các chuyên gia, khách hàng cũng nhận định 2023 thấm sâu khó khăn và có thể hồi phục từ 2024. Nếu ngắn thì còn dễ xoay xở nhưng dài hạn thì cũng là một vấn đề, nhưng tôi quyết giữ số lao động 2.000 người hiện có", ông nói.
Mỗi ngày tại nhà máy ở Khu công nghiệp An Hiệp (Châu Thành, Bến tre), ông Cù Văn Thành có mặt từ sáng và về lúc 5h chiều. Ngoài xử lý công việc trong văn phòng, nhân viên dễ dàng bắt gặp ông đội nón lá, tới lui các nhà xưởng để quan sát hoạt động thực tế.
Ông đi làm kể cả cuối tuần, để xem đội cơ khí bảo trì máy móc. Theo kinh nghiệm của ông, các sự cố hỏa hoạn thường có nguy cơ cao vào lúc dây chuyền ngưng hoạt động, khi máy móc được hàn sửa, trong khi lại vắng người trực chiến như ngày thường.
"Mình làm sản xuất phải chăm chút cả chuyện lớn, chuyện nhỏ mới hoàn hảo. Tạo ra một sản phẩm đã khó rồi, bán lại càng khó hơn. Nó không đơn giản như việc chỉ cần ngồi bàn giấy ký kết và mua qua bán lại", Nhà sáng lập Dừa Lương Quới nói.