Để con phát triển toàn diện, cha mẹ cần sử dụng ngôn ngữ tích cực khi giao tiếp. Trong một ngày, có rất nhiều khoảng thời gian mà cha mẹ và con cái có thể tâm sự, chia sẻ với nhau. Đó là trong bữa ăn tối, khi ngồi học bài hay trước khi đi ngủ. Ngoài ra, khi con tan học, cha mẹ có thể tranh thủ trò chuyện đủ thứ trên đời lúc đi đón con.
Dưới đây là 3 câu hỏi mà các bậc phụ huynh nên dành cho con mỗi khi đón con tan học:
1. "Điều gì khiến con cảm thấy hạnh phúc trong ngày hôm nay".
Cha mẹ đừng hỏi: "Hôm nay con có vui không?" mà hãy hỏi: "Điều gì khiến con cảm thấy hạnh phúc trong ngày hôm nay".
Bởi câu hỏi "Hôm nay con có vui không?" là một câu hỏi chung chung, trẻ sẽ không biết phải trả lời thế nào. Trẻ cũng không biết đo lường thành tích hay tâm trạng của mình ra sao trước câu hỏi này của cha mẹ. Vì thế, trẻ chỉ có thể trả lời chung chung "không tốt" hoặc "rất ổn".
Nhưng khi cha mẹ hỏi: "Điều gì khiến con cảm thấy hạnh phúc trong ngày hôm nay", trẻ có hứng thú kể về những chuyện diễn ra trong ngày. Đây là cách cha mẹ hướng dẫn trẻ nói ra những điều cụ thể, kể cả đôi khi điều đó không khớp với lời mở đầu cũng không sao. Mục đích chính của việc này là dùng cảm xúc tích cực để hiểu trẻ hơn.
Khoảng thời gian đón con đi học về là thời điểm thích hợp để cha mẹ trò chuyện với trẻ. (Ảnh minh họa)
2. "Hôm nay con đã gặp được bao nhiêu bạn mới?"
Cha mẹ đừng hỏi: "Có ai bắt nạt con ở trường mẫu giáo không?" mà hãy hỏi: "Hôm nay con đã gặp được bao nhiêu bạn mới?".
Việc hỏi trẻ có bị "bắt nạt" ở trường không sẽ khiến trẻ luôn có những suy nghĩ không tốt về trường lớp, bạn học. Cha mẹ hỏi vậy vô tình reo vào lòng trẻ nỗi lo lắng, bất an vì có nguy cơ bị bắt nạt.
Thay vào đó, cha mẹ nên hỏi: "Hôm nay con đã gặp được bao nhiêu bạn mới?". Câu hỏi này khích lệ trẻ giao lưu, kết bạn, xây dựng tình bạn đẹp. Trẻ sẽ cảm thấy thích thú, tự tin hơn rất nhiều. Trẻ cũng sẽ yêu thích việc đi học để được nô đùa, trò chuyện cùng bạn bè.
3. "Con có biết trường học có gì thú vị không?"
Cha mẹ đừng hỏi "Con thích trường học không?" mà hãy hỏi: "Con có biết trường học có gì thú vị không?".
Rất nhiều phụ huynh và cả những người lớn xung quanh có thói quen hù dọa trẻ: "Mai con phải đến trường rồi đấy" hay "Mai đi học nhé!",… khiến trẻ vô tình hình thành nỗi lo sợ trước trường lớp, thầy cô. Vì thế nên nếu khi đón con, cha mẹ tiếp tục hỏi: "Con thích trường học không?" càng khiến trẻ giảm hứng thú. Trẻ sẽ cảm thấy việc đi học như một nghĩa vụ phải thực hiện mà không cảm thấy vui vẻ.
Thay vào đó, cha mẹ nên hỏi: "Con có biết trường học có gì thú vị không?". Như vậy, trẻ sẽ sẵn sàng kể cho bạn nghe những niềm vui ở trường. Đó đơn giản là việc trẻ có bạn mới, được cô khen hay lớp tổ chức sinh nhật cho các bạn,… Khi trẻ chia sẻ, cha mẹ nên tập trung lắng nghe, đừng nên cắt ngang dòng suy nghĩ của trẻ.
Nhân dịp vậy, cha mẹ cũng có thể kể cho trẻ nghe niềm vui đi học của mình ngày xưa. Chắc chắn, trẻ sẽ rất háo hức và mong được trải nghiệm.
Ảnh minh họa.
Khi trao đổi với trẻ, cha mẹ cần sử dụng một số kỹ năng để cuộc trò chuyện mang hiệu quả cao. Dưới đây là một số quy tắc cha mẹ cần nắm vững:
- Sử dụng ngôn từ tích cực:
Những câu hỏi: "Có ai bắt nạt con không?", "Hôm nay con có vui không",… sẽ đưa ra gợi ý tiêu cực cho trẻ. Cha mẹ có thể sử dụng ngôn từ mang tính khích lệ, tích cực hơn để giao tiếp. Chẳng hạn như: "Hôm nay con ăn món gì ngon?", "Con và bạn đã trò chuyện gì với nhau?",… Những lời nói như vậy sẽ giúp trẻ có thểm động lực để đến trường. Trẻ sẽ tin mình có khả năng thích ứng với môi trường học tập.
- Hỏi những điều nhỏ thay vì điều lớn:
Trẻ em không giống như người lớn. Trẻ thường gặp khó khăn trong việc hiểu các câu hỏi trừu tượng. Do đó, nếu cha mẹ muốn hiểu tình hình đi học của con ở trường thì cần tránh những câu hỏi quá rộng.
Bạn có thể sử dụng những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống để đặt câu hỏi cho trẻ. Chẳng hạn như: "Bạn thân của con hôm nay mặc đồ màu gì?", "Hôm nay cô giáo dạy con điều gì?",… Bằng cách này, trẻ sẽ sẵn sàng trả lời câu hỏi và không còn cảm thấy áp lực. Hãy hỏi trẻ càng nhiều càng tốt để có thể hiểu rõ hơn về tình hình của trẻ.
- Đừng phủ định mà hãy đồng cảm:
Khi trò chuyện với trẻ, một tình huống dễ xảy ra là người lớn thường phủ nhận cảm xúc, lời nói của trẻ. Chẳng hạn như khi trẻ hỏi: "Môn nhảy dây vào buổi sáng ở trường thật nhàm chán", đa số các bậc cha mẹ sẽ đáp lại: "Sao nhàm chán được, cha/mẹ thấy khá thú vị và tốt cho sức khỏe của con mà".
Lúc này, trẻ sẽ cảm thấy cha mẹ không đồng tình với những gì trẻ nói và khó có thể tiếp tục cuộc trò chuyện. Thay vào đó, cha mẹ nên gợi hỏi trẻ: "Con có thể nói cho cha/mẹ biết điều gì khiến con thấy nhàm chán không?", "Con thấy các bạn làm cách nào để giữ hơi lâu, kéo dài thời gian nhảy dây?",… Như vậy, trẻ sẽ thoải mái chia sẻ những vấn đề khúc mắc đang gặp phải.
- Nên lắng nghe chứ đừng rao giảng:
Khi trò chuyện với con, điều tối kỵ là rao giảng. Khi trò chuyện, muốn trẻ bộc lộ cảm xúc một cách chân thật nhất thì cha mẹ cần biết cách lắng nghe, thay vì rao giảng. Cha mẹ có thể duy trì mức độ quan tâm đối với các chủ đề mà trẻ nói đến. Hãy hỏi trẻ nhiều hơn, ít bình luận để trẻ thoải mái chia sẻ.