Nhà bán lẻ Trung Quốc Miniso đang bị người tiêu dùng nước nhà chỉ trích nặng nề sau khi tài khoản Instagram của họ ở Tây Ban Nha đăng tải bức ảnh đồ chơi công chúa mặc sườn xám (trang phục truyền thống của Trung Quốc) nhưng lại dán nhãn “búp bê geisha Nhật Bản”.
Trong thông cáo hôm 18/8, Miniso đã đưa ra lời xin lỗi và nói rằng công ty đã “đi sai đường” từ những ngày đầu thành lập khi quảng bá mình như một thương hiệu mang phong cách Nhật Bản.
Miniso cho biết họ đã bắt đầu loại bỏ các yếu tố Nhật Bản ra khỏi 3.100 cửa hàng của mình ở Trung Quốc từ cuối năm 2019, đồng thời tuyên bố sẽ hoàn tất việc thay đổi biển hiệu và nội thất của 1.900 cửa hàng ở nước ngoài vào cuối tháng 3/2023.
Công ty cũng cho biết sẽ kỷ luật các lãnh đạo cấp cao liên quan đến chiến lược trước đó và trụ sở chính của họ sẽ chịu trách nhiệm về tất cả các tài khoản mạng xã hội ở nước ngoài trong tương lai.
"Chúng tôi sẽ kiểm tra nghiêm ngặt nội dung và thực hiện tốt việc xuất khẩu văn hóa và các giá trị của Trung Quốc", đại diện Miniso nói với Reuters.
Thông tin này có thể sẽ khiến không ít người tiêu dùng Việt Nam bất ngờ, bởi Miniso lâu nay vẫn bị nhầm tưởng là một thương hiệu đến từ Nhật Bản.
Ngay từ khi bước chân vào Việt Nam, Miniso cũng tự nhận mình là “chuỗi cửa hàng Nhật Bản”. Song, như đã đề cập ở trên, Miniso kỳ thực là một thương hiệu gốc Trung và thuộc sở hữu của người Trung Quốc.
Vào Việt Nam qua "cửa" Lê Bảo Minh
Năm 2013, hai nhà sáng lập Diệp Quốc Phú (Ye Guo Fu) và Miyake Jun (một nhà thiết kế người Nhật) cùng thành lập ra Miniso, được điều hành bởi thương hiệu cửa hàng phụ kiện các loại "Aiyaya" do Diệp Quốc Phú điều hành.
Đến năm 2015, Miniso liên tục ký kết hợp đồng nhượng quyền thương hiệu với nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển trong khu vực ASEAN.
Tại Việt Nam, Miniso đã nhượng quyền thương hiệu cho Tập đoàn Lê Bảo Minh – nhà phân phối chính thức của Canon (Nhật Bản) tại Việt Nam. Cùng với đó, nhà bán lẻ đến từ Trung Quốc đã lựa chọn nam ca sĩ Sơn Tùng M-TP làm đại sứ thương hiệu trong vòng 2 năm tại thị trường Việt Nam.
Tháng 8/2017, Công ty TNHH MTV Miniso Việt Nam (Miniso Việt Nam) chính thức được thành lập với vốn điều lệ ban đầu 20 tỉ đồng, do bà Lê Thị Ngọc Hải – Chủ tịch HĐQT Lê Bảo Minh – làm Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Bà Hải cũng là chủ sở hữu 100% vốn tại công ty này.
Hai tháng sau đó, Miniso Việt Nam công bố chính sách nhượng quyền và nhận được sự quan tâm của hơn 200 nhà đầu tư trong và ngoài nước. Được biết, nhà đầu tư phải trả ít nhất 6 tỉ đồng để nhận nhượng quyền một cửa hàng Miniso Việt Nam.
Sau hai năm xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cửa hàng nhượng quyền tại Việt Nam, Miniso Việt Nam tiến hành “bán mình” cho công ty Miniso mẹ ở Trung Quốc.
Cụ thể, vào tháng 11/2019, bà Lê Thị Ngọc Hải không còn đứng tên là chủ sở hữu của Miniso Việt Nam. Thay vào đó, có hai thành viên góp vốn sở hữu 100% cổ phần tại công ty này là Miniso International Hong Kong Limited (90% VĐL) và bà Phạm Thị Mai (10% VĐL).
Bà Phạm Thị Mai cũng thay thế bà Lê Thị Ngọc Hải đảm nhiệm vị trí lãnh đạo cao nhất ở Miniso Việt Nam. Vị trí này sau đó tiếp tục được chuyển giao sang ông Fu Jian (SN 1991), và sau đó là ông Huỳnh Huệ Long (SN 1989) – được bổ nhiệm vào tháng 10/2020.
Trên trang chủ, Miniso Việt Nam cho biết đang sở hữu hệ thống gần 50 cửa hàng nhượng quyền trải dài từ Bắc vào Nam, tập trung chủ yếu tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.
Miniso làm ăn thế nào?
Hiện tại, Miniso đã có mặt tại 100 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 5.000 cửa hàng hiện diện trên khắp thế giới, phủ khắp các khu kinh doanh chính của các thành phố nổi tiếng như New York, Los Angeles, Paris, London, Dubai, Sydney và Istanbul.
Năm tài chính 2020 – 2021 (kết thúc vào ngày 30/6/2021), Miniso ghi nhận doanh thu đạt 9,07 tỉ CNY (tương đương 1,4 tỉ USD), tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận ròng đạt 480,1 triệu CNY (tương đương 74,4 triệu USD), giảm hơn một nửa so với năm 2020.
Lũy kế 9 tháng năm tài chính 2021 – 2022, Miniso ghi nhận doanh thu đạt 7,76 tỉ CNY (tương đương 1,22 tỉ USD), tăng 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận ròng là 431,2 triệu CNY (tương đương 68 triệu USD), trong khi cùng kỳ năm trước báo lỗ 1,54 tỉ CNY.