Theo báo cáo cập nhật ngành ngân hàng, CTCP Chứng khoán Mirae Asset kỳ vọng rằng trong quý III/2022, tăng trưởng tín dụng kỳ vọng có thể chậm lại.
Cụ thể, do nhu cầu vốn cao từ cả khối khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức, tăng trưởng tín dụng đạt 9,35% trong nửa đầu năm, đạt hơn một nửa mức kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cho cả năm.
Tuy nhiên, do các bất ổn về địa chính trị và kinh tế trên thế giới cũng như quan ngại rủi ro tập trung liên quan đến cho vay bất động sản (đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn đang sử dụng hạn mức tăng trưởng tín dụng nhằm kiểm soát dòng vốn vay chảy vào bất động sản. Các chuyên gia của Mirae Asset vẫn kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2022 sẽ vượt 14%, dựa trên kết quả tăng trưởng đột biến trong 6 tháng đầu năm.
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng trong ngắn hạn, cho vay cá nhân và cho vay doanh nghiệp sẽ là động lực cho tăng trưởng tín dụng. Các rủi ro liên quan đến địa chính trị cũng như lạm phát cao, một bộ phận lớn cư dân sẽ có xu hướng hạn chế chi tiêu và tăng tiết kiệm cũng như tìm kiếm kênh đầu tư an toàn dài hạn.
Vì vậy, cho vay mua nhà được kỳ vọng tiếp tục là động lực tăng trưởng mảng bán lẻ. Bên cạnh đó, nhu cầu vay vốn để mở rộng kinh doanh hậu COVID-19 cũng rất đáng kể, đồng thuận với định hướng chung của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, dựa trên kết quả kinh doanh khả quan của các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm (mức tăng trưởng lợi nhuận trung bình là 32% so với cùng kỳ), ngân hàng có thể chưa quá khắt khe trong đầu tư về nhân lực cũng như chuyển đổi số. Đây là các động lực chính cho tăng trưởng thu nhập của ngân hàng trong dài hạn.
Tỷ lệ nợ xấu có thể tăng trong giai đoạn còn lại của năm
Theo Mirae Asset, tỷ lệ nợ xấu gia tăng của các ngân hàng gần đây là do các khoản nợ tái cơ cấu đang dần hết thời gian ân hạn. Xu hướng chung của nợ xấu vẫn có thể tiếp tục tăng trong nửa sau năm 2022 vì đa phần nợ tái cơ cấu phát sinh trong quý III/2021.
Tuy nhiên, tình trạng nợ xấu sẽ có sự phân hóa giữa các ngân hàng tùy thuộc vào tính chất tập khách hàng của từng ngân hàng cũng như các yếu tố vĩ mô như sự phục hồi của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát.
Trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ nợ xấu (NPL) của các ngân hàng có nhiều phân hóa. NPL trung bình của nhóm ngân hàng niêm yết tăng 0,2 điểm %, lên mức 2,1% cuối quý II/2022. Các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt như Vietcombank, Techcombank và ACB, vẫn duy trì được tỷ lệ NPL thấp, trong khi các ngân hàng nhỏ lại ghi nhận NPL tăng đáng kể như NCB vượt ngưỡng 10%, dẫn đến một vài quan ngại về tình trạng nợ xấu tại các ngân hàng nhỏ.
Tỷ lệ dự phòng nợ xấu giữa các ngân hàng vẫn tiếp tục phân hóa trong nửa đầu năm 2022. Đáng chú ý, nhiều ngân hàng đã bắt đầu tiết giảm chi phí dự phòng ngay trong bối cảnh các khoản nợ tái cấu trúc đang dần kết thúc thời gian ân hạn, đi kèm với tỷ lệ nợ xấu tăng.
Như vậy, chuyên gia cho rằng có thể tỷ lệ nợ tái cấu trúc chuyển thành nợ xấu đang diễn biến tốt hơn dự báo, qua đó cho phép các ngân hàng hoàn nhập dự phòng hay hạ thấp tỷ lệ bao phủ nợ xấu.
Ngân hàng nâng lãi suất để thu hút dòng tiền trú ẩn an toàn
Với kỳ vọng tiền gửi phục hồi từ động lực lãi suất hấp dẫn, các ngân hàng đang điều chỉnh tăng lãi suất để thu hút dòng tiền tìm kiếm kênh trú ẩn an toàn nhằm bù cho các rủi ro đang gia tăng như áp lực lạm phát và tăng lãi suất điều hành của các nền kinh tế lớn, dẫn đến rủi ro mất giá của đồng nội địa. Vì vậy, các đợt điều chỉnh lãi suất sắp tới sẽ thúc đẩy tăng trưởng tiền gửi.
Tăng trưởng tiền gửi chỉ đạt hơn 4,5% trong nửa đầu năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng là gần 9,4%. Thêm vào đó, NHNN cũng có động thái rút ròng khoảng 111.000 tỷ qua kênh OMO.
Vì vậy, nhiều ngân hàng (đặc biệt là các ngân hàng nhỏ) đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi. Mức tăng lãi suất cũng khá phân hóa giữa các nhóm ngân hàng dao động từ 0,1 điểm % đến 0,5 điểm % trong giai đoạn cuối quý II/2022.
Tỷ lệ cho vay tiền gửi (LDR) chạm trần sẽ khó xảy ra
Nửa cuối năm, việc tỷ lệ cho vay tiền gửi (LDR) chạm trần sẽ khó xảy ra. Trong 6 tháng đầu năm, sự mất cân đối trong tăng trưởng giữa tín dụng và tiền gửi dẫn đến tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) của các ngân hàng đang tiệm cận với mức trần cho phép của NHNN là 85%.
Ngoài tỷ lệ LDR tăng, tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của một số ngân hàng có công bố cũng gia tăng trong nửa đầu năm. Với việc nâng lãi suất tiền gửi, tăng trưởng tiền gửi đặc biệt là tiền gửi có kỳ hạn dài sẽ phần nào làm giảm tỷ lệ này trong nửa cuối năm.
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) sẽ không có mức tăng tốt như giai đoạn 2020 và 2021 trong trung hạn. Do các lo ngại về suy thoái kinh tế và mất giá đồng tiền, người tiêu dùng sẽ có xu hướng chọn lọc hơn khi mua sắm, vì vậy, số dư trong tài khoản thanh toán giảm làm cho CASA của phần lớn các ngân hàng giảm.
Thêm vào đó, việc tìm kiếm các kênh đầu tư an toàn để bù vào rủi ro lạm phát và suy giảm tỷ giá đang là lựa chọn hàng đầu, trong bối cảnh lãi suất từ các kênh đầu tư có thu nhập cố định (tiền gửi, trái phiếu) chưa đủ hấp dẫn.