Đóng góp tham luận tại Hội nghị Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, thị trường vốn Việt Nam đầy tiềm năng và hấp dẫn. Tuy nhiên, để phát triển thị trường bền vững còn nhiều rủi ro và thách thức.
Tốc độ tăng trưởng thị trường tài chính khá nhanh, bình quân 13,9%/năm trong giai đoạn 2011-2021. Tổng tài sản thị trường tài chính năm 2021 đạt 25.157 nghìn tỷ đồng. Trong đó, tổng tài sản của các TCTD chiếm 57,2% (15.631 nghìn tỷ đồng); vốn hoá thị trường cổ phiếu chiếm 28,4% (7.766 nghìn tỷ đồng); dư nợ trái phiếu chiếm 13,6% (1.543 nghìn tỷ đồng).
Tính theo quy mô và tốc độ tăng trưởng, từ năm 2018 đến 2021, phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) liên tục tăng trưởng cao từ 37 - 110%. Trong đó, mạnh nhất là năm 2019 với tốc độ tăng trưởng đạt 110%. Riêng năm 2021 quy mô thị trường TPDN đạt 657 nghìn tỷ đồng. Trong đó chủ thể phát hành lớn nhất là các doanh nghiệp bất động sản, chiếm 39% tổng TPDN phát hành; các TCTD chiếm 36%; có 19,8% TPDN phát hành là không có tài sản đảm bảo.
Theo Bộ Tài chính, quy mô thị trường TPDN Việt Nam hiện tương đương 17,5% so với GDP năm 2021. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với Hàn Quốc (86,84%), Malaysia (56,77%), Hong Kong (42,22%), Trung Quốc (35,66%), Singapore (36,53%) và Thái Lan (24,79%).
TS. Cấn Văn Lực nhận định tằng, quy mô thị trường vốn còn nhỏ; sản phẩm chưa đa dạng, phong phú trong khi nhu cầu vốn trung và dài hạn của nền kinh tế rất lớn. Theo tính toán, giai đoạn 2022-2025 Việt Nam cần 3,15 triệu tỷ đồng/năm vốn đầu tư toàn xã hội. Ngoài vốn tín dụng ngân hàng, cần huy động 700.000 - 1.000.000 tỷ đồng/năm từ nguồn vốn khác. Thị trường vốn Việt Nam được đánh giá là tiềm năng và hấp dẫn.
Tuy nhiên, cũng cần nhận thấy rằng, còn đó nhiều rủi ro và thách thức.
Cụ thể, triển vọng phục hồi kinh tế còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ nợ xấu tăng; Tiến trình cơ cấu lại còn chậm, nhất là DNNN và các TCTD yếu kém;
Thị trường phát triển nhanh, thiếu tính ổn định; Các sản phẩm còn ít, chưa đa dạng, tính minh bạch, chuyên nghiệp chưa cao, chế tài chưa đủ sức răn đe; Nền tảng nhà đầu tư chưa bền vững (chủ yếu là cá nhân, chưa chuyên nghiệp; thiếu các quỹ đầu tư hưu trí...);
Hạ tầng tài chính, chuẩn mực kế toán quốc tế, hạ tầng CNTT, dữ liệu, tổ chức định hạng tín nhiệm, định giá chuyên nghiệp... cần ưu tiên phát triển.
Gợi ý các giải pháp để hướng tới thị trường tài chính bền vững, minh bạch, TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị:
Một là cần coi những vụ việc vừa qua là cơ hội để lành mạnh hóa thị trường; vừa kiến tạo phát triển, vừa kiểm soát được rủi ro. Sớm giải quyết những vụ việc trên thị trường vừa qua, khắc phục hậu quả cho nhà đầu tư, qua đó củng cố niềm tin vào thị trường.
Hai là cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý, quy chế quản lý thị trường, cơ chế bảo vệ nhà đầu tư theo thông lệ, chế tài mạnh hơn...; song vẫn tạo điều kiện “sáng tạo tài chính, tài chính xanh phát triển”.
Thứ 3 là nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng của thị trường (thị trường thứ cấp tập trung, các công ty định hạng tín nhiệm, cơ sở thông tin - dữ liệu, hệ thống giao dịch chứng khoán tiên tiến...);
Thứ 4 là phát triển, đa dạng hóa sản phẩm, nền tảng nhà đầu tư chuyên nghiệp (các công ty quản lýquỹ, quỹ đầu tư, nhà đầu tư cá nhân đủ năng lực; vai trò, trách nhiệm của các trung gian tài chính...); cải thiện chất lượng nhà đầu tư cá nhân, giảm thiểu hiện tượng 4D (tăng cường giáo dục tài chính; chuẩn hóa tiêu chí chuyên nghiệp...);
Thứ 5 là tăng cường kiểm tra, giám sát trên cơ sở rủi ro, chứ không chỉ là hành chính; chú trọng truyền thông bài bản, kịp thời, liên tục.
Cuối cùng theo TS. Cấn Văn Lực, quan trọng nhất là cần kiên định ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, các cân đối lớn; kiểm soát rủi ro hệ thống tài chính, chính là củng cố niềm tin, thu hút đầu tư và tạo điều kiện thị trường vốn phát triển.