Thời sự

Vụ Việt Á, giá bất động sản tăng bất thường, thao túng chứng khoán... được Ủy ban Thường vụ Quốc hội điểm tên

Sáng 25/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Đáng chú ý, những vấn đề ách tắc trong mua sắm trang thiết bị y tế, vụ việc xảy ra tại CTCP Công nghệ Việt Á, việc trục lợi chuyến bay đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước...đều được điểm danh khi thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Cụ thế, theo báo cáo thẩm tra, Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội thống nhất với các kết quả đạt được của Chính phủ trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, theo Người lao động.

Trong bối cảnh năm 2021 là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, Chính phủ, Thủ tướng và các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn đạt 2,58%; kinh tế vĩ mô ổn định, tổng số tiết kiệm kinh phí ngân sách, vốn nhà nước, vốn tại doanh nghiệp là 72.068 tỷ đồng, một số địa phương có kết quả cao trong tiết kiệm kinh phí, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, kiểm soát và hạn chế được tác động của dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021. (Ảnh: TTXVN).

Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mua sắm, sử dụng phương tiện đi lại và phương tiện, thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước, báo cáo thẩm tra nêu rõ, cơ bản các cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước đã chấp hành đúng quy định của pháp luật về thẩm quyền, quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn, định mức, chế độ trong mua sắm và sử dụng tài sản công là phương tiện đi lại và phương tiện, thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước.

Tuy nhiên, tình trạng ách tắc trong việc mua sắm trang thiết bị y tế chưa được tháo gỡ kịp thời, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch. Còn tồn tại thực trạng mua sắm hàng hóa, trang thiết bị, vật tư không đúng quy định hiện hành của nhà nước, mua sắm vượt quá nhu cầu dẫn đến không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả... gây lãng phí ngân sách Nhà nước.

Việc thực hiện các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 có vi phạm pháp luật trong việc quản lý, nghiên cứu, ứng dụng khoa học; đấu thầu, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công như vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại CTCP Công nghệ Việt Á và một số cơ quan, địa phương trong thời gian vừa qua đã gây thất thoát, lãng phí kinh phí, tài sản công, gây bức xúc trong nhân dân.

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân từ những bất cập của hệ thống văn bản pháp luật trong quản lý khoa học, đấu thầu, mua sắm tài sản công, đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vắc xin, thuốc, hóa chất và sinh phẩm xét nghiệm để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, thông tin thị trường bất động sản chưa đầy đủ, thiếu minh bạch, giá bất động sản tăng bất thường tại một số nơi.

Điều này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, có doanh nghiệp "lách luật" phát hành trái phiếu sai quy định. Tình trạng một số cá nhân, doanh nghiệp thao túng thị trường chứng khoán gây thiệt hại cho nhà đầu tư, thất thoát lãng phí nguồn lực trong nhân dân.

Bên cạnh đó, còn tình trạng lừa đảo người tiêu dùng liên quan đến bán hàng đa cấp, kinh doanh trực tuyến, bán hàng kém chất lượng… Hoạt động giao dịch, thương mại điện tử, kinh doanh tiền ảo có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những hình thức lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên mạng Internet mà đến nay vẫn chưa có khung pháp luật rõ ràng, đầy đủ để quản lý vấn đề này.

Cơ quan thẩm tra cũng nhắc đến việc một số tổ chức, cá nhân lợi dụng chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu và hoàn cảnh khó khăn về nước khi dịch COVID-19 bùng phát để trục lợi làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, lãng phí nguồn lực xã hội.

Ngoài ra, trong đầu tư xây dựng, đầu tư công, năm 2021, Chính phủ đã chủ động, tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành với nhiều giải pháp quyết liệt triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư công năm 2021, nhất là việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm.

Bên cạnh các kết quả đạt được, cơ quan thẩm tra cho biết còn nhiều tồn tại, hạn chế từ việc lập, phân bổ, quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, dẫn đến lãng phí nguồn lực nhà nước.

Trong công tác chuẩn bị đầu tư, có nhiều dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, không đủ điều kiện phân bổ vốn, dẫn đến không đạt mục tiêu đề ra ngay từ những bước đầu tiên; việc rà soát, điều chuyển, bổ sung vốn cho những dự án giải ngân tốt, có nhu cầu vốn để hoàn thành các dự án chưa được thực hiện kịp thời, linh hoạt.

Đây là tồn tại kéo dài nhiều năm, cơ quan thẩm tra kiến nghị Chính phủ cần kiên quyết xử lý dứt điểm.

Ngoài ra, còn tình trạng chưa phân bổ chi tiết vốn ngân sách trung ương cho các dự án, chưa phân bổ hết vốn ngân sách địa phương diễn ra trong nhiều năm chưa được khắc phục, diễn ra ở nhiều bộ, ngành, địa phương; còn tình trạng phân bổ, giao kế hoạch vốn không sát với thực tế dẫn đến trong năm 2021, nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề nghị điều chỉnh giảm số vốn được giao...

Một số dự án quan trọng quốc gia còn xảy ra tình trạng chậm trễ trong công tác triển khai, đưa vào hoạt động gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, như các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn TP Hà Nội và TP HCM.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm