Ông Tân được chuyển vào Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM trong tình trạng đau không kiểm soát được bằng thuốc giảm đau thông thường, mất cảm giác vùng đáy chậu và suy giảm khả năng cử động các ngón chân, phản xạ gân gót chân suy giảm rõ rệt và có dấu hiệu tiểu khó. Kết quả chụp CT 1975 lát cắt, phát hiện đốt sống L4 trượt về phía trước, chèn ép dây thần kinh vùng thắt lưng.
Ngày 11/4, ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ, Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, cho biết trượt đốt sống là tình trạng cấp cứu cột sống - thần kinh nghiêm trọng, cần can thiệp càng sớm càng tốt để ngăn tổn thương không hồi phục, tránh nguy cơ liệt chân.

Chụp MRI cho thấy vị trí đốt sống bị trượt chèn ép dây thần kinh của người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Sau hội chẩn, ông Tân được êkíp phẫu thuật cột sống - thần kinh mổ khẩn cấp bằng robot AI chuyên mổ não và cột sống Modus V Synaptive. Bác sĩ Tấn Sĩ rạch da vùng thắt lưng, tạo đường mổ nhỏ chỉ 1,5 cm tiếp cận đốt sống L4 bị trượt, giảm tối đa tổn thương mô mềm, tránh phạm vào các bó sợi thần kinh, không cần cắt cơ và dây chằng. Robot có camera độ phân giải cao liên tục cung cấp hình ảnh 3D chi tiết của trường mổ, hỗ trợ bác sĩ quan sát rõ các cấu trúc và vị trí chính xác cần can thiệp.
Dưới hướng dẫn của robot, êkíp đặt vít xuyên cuống sống với độ chính xác tuyệt đối, cố định đốt sống bằng hệ thống nẹp đặc biệt, đồng thời giải phóng hoàn toàn các dây thần kinh bị chèn ép.
Theo bác sĩ Tấn, phẫu thuật được thực hiện qua đường mổ siêu nhỏ, khác hoàn toàn so với phương pháp mổ hở truyền thống thường cần đường rạch 7-10 cm. Công nghệ này cho phép bác sĩ thực hiện các thao tác chính xác đến từng milimet, hạn chế máu mất, bảo tồn các mô lành xung quanh. Người bệnh có khả năng cao phục hồi nhanh sau phẫu thuật.
Hậu phẫu 48 giờ, ông Tân giảm đau, hai chân hết tê buốt và có thể vận động nhẹ. Chụp CT kiểm tra xác nhận đốt sống đã được cố định chắc chắn, dây thần kinh không còn bị chèn ép. Ba ngày sau mổ, người bệnh tỉnh táo, vận động tốt và dự kiến xuất viện sau 5-7 ngày.

Các bác sĩ thực hiện ca mổ cho ông Tân bằng robot Modus V Synaptive. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Trượt đốt sống thường gặp do chấn thương, lao động nặng không khoa học hoặc người có cấu trúc cột sống yếu. Can thiệp kịp thời giúp người bệnh giảm đau, tránh nguy cơ liệt chân, rối loạn vận động, phục hồi nhanh.
Bác sĩ Sĩ lưu ý mỗi người nên chú ý tư thế đúng khi bê vác vật nặng để phòng tránh các bệnh lý cột sống nguy hiểm như thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống, hẹp ống sống, thoái hóa cột sống chèn ép dây thần kinh. Những tiến bộ trong phẫu thuật cột sống - thần kinh hiện nay như công nghệ AI, giúp nâng cao hiệu quả điều trị các bệnh lý nguy hiểm nói trên.
"Tỷ lệ thành công phẫu thuật cột sống - thần kinh ứng dụng công nghệ cao hiện đạt trên 95%, giảm tối đa biến chứng và rút ngắn thời gian phục hồi", bác sĩ Tấn Sĩ nói, thêm rằng nhiều người bệnh có thể quay lại cuộc sống bình thường chỉ sau 2-3 tuần, thay vì phải nghỉ dưỡng 2-3 tháng như trước đây.
*Tên người bệnh đã thay đổi
20h ngày 11/04, hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức tư vấn trực tuyến "Ứng dụng công nghệ cao AI trong mổ thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh tọa và các bệnh lý cột sống - thần kinh nguy hiểm", phát trên fanpage VnExpress. Các bác sĩ tham gia tư vấn gồm ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ, TS.BS Nguyễn Đức Anh, BS.CKII Đặng Bảo Ngọc. Độc giả gửi câu hỏi tại đây. |