Doanh nghiệp

Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM sẽ nằm tại đâu?

Tóm tắt:
  • Hội thảo đề xuất hai phương án ranh giới phát triển trung tâm tài chính tại TP.HCM.
  • Phương án 1 rộng 340 ha, gồm quận 1 và Thủ Thiêm, tập trung trung tâm tài chính.
  • Phương án 2 lớn hơn, 687 ha, mở rộng về phía Thủ Thiêm.
  • Các chuyên gia tranh luận về tính linh hoạt và hạn chế của ranh giới cứng.
  • TP.HCM cần xác định không gian phù hợp để thúc đẩy phát triển và quản lý trung tâm.

Một trong những nội dung được đưa ra lấy ý kiến tại hội thảo là xác định không gian phát triển của Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM. Theo ông Đinh Khắc Huy, Phó giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, đơn vị được giao đưa ra hai phương án về ranh giới địa lý của Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM.

Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM sẽ nằm tại đâu?- Ảnh 1.

Phối cảnh Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM do Sở Tài chính dự thảo

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Phương án 1, Trung tâm tài chính quốc tế (TTTC) có tổng diện tích 340 ha gồm quận 1 là 123 ha và Thủ Thiêm 217 ha. Trong khu vực quận 1 có phân khu 1 gồm lõi trung tâm thương mại, tài chính và khu lân cận. Khu vực Thủ Thiêm phần lớn khu lõi trung tâm (CBD) bao gồm các loại đất ở, thương mại, dịch vụ, dân số cư trú ước tính gần 48.000 người.

Phương án 2 được xây dựng với Trung tâm tài chính quốc tế có tổng diện tích 687 ha. Trong đó khu vực quận 1 vẫn là 123 ha nhưng khu vực Thủ Thiêm lên đến 564 ha. Đơn vị soạn thảo nghiêng về việc lựa chọn phương án 2 để xây dựng TTTC tại TP.HCM. Theo Sở Tài chính, với quy mô lớn, việc xây dựng TTTC như phương án 2 sẽ có nhiều dư địa phát triển. Các tiêu chí sử dụng đất đáp ứng điều kiện để xây dựng một TTTC tầm cỡ quốc tế có bao gồm các dịch vụ phụ trợ đi kèm. Tuy vậy, phương án này vẫn còn nhược điểm là chưa tương đồng với quy mô của các TTTC đã đầu tư thành công trên thế giới, quy mô đầu tư lớn nên khó huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện trong thời gian ngắn.

Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM sẽ nằm tại đâu?- Ảnh 2.

Phương án 2 đề xuất xây dựng TTTC có tổng diện tích 687 ha

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Một số đại biểu, chuyên gia kinh tế bày tỏ băn khoăn về việc xác định ranh giới địa lý của TTTC bởi cho rằng ở nhiều quốc gia, TTTC có tính mở và rất linh hoạt. Nếu chúng ta bó hẹp TTTC trong một ranh giới địa lý cứng thì có ưu điểm là có thể phù hợp trong giai đoạn đầu để thực hiện một số thể chế ưu đãi. Nhưng nhược điểm có thể là hạn chế, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, tài chính phi tập trung…

TS Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội, cho rằng Việt Nam đi sau nên có thể tiếp thu những tinh hoa của thế giới. TP.HCM đang có những yếu tố phù hợp và đất nước đang ở thời cơ cần có TTTC để thực hiện giấc mơ trở thành đất nước phát triển. Đặc biệt sau khi sáp nhập, TP.HCM sẽ có 3 trụ cột gồm công nghiệp, cụm khu công nghiệp với trọng tâm là Bình Dương; trụ cột về cảng biển, du lịch, logistics có khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu kết hợp Cần Giờ, kết hợp với cảng Cái Mép thì sẽ có cảng trung chuyển quốc tế lớn và từ đó thúc đẩy thương mại, tài chính. TP.HCM sẽ có khu thương mại tự do, phi thuế quan. Thứ ba, trụ cột cốt lõi TP.HCM là trung tâm thương mại, tài chính ngân hàng, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, y tế giáo dục chất lượng cao…

Có nhiều thứ phải đầu tư để đưa TTTC đi vào hoạt động như hạ tầng giao thông, hạ tầng số, công nghệ, dữ liệu… Trong đó, quy hoạch không gian phải quy định vì Việt Nam chưa phải là một nước tự do hóa tài chính hoàn toàn, VND chưa phải là đồng tiền tự do chuyển đổi nên phải có quy hoạch để quản lý vì sẽ có các chính sách vượt trội trong khi vẫn phải quản lý ngoại hối, kiểm soát đồng tiền, chống rửa tiền… Việc giới hạn không gian phát triển của TTTC tại TP.HCM để có cơ chế thu hút và khuyến khích các tập đoàn tài chính lớn.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng cũng cho rằng cần xác định không gian địa lý của TTTC để tạo ra một biểu tượng của TP.HCM. Quan trọng hơn là để để quản lý vì có nhiều chính sách đặc thù. Nhưng dù được quản lý theo cơ chế nào thì trung tâm tài chính vẫn có không gian giao dịch khác nhau chứ không chỉ bó hẹp trong ranh giới cứng.

Các tin khác

Công dân có phải tự cập nhật quê quán sau sáp nhập tỉnh thành?

Thiếu tá Trần Duy Hiển, phó giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư cho biết, việc cập nhật thông tin địa giới hành chính thì Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội sẽ cập nhật ngay sau khi có quyết định điều chỉnh địa giới hành chính. Tất cả sẽ được làm trên chức năng của phần mềm.

Vincom Retail đặt mục tiêu bứt phá với doanh thu đạt 9.520 tỷ đồng trong năm 2025

Công ty Cổ phần Vincom Retail (Mã CK: VRE) tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025. Đánh giá Việt Nam đang bước vào “kỷ nguyên vươn mình” với nhiều cơ hội lịch sử, Vincom Retail đặt mục tiêu phát triển toàn diện, bứt phá mạnh mẽ, khẳng định vị thế dẫn đầu trên thị trường bất động sản bán lẻ.

Cơ hội cuối cùng sở hữu The Vista Residence tại sự kiện mở bán chính thức đầu năm 2025

Sự kiện mở bán các căn hộ tinh tuyển cuối cùng của The Vista Residence, do Đất Xanh Miền Trung tổ chức vào 26/4/2025 tại Novotel Danang Han Premier đang thu hút hàng trăm khách hàng đăng ký tham dự. Đây là cơ hội cuối cùng để sở hữu BĐS trung tâm với giá ưu đãi, trước khi dự án điều chỉnh tăng giá.