Thời sự

Trung Quốc: Zero Covid làm lu mờ cam kết hỗ trợ thị trường

Giới đầu tư chứng khoán Trung Quốc đang mất dần kiên nhẫn khi những lo ngại về tác động từ làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới nhất đang làm lu mờ lời hứa hỗ trợ thị trường từ phía các cơ quan chức năng.

Các cơ quan này trong tháng trước cam kết tiếp tục hỗ trợ thị trường bất động sản, nới lỏng chính sách tiền tệ, xây dựng các kế hoạch miễn, giảm thuế bất động sản, tái khởi động cấp phép một số trò chơi điện tử và gỡ bỏ những nút thắt từng khiến cho nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán New York.

Nhưng phản ứng thị trường lại có phần tiêu cực khi sự quan tâm đổ dồn vào những tác động của chiến lược zero Covid.

Sự đảo chiều ấn tượng của chỉ số CSI 300 hồi giữa tháng 3 có phần bị lu mờ trước loạt các lệnh phong tỏa được ban bố nhằm khống chế làn sóng lây nhiễm dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu năm 2020. Chỉ số này rơi vào thị trường giá xuống trong một khoảng thời gian dài trước khi đảo chiều kể từ phiên giao dịch ngày 16/3, khi nhiều cổ phiếu tăng điểm mạnh sau cam kết giữ ổn định thị trường của chính phủ Trung Quốc.

“Thị trường mong muốn hoạt động kinh tế sớm trở lại trạng thái bình thường”, theo Wang Zhuo, quản lý quỹ tại Shanghai Zhuozhu Investment Management Co. “Việc bơm thanh khoản vào thị trường sẽ mang lại những tác động tích cực nhất định, nhưng mức độ hiệu quả sẽ không thể bằng khi các lệnh phong tỏa được gỡ bỏ”.

Trung Quốc: Zero Covid làm lu mờ cam kết hỗ trợ thị trường - Ảnh 1.

Một người dân đang được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc hôm 15/4 quyết định giảm tỷ lệ giữ trữ bắt buộc tại các ngân hàng, tuy nhiên vẫn “nói không” với cắt giảm lãi suất. Đây là nước đi thận trọng trong lộ trình nới lỏng chính sách tiền tệ, ngay cả khi đợt bùng dịch Covid-19 mới đây có thể ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế quốc gia này.

Vấn đề xung quanh zero Covid

Chính sách zero Covid tạo áp lực không hề nhỏ lên nhiều lĩnh vực kinh tế, từ sản xuất, thương mại cho tới giá thực phẩm và lạm phát. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết chính phủ sẽ kiên trì thực hiện chiến lược này dù đợt phong tỏa diện rộng tại trung tâm tài chính Thượng Hải gây ra không ít phẫn nộ cho người dân, tạo nên làn sóng chỉ trích chính phủ trên mạng xã hội.

Sự quan tâm của thị trường đối với tình hình dịch bệnh được phản ánh qua mức tăng 2% của chỉ số CSI 300 hôm 12/4, khi trên mạng xã hội lan truyền thông tin một vài thành phố thử nghiệm chương trình phòng dịch mới, bao gồm rút ngắn thời gian cách ly. Đây là động lực thúc đẩy thị trường mạnh mẽ hơn những cam kết từ phía chính phủ nhằm hỗ trợ tiêu dùng và bổ sung thêm các biện pháp hỗ trợ tiền tệ.

“Điều đang được quan tâm nhất đó là bằng cách nào Trung Quốc có thể từ bỏ zero Covid”, theo Kerry Goh, giám đốc đầu tư tại Kamet Capital Partners Pte. “Zero Covid hiện đang là khác biệt căn bản giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới. Chừng nào chiến lược này còn tồn tại, nó sẽ là nỗi đau không chỉ đối với Trung Quốc mà còn nhiều quốc gia khác.

Cam kết hỗ trợ

Những biện pháp hỗ trợ lĩnh vực bất động sản dường như có tác động thị trường lớn nhất. Một số cổ phiếu bất động sản đã tăng trên 40% sau khi chạm đáy trong tháng 3, và hiện tại đang ở vùng tích cực trong phần còn lại của năm.

Thị trường bất động sản đang ở trong giai đoạn hết sức quan trọng với tỷ lệ các doanh nghiệp bất động sản vỡ nợ tăng cao kỷ lục. Công ty phát triển bất động sản lớn thứ 4 của Trung Quốc đã không thể thanh toán nợ trái phiếu đúng hạn.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong tháng trước thông báo một số kế hoạch thiết lập nguồn cung tài chính ổn định nhằm “giảm thiểu rủi ro và mối nguy” sụp đổ thị trường, bên cạnh đó là giữ ổn định giá nhà. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chưa nới lỏng quy định nợ đối với các nhà phát triển bất động sản.

Trung Quốc: Zero Covid làm lu mờ cam kết hỗ trợ thị trường - Ảnh 2.

Hàng dài người đang chờ tới lượt xét nghiệm. Ảnh: Bloomberg.


'Con tàu đắm' công nghệ

Trong khi đó, các nhà đầu tư cổ phiếu internet Trung Quốc vẫn như “ngồi trên đống lửa”. Hang Seng Tech Index đã tăng mạnh tới 25% sau khi giảm sâu trong tháng 3, tuy nhiên, thành quả này không tồn tại quá lâu. Việc tái khởi động cấp phép một số trò chơi đã không thể duy trì đà tăng của lĩnh vực, khi giới đầu tư nhận định quá trình thanh trừng lĩnh vực công nghệ của Bắc Kinh vẫn chưa kết thúc.

Hồi tháng trước, Trung Quốc kích hoạt một chiến dịch kiểm soát hành vi vi phạm thuật toán nhằm mục đích quảng cáo từ các ông lớn internet. Một quan chức chống tham nhũng cấp cao được cho biết sẽ tham gia điều tra tại công ty tài chính trực thuộc Alibaba. Và bằng cách nào Bắc Kinh hợp tác với Washington nhằm gỡ bỏ rủi ro hủy niêm yết cổ phiếu Trung Quốc vẫn là một dấu hỏi lớn.

“Các chính sách được ban hành một cách ‘nhỏ giọt’, khiến cho các nhà đầu tư gặp khó trong việc dự báo khi nào ‘cuộc chiến’ pháp lý này mới đi đến hồi kết”, theo Louis Lau, nhà quản lý quỹ tới từ Brandes Investment Partners.

“Phó thủ tướng Lưu Hạc cho biết chính phủ sẽ ban hành nhiều quy định dễ dự đoán hơn trong thời gian tới, nhưng ông ấy lại không đề cập tới bất cứ lĩnh vực nào, vậy bằng cách nào chúng có thể được dự đoán trước?”.

Mùa hè 'giải nhiệt'?

Các nhà đầu tư mong chờ vào sự phục hồi của toàn thị trường coi việc Trung Quốc kiểm soát tốt dịch bệnh là chất xúc tác chính.

“Gỡ bỏ phong tỏa tại Thượng Hải có thể sẽ cần thời gian vì dịch bệnh đã lan rộng, nhưng tại một số thành phố khác, chúng ta cần nhìn thấy sự cải thiện sau khi lệnh phong tỏa được ban bố 7-10 ngày”, theo Nalto Saito, tới từ Viện Nghiên cứu Daiwa, Tokyo.

“Do đó, trong khi chỉ số niềm tin kinh tế có thể rất thấp trong tháng này, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể nhìn thấy ‘ánh sáng cuối đường hầm’ trong quý II năm nay”.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm