Tào Ngọc Căn sinh năm 1976 ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy trong một gia đình nghèo. Ông chỉ học hết cấp ba rồi ở nhà làm ruộng, cưới vợ sinh con như nhiều thanh niên khác trong làng.
Cuộc sống gia đình khó khăn nên ở tuổi 32, ông từ biệt vợ con lên Thâm Quyến, tìm cơ hội đổi đời. Không bằng cấp, không còn sức trẻ, Tào xin việc khắp nơi nhưng không được. Để trụ lại thành phố, ông làm bốc vác, chở hàng... tiền công chỉ đủ thuê một căn nhà dột nát, thậm chí không có cửa sổ.
Chi tiêu tằn tiện, sau một năm ông có chút vốn mở quầy bắp rang bơ ngoài chợ. Nhiều lần, thấy người thu gom phế liệu đi ngang qua cửa hàng, nên ông cũng muốn thử. "Dù sao nghề này chẳng mất vốn, chỉ cần chăm chỉ là được", Tào nghĩ. Ông gom đủ 1.000 tệ mua một chiếc xe ba bánh, quyết đổi nghề.
Hàng ngày, Tào rời nhà lúc năm giờ sáng và chỉ trở về khi đã tối muộn. Làm việc chăm chỉ nên có ngày ông kiếm được 3.000 tệ. Dù vậy người đàn ông rất tiết kiệm, chỉ ăn bánh bao hấp mỗi bữa, tiền kiếm được gửi về cho gia đình.
Làm công việc thu gom phế liệu, hàng ngày ông tiếp xúc với đủ loại người nên dần học được cách đối nhân xử thế. Thu gom phế liệu ở đâu, Tào cũng dọn dẹp sạch sẽ, lại rất cầu thị trong công việc nên được nhiều người quý mến.
Tuy vậy, ông luôn ý thức đây chỉ là công việc tạm thời, nên bắt đầu chuyển qua tái chế một số phế phẩm điện tử. Dù chi phí mua vào cao hơn nhưng lợi nhuận cũng tốt hơn. Cuộc sống của Tào từ đó cũng đỡ vất vả.
Một lần trong cuộc họp đồng hương, người bạn khoe chiếc máy ảnh mới mua từ nước ngoài. Thời điểm đó, máy ảnh kỹ thuật số còn lạ lẫm ở Trung Quốc. Ngay lập tức, một ý tưởng kinh doanh chợt lóe lên trong đầu. Ông nghĩ nếu chiếc máy ảnh đó phổ biến ở thị trường quốc tế chắc chắn cũng sẽ được ưa chuộng tại Trung Quốc.
Về nhà, Tào tìm kiếm tài liệu và tự nghiên cứu để thiết kế bản vẽ của chiếc máy ảnh kỹ thuật số. Sau một tháng khi thiết kế hoàn thành, ông tìm đến các doanh nghiệp có thể sản xuất máy ảnh ở Thâm Quyến mong được hợp tác. Cuối cùng cũng có một ông chủ đồng ý giúp Tào làm máy mẫu.
Mang máy ảnh mẫu đi chào hàng, nhiều lần Tào bị đuổi ra ngoài. Không nản, ông lại tiếp tục đi chào mời nhiều nơi khác và cuối cùng một công ty chấp nhận. Ban đầu chủ công ty này không hài lòng về thiết kế của sản phẩm, chỉ nói để lại mẫu lấy ý kiến khách hàng. Không ngờ nhiều khách đánh giá cao hình dáng cũng như chất lượng. Ông chủ lập tức đặt hàng hàng loạt sản phẩm. Từ đơn hàng đầu tiên, Tào đã thu về 600.000 tệ (2,1 tỷ đồng) tiền lãi.
Sau đó, với việc bán hàng ngày càng tốt hơn, Tào Ngọc Căn thành lập hai nhà máy, bắt đầu sản xuất sản phẩm của riêng mình.
Năm 2008, khủng hoảng tài chính thế giới ập tới khiến nhà máy của Tào phá sản. Năm 2010, ông trở về quê nhà. Người anh họ của Tào trước đó mở công ty chuyển phát nhanh YTO Express ở An Huy nhưng do khó khăn cũng sắp đóng cửa. Nhận thấy cơ hội mới, Tào đề nghị anh chuyển nhượng lại công ty cho mình.
Lúc đó ở An Huy, đây là công ty chuyển phát nhanh làm ăn kém nhất, thậm chí chỉ vỏn vẹn vài nhân viên làm việc. Tào Ngọc Căn bắt đầu thức đêm để học hỏi kiến thức vận hành và thay đổi một loạt chính sách mới.
Việc đầu tiên ông thực hiện là tăng lương cơ bản cho nhân viên nhằm kích thích làm việc chăm chỉ hơn. Ông cũng quy định nếu mất bưu kiện thì chính nhân viên phải bồi thường, chứ không phải công ty, do đó tình trạng mất mát giảm hẳn, khiếu kiện của khách hàng cũng không nhiều như trước. Thay đổi cuối cùng là đẩy nhanh thời gian giao hàng cho khách, nếu không phải trường hợp đặc biệt, mọi bưu kiện đều phải giao trong ngày.
Nhờ có Tào Ngọc Căn, sau vài năm, YTO Express đã lọt vào bảng xếp hạng các công ty dịch vụ hàng đầu ở Trung Quốc.
Đến năm 2017, Tào Ngọc Căn đã xây dựng trụ sở của YTO Express có diện tích 100.000 m2, mở rộng kinh doanh tới phân phối hậu cần hàng không, kho bãi và xây dựng trung tâm dịch vụ thương mại điện tử. Hiện ông là một tỷ phú và nhà hoạt động từ thiện năng nổ tại Trung Quốc.
(Theo 163.com)