CEO WiGroup: Câu chuyện NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ thêm là khó xảy ra nhưng cũng không có sự thắt chặt
Trong phần chia sẻ đầu sự kiện, ông Trần Ngọc Báu, Tổng Giám đốc WiGroup đã có những chia sẻ liên quan đến bức tranh vĩ mô của Việt Nam.
Ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup: Năm 2022 là năm khá thành công với kinh tế Việt Nam, khi tăng trưởng lĩnh vực xuất khẩu, tiêu dùng, sản xuất đều ấn tượng Sang năm 2023, Việt Nam có mục tiêu tăng trưởng kinh tế khá khả quan ở mức 6,5%. Tuy nhiên đến hết quý I, kinh tế gặp nhiều khó khăn hơn chúng ta nghĩ. Đặc biệt sau giai đoạn bùng nổ năm 2022. Xuất khẩu năm nay sụt giảm mạnh, tiêu cực hơn cả giai đoạn COVID-19.
Có thể nói trong mười mấy năm xuất khẩu chưa bao giờ bị ảnh hưởng nặng nề như vậy. Xuất khẩu suy giảm, tiêu dùng trong nước lại không thực sự phục hồi tốt. Sau biến cố bất động sản, trái phiếu, tiêu dùng trong nước bị ảnh hưởng. Tổng tiêu dùng trong nền kinh tế đi chậm, kéo theo khu vực sản xuất tăng trưởng chậm theo.
Những tháng đầu năm Việt Nam có mức tăng trưởng rất thấp so với mục tiêu đề ra, buộc chính sách phải thay đổi để kích thích nền kinh tế Lạm phát tương đối thấp đã giúp tạo không gian duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Ngoài ra tỷ giá 6 tháng đầu năm tương đối ổn định. Trong khi các nước vẫn tăng lãi suất, Việt Nam là 1 trong 3 nước đầu trên thế giới đẩy mạnh giảm lãi suất.
Đầu 2023 khi kinh tế bắt đầu yếu, có hai hiện tượng chú ý về lãi suất. Thứ nhất là lãi suất liên ngân hàng đi gần về 0% ở kỳ hạn qua đêm. Lãi suất liên ngân hàng thấp kéo theo hai hệ lụy giá tài sản tài chính tăng tuong đối mạnh vì kỳ vọng về giai đoạn siêu nới lỏng như giữa 2020 Thứ hai là mức chênh lệch lãi suất của Việt Nam và thế giới quá lớn, nguy cơ làm dịch huyển dòng vốn.
Dĩ nhiên nhà điều hành nói chung đều biết được hậu quả đó. Trong 9 tháng đầu năm chúng ta gồng để đợi tiền kịp thẩm thấu vào nền kinh tế. Mặc dù rất cố găng chúng ta có tăng trưởng cung tiền, tín dụng xét về cùng kỳ thấp hơn cả năm 2022 và thấp nhất trong giai đoạn hơn 10 năm. Đây là dấu hiệu cho thấy chúng ta chỉ nới lỏng vể chính sách. Vốn không ra được kinh tế, nền kinh tế phục hồi tương đối chậm. SBV quyết liệt duy trì chính sách nới lỏng tuy nhiên kinh tế chưa kịp phục hồi, tỷ giá bắt đầu căng thẳng. Hai nguyên nhân, nguyên nhân cốt yếu là chênh lệch về lãi suất. Dòng vốn dịch chuyển ra khỏi Việt Nam tương đối mạnh nhưng nhờ lợi thế thặng dư thương mại mạnh nên cân bằng được cán cân tổng thể. Nguyên nhân thứ hai do tâm lý đè nặng vì thời điểm năm ngoái tỷ giá cũng căng thẳng.
Áp lực của tỷ giá vào cuối năm nay và năm sau sẽ lớn hơn giai đoạn 2023 rất nhiều bởi gần như bối cảnh đã có sự thay đổi. Nhìn vào cán cân tổng thể của Việt Nam có thể thấy dòng chênh lệch về lãi suất thực sự đã kích hoạt dòng vốn dịch chuyển ra khỏi Việt Nam nhưng thặng dư vãng lai đặc biệt là thặng dư thương mại đã kéo được ngoại hối trở lại và làm cân bằng dòng vốn đó. Nhưng thặng dư thương mại năm nay chủ yếu do nhập khẩu giảm mạnh.
Khi xuất khẩu gặp khó, chúng ta có xu hướng giảm nhập khẩu và sử dụng hàng tồn kho trong nước để sản xuất nhưng khi nền kinh tế phục hồi, nhu cầu sản xuất trở lại nhập khẩu cũng sẽ phục hồi, khi đó thặng dư thương mại không còn tốt như bây giờ. Sợi dây lớn nhất để giữ tỷ giá ổn định cũng không còn chắc chắn như trước. Tỷ giá cũng là vấn đề khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải cân nhắc trong quá trình duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng.
Dự báo quý IV có một số biến số cần quan tâm. Về tỷ giá, lạm phát của Mỹ bắt đầu quay trở lại, tiệm cận 4%, cùng với sức khỏe nền kinh tế Mỹ thì nhiều khả năng Fed tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, giữ nền lãi suất ở mức cao. Đến giữa tháng 6/2024, nhiều khả năng mới đảo chiều. Như vậy chênh lệch lãi suất của Việt Nam và Mỹ vẫn tương đối lớn, tạo áp lực của tỷ giá vào cuối năm nay và năm sau.
Thứ hai, lạm phát sẽ lại là vấn đề cần được quan tâm đầu năm 2024. Lạm phát trong 3 tháng vừa qua tăng trưởng rất nhanh và 9 tháng tăng 3,66% so với cùng kỳ. Theo ước tính của tôi chỉ số giá tiêu dùng CPI có thể lên tới mốc 115 trong trạng thái giá dầu ở mức hiện tại chứ nếu giá dầu căng thẳng hơn nữa, câu chuyện sẽ còn tiêu cực hơn.
Với quán tính lạm phát tăng như tốc độ hiện tại, lạm phát cuối năm dự báo ở mức 3,46% đạt mục tiêu của Chính phủ. Nhưng sang năm sau vào tháng 1, tháng 2 với cách tính của Việt Nam lạm phát có thể vọt lên 4,6%, 4,7% vượt xa con số trung bình các năm trước. Như vậy, tỷ giá và lạm phát sẽ là các yếu tố khiến NHNN khó có thể duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng như năm 2023.
Trong năm 2024, có thể thanh khoản của hệ thống ngân hàng sẽ không được tốt như năm 2023. Tại Việt Nam các doanh nghiệp phụ thuộc khá nhiều vào dòng vốn tín dụng nhất là trong khi các thị trường khác đều đang gặp khó. Muốn phục hồi sản xuất bắt buộc tăng trưởng trở lại. Với một nhà đầu tư muốn nhìn được sản xuất phục hồi cần quan sát câu chuyện tăng trưởng tín dụng, huy động vốn vào giai đoạn cuối năm nay và đầu năm sau. Tổng kết lại, câu chuyện NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ thêm là khó xảy ra nhưng cũng không có sự thắt chặt.
Thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn điều chỉnh sau 6 tháng tăng điểm liên tục. Diễn biến của chứng khoán Việt Nam đồng pha với xu hướng chung toàn cầu, nhưng có phần tích cực hơn. Cụ thể, nếu VN-Index vẫn giữ được mức tăng gần 15% sau 9 tháng, khởi sắc hơn các thị trường trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Malaysia.
Trong ngắn hạn, tâm lý nhà đầu tư đang bị tác động bởi những yếu tố đến từ quốc tế và trong nước. Cục Dự trữ Liên đang Mỹ (Fed) vẫn phát đi tín hiệu tiếp tục tăng lãi suất trong khi chỉ số DXY mạnh lên khiến dòng vốn đầu tư xoay chiều. Trong nước, động thái phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng hay những biến số vĩ mô được giới đầu tư chú ý.
Song, nhịp điều chỉnh của thị trường cũng sẽ mở ra cơ hội khi định giá doanh nghiệp ở mức phù hợp hơn. Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III sắp tới là thời điểm để nhà đầu tư chọn lọc những doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh sáng cửa.
Để nhà đầu tư có thêm góc nhìn về dự báo vĩ mô, tiền tệ và đầu tư chứng khoán dựa trên nền tảng phân tích dữ liệu, VietnamBiz (vietnambiz.vn) phối hợp cùng Câu lạc bộ CFO Việt Nam (CFO Việt Nam) tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề Data Talk: “Tâm điểm vĩ mô & thị trường chứng khoán quý IV/2023". Tọa đàm này nằm trong chuỗi sự kiện hướng tới Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2024 (Vietnam Investment Forum 2024) diễn ra ngày 9/11 tại TP HCM.
Toạ đàm có sự tham gia của các diễn giả:
TS. Nguyễn Hữu Huân, Chuyên gia kinh tế, Đại học Kinh tế TP HCM
Ông Trần Ngọc Báu, Tổng Giám đốc CTCP Dữ liệu và Công nghệ Tài chính WiGroup
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam