Áp lực tỷ giá đang tiếp tục gia tăng trước những diễn biến mới trên thị trường thế giới. Ngày 9/10, tỷ giá trung tâm được công bố là 24.069 VND/USD trong khi tại thị trường tự do tỷ giá mua đã lên tới 24.660 đồng, đắt hơn cả giá bán ra trong một số ngân hàng, cao nhất từ đầu năm.
Fed sẽ thắt chặt tiền tệ lâu hơn
Giới chuyên gia dự báo chính sách tiền tệ của Fed sẽ là yếu tố cần đặc biệt chú ý trong năm tới bởi nó sẽ tác động rất nhiều đến tỷ giá trong nước.
Ông Đỗ Hiệp Hoà, CFA, Giám đốc đầu tư MB Capital, cho rằng trước đây các giới phân quốc tế tích kỳ vọng Fed sẽ có 3 - 4 lần giảm lãi suất trong năm 2024 và mức lãi suất sau khi giảm sẽ về quanh mốc 4,6%. Nhưng đến nay, sau những phát biểu mang tính quyết liệt của chủ tịch Fed, họ lại nhận định rằng sang năm Fed chỉ hạ lãi suất khoảng hai lần mức và mức lãi suất sau khi hạ vẫn ở mức khoảng 5,1%.
Như vậy, số lần giảm lãi suất ít hơn và mức giảm cũng không nhiều như trước cho thấy Fed sẽ tiếp tục chu kỳ thắt chặt tiền tệ lâu hơn. "Điều này sẽ khiến NHNN phải đối phó vất vả hơn nếu muốn bình ổn tỷ giá mà vẫn giữ môi trường lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng", ông Hoà nói.
Đặc biệt, việc một số yếu tố xung đột gần đây cũng khiến các chuyên gia lo ngại giá dầu và các nguyên liệu đầu vào leo thang gây lạm phát. Từ đó, Fed sẽ phải tiếp tục thắt chặt tiền tệ lâu hơn trước khi chuyển sang trạng thái nới lỏng.
Chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Vĩ mô, Đại học Kinh tế quốc dân cũng cho rằng chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed sẽ tác động mạnh đến các chính sách vĩ mô của Việt Nam.
Trong năm 2024 vẫn có một khả năng Fed không giảm lãi suất bởi trong hoàn cảnh hiện tại giá dầu hay giá lương thực đều ở mức cao, nền kinh tế Mỹ đang chống chọi tốt hơn với các đợt tăng lãi suất gần đây.
Mới tháng 6/2023, các nhà phân tích dự báo kinh tế Mỹ chỉ có thể tăng trưởng 1,1% trong năm 2023 song thực tế mức tăng trưởng được dự báo hơn gấp đôi và có thể đạt 2,5%. Những yếu tố hỗ trợ cho lạm phát sẽ khiến Fed có khả năng thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ.
Áp lực từ lạm phát trong nước
Bên cạnh yếu tố ảnh hưởng từ Fed, các chuyên gia cũng cho rằng áp lực lạm phát trong nước cũng là một yếu tố mà nhà điều hành cần phải theo dõi sát sao, đặc biệt trong năm 2024.
"Chúng ta cũng phải cảnh giác hơn với lạm phát và khi lạm phát có dấu hiệu vượt khỏi tầm kiểm soát thì các cơ quan điều hành NHNN sẽ có biện pháp can thiệp, có thể là dùng dự trữ ngoại hối cùng có thể là tăng lãi suất", chuyên gia Phạm Thế Anh nói.
Ưu tiên hiện nay NHNN vẫn ưu tiên mục tiêu duy trì mặt bằng lãi suất thấp, hạn chế tối đa biến động tỷ giá nhưng nếu có những cú sốc xảy ra thì các nhà điều hành cũng sẽ can thiệp để bình ổn thị trường ngoại hối.
Nhìn vào con số lạm phát, lạm phát tổng thể đang quay đầu tăng nhưng rất may là lạm phát lõi vẫn tiếp tục giảm dù giảm chậm nhưng tương đối chắc chắn. NHNN Việt Nam sẽ nhìn vào lạm phát cơ bản nhiều hơn vì lạm phát tổng thể chịu sự biến động thất thường của giá nhiên liệu và lương thực thực phẩm, hai yếu tố làm tăng lạm phát tổng thể rất mạnh trong thời gian vừa qua, chuyên gia phân tích.
Hiện kinh tế tổng thể vẫn khó khăn, tổng cầu còn yếu vì vậy chính sách tiền tệ sẽ thiên về hướng giữ càng lâu càng tốt mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay để hỗ trợ tăng trưởng.
Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong năm nay, mặc dù chỉ số giá lương thực và giao thông tiếp tục đẩy giá cả tăng lên, vẫn có cơ sở để không quá lo lắng về diễn biến lạm phát trong nước. Lạm phát cả năm 2023 được dự báo ở mức 3,5 - 3,8%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4,5% của Chính phủ.Tuy nhiên đến năm 2024 cần cảnh giác cả với tỷ giá và lạm phát.
Tỷ giá vẫn trong vòng kiểm soát
Nhận định về xu hướng hiện tại, Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng tỷ giá mặc dù có tăng nhưng vẫn nằm trong sự kiểm soát của NHNN và chưa thấy hiệu ứng lan tỏa do chưa có yếu tố quá bất ngờ cả ở thị trường quốc tế và trong nước.
Bên cạnh đó, các yếu tố như thặng dư thương mại, thặng dư cán cân vãng lai, dòng vốn FDI, ODA, kiều hối ổn định và có thể có thêm dòng ngoại tệ từ doanh nghiệp bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, dự trữ ngoại hối cải thiện, đang tạo điều kiện cho việc can thiệp ổn định.
BSC dự báo tỷ giá USD/VND đến cuối năm 2023 có thể dao động khoảng 3% - 4% so với đầu năm 2023.
Còn các chuyên gia VDSC cho rằng mặc dù áp lực lạm phát năm 2023 trong tầm kiểm soát nhưng áp lực mất giá tiền đồng vẫn rất lớn, đòi hỏi phản ứng quyết liệt hơn từ NHNN.
Trên thực tế, NHNN cũng đã liên tục có động thái điều hành linh hoạt trên thị trường tiền tệ để giảm áp lực lên tỷ giá. Từ sau cuộc họp của Fed, NHNN đã liên tục hút tiền từ thị trường mở qua phát hành tín phiếu. Tính đến thời điểm hiện tại, lượng hút ròng đã đạt hơn 140.000 tỷ đồng với lãi suất tín phiếu tăng dần qua các phiên đấu thầu (từ 0,69% đến 1,3%).
Đồng thời, lãi suất liên ngân hàng cũng đã nhích lên, lãi suất kỳ hạn qua đêm trong phiên 5/10 đã tăng lên 1,32%/năm và đang ở ngưỡng cao nhất kể từ giữa tháng 6. Chênh lệch lãi suất USD-VND thu hẹp lại là một điều tích cực nhằm giảm bớt áp lực đối với tỷ giá.
Còn các chuyên gia của VDSC giữ nguyên quan điểm về tỷ giá sẽ biến động quanh vùng 24.500 đồng/USD và giảm trở lại vào cuối năm song rủi ro đối với dự báo là USD Index (DXY) tăng vượt ngưỡng 110, dẫn đến việc NHNN phải bán bớt dự trữ ngoại hối để đối phó với việc tiền đồng mất giá mạnh hơn.