ByteDance, chủ sở hữu của ứng dụng video ngắn nổi tiếng toàn cầu TikTok và Douyin (TikTok phiên bản Trung Quốc), đang chuẩn bị ra mắt một nền tảng truyền thông xã hội mới được thiết kế cho người dùng trẻ để chia sẻ lối sống và sở thích của họ, theo bản đăng ký công ty mới nhất của hãng công nghệ này.
Ứng dụng có tên “Kesong”, có nghĩa là bánh sừng bò trong tiếng Trung Quốc, sẽ cung cấp cho đối tượng người dùng trẻ một nền tảng mới để xuất bản ảnh và văn bản về các chủ đề như “quần áo hợp thời trang, mẹo lướt sóng và đồ chơi mới lạ”. Đơn đăng ký của nó được thực hiện vào tuần trước bởi công ty con của ByteDance, tên là Beijing Weibo Shijie Technology Co.
Đối thủ cạnh tranh nội địa của Kesong sẽ là Xiaohongshu, một nền tảng thương mại điện tử kết hợp mạng xã hội phổ biến và có nét tương tự như Instagram, theo trích dẫn từ một nguồn tin thân cận với Douyin.
ByteDance hiện chưa trả lời các yêu cầu bình luận về vấn đề này.
Ứng dụng Kesong mới của ByteDance, nhắm mục tiêu đến người dùng trẻ tuổi, đánh dấu nỗ lực mới nhất của kỳ lân công nghệ này trong việc triển khai một dịch vụ tương tự như Instagram ở Trung Quốc.
Theo lời giới thiệu của nền tảng, Kesong hoan nghênh người dùng tham gia vào cộng đồng trực tuyến của mình vào “mùa hè nóng nực này”, điều này ngụ ý rằng dịch vụ có thể sớm được tung ra.
Ứng dụng trên - có khẩu hiệu “lối sống mới cho giới trẻ” - đánh dấu nỗ lực mới nhất của ByteDance nhằm giới thiệu một dịch vụ tương tự như Instagram tại thị trường smartphone và internet lớn nhất thế giới, cũng như nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu.
ByteDance trước đây đã triển khai các ứng dụng tương tự, như Xincao vào năm 2018 và Xintu vào năm 2019, không thể phát triển ở Trung Quốc và đã bị đóng cửa. Việc cạnh tranh với ứng dụng Xiaohongshu đang khá phổ biến ở hiện tại dường như cũng là một thử thách khó khăn đối với Kesong. Được thành lập vào năm 2013, Xiaohongshu đã trở thành một nền tảng dành cho người tiêu dùng Thế hệ Z của Trung Quốc, với hơn 200 triệu người dùng hoạt động hàng tháng.
ByteDance, chủ sở hữu TikTok được công nhận là “nhà máy sản xuất ứng dụng” ở Trung Quốc.
Bất chấp những thất bại ở quê nhà, ByteDance đã đạt được thành công ở nước ngoài cho một nền tảng giống như Instagram của mình. Ứng dụng “Lemon8” của công ty, trước đây được gọi là “Sharee”, hiện có cơ sở người dùng ngày càng tăng ở Nhật Bản và các thị trường trên khắp Đông Nam Á.
Được công nhận là “nhà máy sản xuất ứng dụng” của Trung Quốc vì khả năng liên tục tạo ra các dịch vụ di động mới chỉ trong vài tháng, ByteDance đã và đang tiếp tục tăng cường tập trung vào các nền tảng xã hội mới. Đây được xem như một phần trong nỗ lực thách thức Tencent, đơn vị điều hành siêu ứng dụng đa chức năng WeChat. Trong hai năm qua, ByteDance cũng đã mở rộng các tính năng của cả TikTok và Douyin, cho phép người dùng mua sắm trực tuyến khi họ xem các chương trình phát trực tiếp.
Công ty cũng liên tục thực hiện các thương vụ mua lại chiến lược. Vào tháng 6, ByteDance đã mua lại công ty khởi nghiệp thực tế ảo (VR) có tên PoliQ của Trung Quốc, được biết đến với nền tảng xã hội Vyou cho phép người dùng tạo hình đại diện của riêng họ. Công ty khởi nghiệp này được gộp vào công ty tai nghe VR Pico Interactive, cũng được ByteDance mua lại vào tháng 8 năm ngoái.
Vào tháng 1 năm nay, ByteDance đã giới thiệu một ứng dụng xã hội tương tự như metaverse có tên Paiduidao, cho phép người dùng tương tác trong một cộng đồng ảo thông qua nhân vật đại diện.
Tuy nhiên, ra mắt nhiều nhưng thất bại cũng lắm, kỳ lân công nghệ này không ngại ra quyết định đóng cửa các ứng dụng khi chúng không đạt được mục tiêu thu hút người dùng. Các sản phẩm đã bị đóng cửa gần đây bao gồm Dmonstudio, một ứng dụng mua sắm thời trang đã bị đóng cửa vào tháng Hai và nền tảng nhắn tin tức thời Feiliao, đã bị gỡ xuống vào tháng 12 năm ngoái sau khi ByteDance khởi chạy lại nó như một ứng dụng xã hội tương tự Clubhouse vào tháng 7 năm ngoái.
Tham khảo SCMP