Theo báo cáo “Triển vọng thị trường Việt Nam tháng 7/2022”, Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) dự báo về triển vọng ngành ngân hàng với kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2022 đạt 15% nhờ nền kinh tế phục hồi sau dịch bệnh, đồng thời gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng của Chính phủ kích thích nhu cầu tín dụng tăng mạnh.
Bên cạnh đó, ACBS cũng dự báo lãi suất huy động ở các ngân hàng có thể tiếp tục tăng thêm khoảng 0,5 điểm % để bổ sung nguồn vốn trong nửa cuối năm 2022. Đây là thời điểm các ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng và đẩy mạnh cho vay vào dịp cuối năm.
Các chuyên gia cũng cho biết lãi suất cho vay có dấu hiệu tăng lên do tín dụng bị hạn chế cộng với xu hướng tăng trưởng CASA sẽ giúp các ngân hàng giữ được mức NIM tương đương năm 2021.
Đối với áp lực trích lập dự phòng, các ngân hàng đã đẩy mạnh trích lập dự phòng trong năm 2021. Năm 2022 áp lực trích lập dự phòng đã giảm đi đáng kể và điều này sẽ tạo động lực cho tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng.
Nhiều ngân hàng đã sử dụng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng trong khi NHNN chưa phê duyệt hạn mức tăng trưởng mới, do đó thanh khoản hệ thống dư thừa trở lại. Lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng giảm xuống dưới 1%, lãi suất ở các kỳ hạn từ một tháng trở lên vẫn ở mức tương đối cao (2-5%), cho thấy thanh khoản hệ thống trong những tháng tới sẽ không còn dồi dào như hiện tại.
Trong 6 tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng mạnh nhờ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch. Tính đến ngày 30/6/2022, tăng trưởng tín dụng đạt 9,35%, cao hơn hẳn so với mức tăng trưởng cùng kỳ năm ngoái.
Về kết quả kinh doanh quý I/2022, lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng niêm yết trên HOSE tăng trưởng 32,2% so với cùng kỳ năm ngoái với động lực đến từ cả thu nhập lãi thuần và thu nhập ngoài lãi. Chi phí dự phòng quay trở lại mức bình thường, giảm 21,6% so với quý trước đó do áp lực trích lập dự phòng các khoản nợ tái cơ cấu giảm đi đáng kể.
Tỷ lệ nợ xấu đến cuối quý I/2022 đạt 1,37%, đi ngang so với đâu năm và giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trưỡc.
Dư nợ tái cơ cấu do COVID-19 có xu hướng giảm trong Q1/22, ước tính chỉ còn chiếm khoảng 1% tổng dư nợ và đã được trích lập dự phòng một cách thận trọng. Ngoài ra chất lượng tài sản được giữ ở mức tốt.