Trợ lý ảo ứng dụng AI hỗ trợ thẩm phán trong công tác chuyên môn là một trong các trụ cột về ứng dụng chuyển đổi số mà ngành tòa án thực hiện năm qua. Hệ thống được phát triển bởi đội ngũ kỹ sư Việt, dựa trên dữ liệu từ ngành tòa án trong nhiều năm.
"Theo phân bổ biên chế, mỗi thẩm phán có hai thư ký giúp việc cả về hành chính và chuyên môn. Khi ứng dụng trợ lý ảo, chúng ta xây dựng một thư ký nhưng có thể hỗ trợ công việc chuyên môn cho hàng nghìn thẩm phán mọi lúc, mọi nơi, với bộ óc luôn cập nhật thông tin với độ chính xác cao", Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Phạm Quốc Hưng nói tại hội nghị về thông tin truyền thông cuối 2023.
Trợ lý ảo hỗ trợ cho thẩm phán cả nước
Để chuẩn bị tài liệu cho một vụ xét xử, trước đây các thẩm phán phải tìm kiếm toàn bộ văn bản pháp luật liên quan, đồng thời tra cứu thông tin về bản án tương tự từng xảy ra. Với trợ lý ảo, họ chỉ cần đặt câu hỏi hoặc gõ một từ khóa liên quan, toàn bộ thông tin cần thiết sẽ hiển thị đầy đủ. Đây là một trong những chức năng mà trợ lý ảo mang lại cho các thẩm phán.
Thẩm phán Lê Thị Khanh, Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy, cho biết ứng dụng hỗ trợ bà cập nhật văn bản pháp luật nhanh và dễ dàng trao đổi nghiệp vụ giữa các thẩm phán cả nước. Các vụ án có mối quan hệ pháp luật giống nhau, nhưng nội dung khác nhau có thể dẫn đến nhận định và cách giải quyết khác nhau. "Trợ lý ảo cung cấp công cụ tham khảo trong các tình huống đó, để xem các đồng nghiệp ở những địa phương khác trên cả nước giải quyết thế nào", bà Khanh nói.
Theo đại diện nhà phát triển Viettel AI, đây là trợ lý ảo duy nhất tại Việt Nam sở hữu hệ thống tri thức pháp luật lớn và đáng tin cậy. Ứng dụng đã chứng minh hiệu quả khi giúp giảm 30% lượng công việc so với thao tác truyền thống, tối ưu thời gian vận hành của toàn bộ hệ thống tòa án.
Theo thống kê đến tháng 2, trợ lý ảo trên có 4 triệu lượt sử dụng, mỗi ngày có 10.000 - 15.000 lượt hỏi đáp, tra cứu thông tin từ các nhân sự tòa án. Theo một khảo sát với 3.666 lượt đánh giá, 99% người dùng đánh giá cao độ hữu ích của sản phẩm, tỷ lệ không hài lòng chiếm 3,8%.
Một tính năng khác của trợ lý ảo là hỗ trợ soạn văn bản. Hiện nay, các bản án sau khi được công bố đều được đăng toàn bộ lên cổng thông tin điện tử của ngành. Để bảo vệ dữ liệu cá nhân của người liên quan, các thông tin như tên tuổi, địa chỉ của người dân phải được "mã hóa" bằng cách ẩn một phần thông tin, viết tắt.
Thẩm phán Khanh cho biết trước đây, việc này được làm bởi thư ký, sau đó thẩm phán sẽ rà lại. Nhưng từ khi có trợ lý ảo, việc mã hóa được thực hiện bằng trợ lý này và thường chính xác 100%. "Chỉ mất khoảng 30-40 phút đã có thể mã hóa và đăng 10-15 bản án có hiệu lực pháp luật. Trong khi trước đó, tùy theo độ dài, thông thường một buổi chỉ mã hóa được 4-5 bản án", bà Khanh nói. Ngoài ra, các văn bản mang tính biểu mẫu, như giấy triệu tập hiện được tạo tự động bằng trợ lý ảo nói trên.
Theo Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng, khi ứng dụng thực tế, trợ lý ảo còn hỗ trợ thẩm phán quản trị công việc. Với tính năng nhắc việc, thẩm phán sẽ được thông báo về các công việc cần làm ngay, từ đó đảm bảo thời hạn tố tụng, giải quyết các việc được phân công.
Ngoài ra, trợ lý ảo khi ứng dụng rộng rãi còn là cách để số hóa nguồn tài nguyên tri thức từ kinh nghiệm xét xử của thẩm phán. Những thông tin này có thể được lưu trữ lại bằng công nghệ số, từ đó lan tỏa, làm cơ sở áp dụng đồng bộ trong hệ thống tòa án và những thế hệ thẩm phán sau có thể được kế thừa tham khảo tri thức này.
Thành quả từ khai thác dữ liệu số
Một trong các thách thức với hoạt động của thẩm phán là số lượng văn bản pháp luật nhiều và thường xuyên được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng xu thế phát triển của xã hội. Số văn bản pháp luật lên tới hàng trăm nghìn, vượt qua giới hạn xử lý của con người. Điều này đòi hỏi việc ứng dụng các công nghệ, bao gồm các công nghệ về dữ liệu, AI để hỗ trợ xử lý.
Theo đơn vị phát triển, trợ lý ảo trong ngành tòa án nói trên hiện sở hữu hệ thống cơ sở tri thức ngành với gần 170.000 văn bản pháp luật, 70 án lệ và hơn 1,3 triệu bản án do Tòa án Nhân dân Tối cao cung cấp.
Bên cạnh tài nguyên số, đội ngũ kỹ sư sẽ phải phối hợp chặt chẽ với tòa án các cấp, tham vấn từ các lãnh đạo ngành, đồng thời được đào tạo hàng tuần về kiến thức pháp luật cũng như quy trình tố tụng. Điều này giúp trợ lý ảo có thể hiểu được nghiệp vụ cần thiết. Ngoài ra, nhờ ứng dụng các mô hình học sâu cũng như thuật toán tìm kiếm nội dung theo ngữ nghĩa (Semantic Search), AI tạo sinh, công cụ này cho phép người dùng tra cứu nhanh các văn bản pháp luật.
Các luật, pháp lệnh, thông tư, nghị định sẽ được cung cấp tới thẩm phán chính xác đến từng điều, khoản và thời gian văn bản pháp luật có hiệu lực. Từ đó đưa ra kết quả phù hợp với thời gian xảy ra vụ việc, hay giới thiệu các tình huống tương tự dựa trên kho dữ liệu được lưu trữ.
Theo nhà phát triển, do được xây dựng bởi kỹ sư và dữ liệu tiếng Việt, sản phẩm có thể xử lý tốt ngôn ngữ cả ở dạng viết hay nói, đồng thời hiểu cách phát âm riêng của từng vùng, miền tại Việt Nam.
Với những tính năng trên, trợ lý ảo được kỳ vọng không chỉ giúp việc cho các thẩm phán, mà còn có thể trở thành trợ lý pháp luật cho người dân. Ví dụ khi có một sự việc xảy ra, người dùng có thể nạp dữ liệu về hành vi, tình huống pháp lý. Hệ thống sẽ đoán định tội danh hình sự hoặc tranh chấp dân sự phù hợp, từ đó trở thành nguồn tham khảo cho người dân trước khi ra quyết định khởi kiện hoặc lựa chọn hòa giải, nhờ trọng tài.
Ông Hưng cho biết ngoài việc đào tạo từ dữ liệu thực tế, các thẩm phán sẽ được giao chỉ tiêu tạo ra một tình huống pháp lý và cách giải quyết, nhằm làm giàu tri thức cho trợ lý ảo.
"Sự phát triển cao nhất của trợ lý ảo mà chúng tôi hướng tới là tư vấn đường lối xử lý sự việc và cung cấp dịch vụ đoán định tư pháp. Tương lai mỗi người dân sẽ có một trợ giúp pháp lý để phục vụ cho mình", ông Hưng nói.