Công nghệ

Đồ điện tử gia dụng "hiện đại - kém bền"

Người dùng Sharon J. Swan nói trên WSJ rằng đã chi gần 7.000 USD cho lò nướng và tủ lạnh thông minh của một thương hiệu nổi tiếng. Cô nghĩ với số tiền bỏ ra, thiết bị có thể dùng được ít nhất cho đến khi bán căn nhà đang sống ở Alexandria, Virginia. Những món đồ này cũng khiến cô tự hào khi có ai đó ghé thăm.

Nhưng vào một ngày, chiếc lò bất ngờ bốc khói khi Swan làm món gà nướng. Trong khi đó, ngăn đá của tủ lạnh đã hỏng lần thứ ba trong chưa đầy hai năm. Thương hiệu kia đã bảo hành hai lần, nhưng yêu cầu cô phải trả tiền cho lần thứ ba với giá 250 USD.

"Tôi thấy mình đang lãng phí tiền bạc của bản thân", Swan nói.

Một chiếc tủ lạnh cũ (trái) và tủ lạnh mới có cánh cửa trong suốt. Ảnh: Junk/LG

Một chiếc tủ lạnh cũ (trái) và tủ lạnh mới có cánh cửa trong suốt. Ảnh: Junk

Trong khi đó, vợ chồng Kevin và Kellene Dinino ước họ vẫn giữ chiếc máy rửa bát màu trắng mua từ vài chục năm trước. Họ bỏ thiết bị khi nó vẫn hoạt động tốt để sắm một chiếc mạ thép giá 800 USD cho nhà hàng ở San Diego. Ba năm sau khi sử dụng, các chất bẩn từ thiết bị khiến phần gỗ cứng, tủ đựng bị ăn mòn và hư hỏng mà không hề hay biết. Nhà hàng tổn hại 35.000 USD.

Theo các thống kê gần đây, thiết bị điện tử gia dụng là một trong các danh mục sản phẩm có xu hướng sửa chữa ngày càng tăng. Chẳng hạn, theo trang đánh giá Yelp của Mỹ, số lượng yêu cầu báo giá từ hàng nghìn doanh nghiệp sửa chữa thiết bị vào tháng 1 nhiều hơn 58% so với cùng kỳ 2022.

Số liệu từ hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor International tại London cũng cho thấy, so với cách đây 10 năm, các hộ gia đình Mỹ chi tiêu cho thiết bị gia dụng nhiều hơn 43%, tính cả mức trung bình đã điều chỉnh theo lạm phát là 390 USD lên 558 USD ở giai đoạn này.

Người dùng, kỹ thuật viên sửa chữa và các chuyên gia cho rằng có một lý do dẫn đến thống kê trên là tỷ lệ sửa chữa và thay thế cao hơn. "Chúng ta đang khiến mọi thứ trở nên phức tạp, khó sửa và gây tốn kém hơn", Aaron Gianni, nhà sáng lập ứng dụng hỗ trợ người dùng tự sửa thiết bị tại gia Plunjr, nhận xét.

Độ phức tạp tăng cao

Theo các chuyên gia, nếu bóc lớp nhựa trên tủ lạnh hoặc máy giặt hiện đại ra, người dùng sẽ thấy một số cảm biến - điều mà sản phẩm trên 10 năm tuổi ít có. Các nhà sản xuất quảng cáo rằng chúng là thành phần giúp thiết bị chỉ sử dụng một lượng điện và nước cần thiết. Nhưng các kỹ thuật viên lại cho biết với nhiều bộ phận hơn, tỷ lệ hỏng cũng cao hơn.

"Các nhà sản xuất trước đây chủ yếu dựa vào bộ phận cơ khí đơn giản. Nhưng trong một thập kỷ qua, họ đã chuyển sang các bộ phận điện tử và máy tính phức tạp, như màn hình cảm ứng hay các cảm biến. Điều đó khiến thiết bị gia dụng bị hỏng thường xuyên hơn", phó giáo sư Mansoor Soomro của Đại học Teesside cho biết.

Soomro cho rằng khi một cỗ máy phức tạp bị hỏng, các kỹ thuật viên thường đối mặt với khó khăn trong việc tìm ra nguyên nhân sự cố. Ngay cả khi chẩn đoán được, người dùng cũng thường phải trả số tiền khắc phục vượt quá một nửa chi phí thay thế.

"Trong phần lớn trường hợp, tôi cho rằng việc mua thiết bị mới còn kinh tế hơn là sửa chữa", Soomro nói.

Theo Business Insider, "những chiếc tủ lạnh màu trắng" - hàm ý nói về các thiết bị gia dụng đời cũ - được thiết kế để tồn tại lâu dài. Trong khi đó, chất liệu nhựa và nhôm được dùng nhiều hơn trên máy giặt, tủ lạnh và thiết bị gia dụng hiện đại, nhưng cũng dễ hỏng hơn chất liệu thép trước đây.

Thiết kế ưu tiên độ bền cũng là yếu tố giúp thiết bị đời cũ tồn tại lâu hơn. Chẳng hạn, máy giặt cửa trên có núm xoay có thể trông kém bóng bẩy hơn máy có màn hình kỹ thuật số, nhưng nó có thể được sử dụng nhiều năm hơn. Tương tự, một tủ lạnh được thiết kế âm tường giúp tăng diện tích không gian bếp, nhưng có thể khiến hệ thống làm lạnh bị hỏng bất cứ lúc nào, đồng thời việc sửa chữa khó khăn hơn.

"Trước khi mua, bạn cần cân nhắc có thực sự cần một tủ lạnh có màn hình 32 inch để xem TikTok trên đó không", Business Insider đặt câu hỏi cho việc mua thiết bị hiện đại và nhiều công năng để đánh đổi bằng độ bền.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm