Ngày 16.4, Công an tỉnh Thanh Hóa thông tin về vụ triệt phá đường dây sản xuất thuốc giả quy mô rất lớn do Trịnh Doãn Giáo (40 tuổi, ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) và Nguyễn Tiến Đạt (34 tuổi, ngụ tại chung cư Hapulico, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) cùng cầm đầu.
Ngoài Giáo, Đạt còn có 12 nghi phạm (Công an Thanh Hóa chưa cung cấp danh tính) khác tham gia đường dây sản xuất thuốc giả đã bị Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố, bắt tạm giam để phục vụ điều tra.

13 trong số 14 bị can bị bắt giữ, cùng tang vật vụ án
ẢNH: CÔNG AN THANH HÓA
Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, đã phối hợp với công an các tỉnh Vĩnh Phúc, Hưng Yên, An Giang, Đồng Tháp, Hà Nội và TP.HCM cùng thực hiện việc khám xét khẩn cấp các điểm sản xuất, kho chứa thuốc giả.
Tổng số thuốc giả thu giữ trong quá trình khám xét là hơn 39.500 hộp thuốc, trên hộp ghi tên các loại thuốc, như: Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter, Neo-Codion, nhức khớp tê bại hoàn, Tui Hua Shen Jing Tong, trùng thảo sâm nhung bổ tỳ khai vị đại bổ hoàn, Profeessor's Pill, Mujarhabat Kapsul, gai cốt hoàn, tọa cốt thiên ma thống phong hoàn, tuyết liên thiên ma bảo khớp hoàn, phong tê nhức Bạch Xà Vương, phong tê nhức Hổ Cốt Hoàn, đa xoang mũi, viên vai cổ, Yuan Bone, thoái cốt hoàn plus, thoái hóa nhức khớp hoàn plus; thoái hóa tọa cốt đơn…
Ngoài ra, lực lượng công an còn thu giữ 142 kg các loại thuốc đã đóng viên nhưng chưa đóng gói, nhiều nguyên liệu làm thuốc, hơn 18.000 vỏ hộp thuốc, và nhiều loại máy móc, thiết bị phục vụ cho hoạt động sản xuất thuốc giả.
Tổng trọng lượng các loại thuốc và nguyên liệu làm thuốc thu giữ được là khoảng gần 10 tấn.

Lực lượng Công an Thanh Hóa kiểm đếm thuốc giả là tang vật vụ án
ẢNH: CÔNG AN THANH HÓA
Kết quả điều tra ban đầu của Công an tỉnh Thanh Hóa xác định, từ năm 2021, Nguyễn Tiến Đạt và Trịnh Doãn Giáo đã câu kết với nhau để sản xuất và tiêu thụ thuốc giả, chủ yếu là các loại thuốc chữa các bệnh về xương khớp.
Các nghi phạm đã mua máy móc, thiết bị, nguyên liệu và thuê người pha trộn, sản xuất thuốc giả các thương hiệu thuốc lớn.
Trước khi bán thuốc giả ra thị trường, các nghi phạm thường mua thuốc thật về rồi đi giới thiệu, bán cho các cửa hàng bán thuốc ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Sau khi có được mối bán thuốc, những lần bán sau các nghi phạm thay thuốc thật bằng thuốc giả để bán.
Không chỉ giả mạo các loại thuốc khác, đường dây sản xuất thuốc giả này còn tự đặt tên cho một số loại thuốc mới, ghi tên công ty sản xuất ở nước ngoài rồi giới thiệu là "hàng xách tay" để bán cho người dân.
Bước đầu, Công an tỉnh Thanh Hóa xác định kể từ năm 2021 đến khi bị bắt, các đối tượng đã thu lời bất chính gần 200 tỉ đồng từ việc bán thuốc giả.