Kỹ năng sống

Trẻ lười ăn rau, có thể bổ sung chất xơ từ đâu?

Tóm tắt:
  • Trẻ lười ăn rau nhưng có thể bổ sung chất xơ từ ngũ cốc, đậu, trái cây.
  • Chất xơ gồm hai loại: hòa tan (giảm cholesterol) và không hòa tan (hỗ trợ tiêu hóa).
  • Nhu cầu chất xơ trẻ em = tuổi + 5–10g, ví dụ trẻ 5 tuổi cần 10–15g/ngày.
  • Thay thế rau bằng ngũ cốc nguyên hạt, đậu, hạt hoặc trái cây nguyên quả.
  • Bổ sung chất xơ từ từ, kèm đủ nước, và theo dõi triệu chứng tiêu hóa bất thường.

Theo bác sĩ Trần Thị Trà Phương, Khoa Dinh dưỡng Tiết chế – Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, chất xơ là thành phần quan trọng trong chế độ dinh dưỡng, đặc biệt với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nhiều bé lại không thích ăn rau – nguồn chất xơ quen thuộc.

Chất xơ là loại carbohydrate mà cơ thể không tiêu hóa được, tồn tại nhiều trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật như rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu.

Chất xơ được chia thành hai nhóm. Nhóm hòa tan có khả năng tan trong nước, giúp kiểm soát đường huyết, giảm cholesterol. Nhóm không hòa tan hỗ trợ hoạt động tiêu hóa, hiệu quả trong phòng ngừa và cải thiện tình trạng táo bón. Ngoài ra, chất xơ còn giúp tăng cảm giác no, hỗ trợ kiểm soát cân nặng, tốt cho tim mạch và giảm nguy cơ một số bệnh lý mạn tính, trong đó có ung thư.

Trẻ nhỏ thường lười ăn rau. (Ảnh minh hoạ)

Trẻ nhỏ thường lười ăn rau. (Ảnh minh hoạ)

Nhu cầu chất xơ mỗi ngày của trẻ có thể được ước tính bằng cách lấy tuổi của trẻ cộng thêm từ 5 đến 10. Trẻ 4 tuổi cần khoảng 9–14g chất xơ mỗi ngày, trẻ 5 tuổi cần 10–15g và trẻ 10 tuổi cần 15–20g.

Khi trẻ không thích ăn rau, cha mẹ có thể thay thế bằng các thực phẩm giàu chất xơ khác như ngũ cốc nguyên hạt (gạo lứt, yến mạch, bánh mì nguyên cám), các loại đậu (đậu đen, đậu lăng, đậu Hà Lan), các loại hạt (hạt chia, hạt lanh, hạnh nhân). Đây đều là những nguồn cung cấp chất xơ hòa tan dồi dào.

Chuyên gia khuyến nghị, thay vì ép trẻ uống nước ép, phụ huynh nên cho trẻ ăn trái cây nguyên quả để giữ lại phần chất xơ tự nhiên. Trái cây và các loại hạt có thể được kết hợp cùng sữa chua, ngũ cốc hoặc yến mạch. Với món sandwich, có thể thêm rau diếp, cà chua hoặc bơ. Trong súp, cháo hay salad, phụ huynh có thể bổ sung đậu, cà rốt để tăng hàm lượng chất xơ mà vẫn hợp khẩu vị trẻ nhỏ.

Việc bổ sung chất xơ nên thực hiện từ từ và tăng dần trong vài tuần để tránh tình trạng đầy hơi hoặc chuột rút. Trẻ cũng cần uống đủ nước mỗi ngày để chất xơ di chuyển dễ dàng trong đường ruột. Nếu trẻ có dấu hiệu táo bón, tiêu chảy kéo dài hoặc đau bụng, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn kịp thời.

Các tin khác

Thời tiết miền Bắc những ngày tới

Hôm nay (8/4), khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ có sương mù nhẹ, trời có mưa phùn, mưa nhỏ rải rác, ban ngày nhiều mây, ít mưa. Dự báo hình thái thời tiết này còn duy trì ở miền Bắc đến ngày 11/4.

Miền Bắc mưa đến bao giờ?

Hôm nay (6/4), miền Bắc tiếp tục có mưa rào và dông rải rác, riêng vùng núi có mưa vừa đến mưa to. Dự báo hình thái này duy trì đến hết ngày 7/4. Khu vực Bắc Trung Bộ hôm nay cũng có mưa rải rác. Các khu vực khác ít mưa, hửng nắng, riêng Đông Nam Bộ có nắng nóng.

Ồn ào quảng cáo trên mạng: Chưa qua tiểu học tự xưng chuyên gia, bác sĩ

Trong thời đại bùng nổ công nghệ, ai cũng có thể làm quảng cáo chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, nhưng không phải người nào cũng có kiến thức và sự am hiểu, giống như một số trường hợp chưa học hết tiểu học, không qua trường lớp đào tạo về y tế cũng tự xưng là bác sĩ, chuyên gia sức khỏe để bán thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng giả nhãn hiệu và kém chất lượng trên mạng.