Theo thông tin trên báo cáo tài chính 2022 đã công bố của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán Việt Nam, tại thời điểm 31/12/2022, có gần 20 doanh nghiệp nắm giữ lượng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngắn hạn (gọi tắt là Tiền) trên 10.000 tỷ đồng.
Top 5 doanh nghiệp nắm giữ hơn 1 tỷ USD tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn bao gồm CTCP Tập đoàn Hoà Phát (HPG), Tổng công ty khí Việt Nam (GAS), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (ACV), Tập đoàn Vingroup (VIC) và Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR). Trong đó, Hòa Phát đã giữ vị trí doanh nghiệp nhiều tiền nhất quý thứ 5 liên tiếp với 34.600 tỷ đồng, chiếm 20% tổng tài sản.
Trong giai đoạn các kênh huy động vốn đang gặp khó khăn, doanh nghiệp nắm nhiều tiền mặt được đánh giá là doanh nghiệp có lợi thế hơn cả. Tuy nhiên, doanh nghiệp có “sức mạnh” thực sự nên được đo lường bằng con số chênh lệch giữa tiền và nợ phải trả (tiền ròng), thể hiện cho việc doanh nghiệp có đủ tiền để trả cho tất cả các khoản nợ hiện hữu của mình hay không.
Theo đó, có 10 doanh nghiệp đang sở hữu số tiền thừa để trả hết nợ . Đứng đầu danh sách là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) với số tiền gần 33.000 tỷ đồng trong khi nợ phải trả chỉ có 16.231 tỷ đồng, chưa bằng một nửa. Dù trả hết mọi khoản nợ với các bên, ACV vẫn còn tới 16.760 tỷ đồng tiền mặt.
Các ông lớn nhiều tiền xếp sau đó là Sabeco (SAB), PV GAS (GAS), Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEA). Trả hết nợ, các doanh nghiệp này vẫn còn hơn 10.000 tỷ đồng tiền.
Ngoại trừ SAB thuộc sở hữu của doanh nghiệp của tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi thì Hóa chất Đức Giang (DGC) hiện là doanh nghiệp duy nhất trong top 5 không do cổ đông nhà nước nắm cổ phần chi phối. DGC có hơn 9.000 tỷ đồng tiền và chỉ có chưa đầy 2.500 tỷ đồng nợ phải trả.
Trong top 10, một gương mặt nhiều tiền khác không có cổ phần của nhà nước là CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (TCH). Doanh nghiệp do ông Đỗ Hữu Hạ làm Chủ tịch HĐQT có 7.129 tỷ tiền và 2.865 tỷ nợ phải trả, tiền ròng lên tới 4.300 tỷ đồng.
Nếu đem chia số tiền ròng của các doanh nghiệp này cho cổ đông, mỗi cổ phần của SAB cũng được hưởng tới hơn 21.200 đồng, mỗi cổ phần DGC được nhận hơn 17.000 đồng, DPM được nhận 13.400 đồng và DCM nhận được 10.100 đồng.
Gây chú ý nhất vẫn là TCH, nếu đem chia tiền ròng cho cổ đông, mỗi cổ phần TCH nhận được là hơn 6.400 đồng trong khi giá cổ phiếu của TCH trên thị trường chỉ chưa đầy 7.400 đồng.
Hòa Phát - doanh nghiệp nhiều tiền nhất hiện tại cũng đồng thời có hơn 74.200 tỷ đồng nợ phải trả, tương đương tiền ròng âm gần 40.000 tỷ đồng.