Mùa xuân là mùa đầu tiên trong năm, khởi đầu cho 4 mùa và tượng trưng cho sự sinh trưởng, hi vọng. Khởi đầu mới có ý nghĩa mong cho mọi việc thuận lợi, suôn sẻ, tốt đẹp hơn nhiều trong cả một năm đó. Chính vì vậy mà mỗi khi Tết đến xuân về, lòng người lại rộn ràng niềm vui, hân hoan.
Tuy nhiên, thời tiết mùa xuân đôi khi lại không ủng hộ sức khỏe của nhiều người. Đặc trưng của mùa xuân là có mưa phùn cộng với độ ẩm cao. Đây cũng chính là điều kiện lý tưởng để các sinh vật sinh sôi, bao gồm cả vi khuẩn, virus gây bệnh. Chính vì vậy, trong khoảng thời gian này, dù rất hào hứng đón chào một năm mới nhưng chúng ta cũng không được quên đi việc bảo vệ sức khoẻ. Đầu năm khỏe mạnh cũng là yếu tố hứa hẹn cho cả năm không ốm đau, ít bệnh tật.
Sau Tết, nhiệt độ sẽ chưa tăng ngay, vì vậy vẫn cần chú trọng giữ ấm cho cơ thể. Ngoài việc lưu ý mặc quần áo, chúng ta cũng có thể điều chỉnh chế độ ăn uống để vừa cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể, vừa giữ nhiệt toàn thân.
Người xưa có câu "đầu xuân ăn ba thứ màu trắng, cả năm không lo bị ốm". Vậy 3 thứ màu trắng đó là gì?
Thứ nhất, củ cải trắng
Ghi chép trong sách "Tứ dân nguyệt lệnh" của thời Hán, từ rất sớm Trung Quốc đã có tập tục ăn uống "giao xuân" tức là "ăn uống vào ngày xuân". Cho đến các đời sau, "giao xuân" chủ yếu là chỉ việc vào ngày lập xuân ăn củ cải. Theo ghi chép trong Chước trung chí. Ẩm thực hiếu thượng kỉ lược thì "đến sau ngày lập xuân, không kể người sang hay hèn đều ăn củ cải". Không phải tự nhiên mà củ cải lại được "trọng dụng" trong thời tiết mùa xuân như vậy.
Củ cải đặc biệt củ cải trắng được mọi người biết đến với biệt danh: Nhân sâm mùa đông. Do có chứa nhiều thành phần dinh dưỡng, củ cải có thể được coi như siêu thực phẩm mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ.
Theo y học cổ truyền, củ cải có vị ngọt kèm theo với vị hơi cay, đắng, tính bình, không độc. Bên cạnh đó, củ cải trắng còn có tác dụng chữa ho, long đờm, lợi tiểu. Không những thế, củ cải trắng còn giúp kích thích tiêu hoá, bảo vệ dạ dày. Củ cải thường được sử dụng làm thuốc ở dạng khô hoặc có thể cả ở dạng tươi đều được.
Còn theo Tây Y, củ cải trắng cũng là một loại thực phẩm rất bổ dưỡng, chứa nhiều dầu mù tạt, vitamin C, cellulose, canxi, phốt pho, kali, sắt và các muối vô cơ khác, giúp bồi bổ cơ thể và giúp chúng ta chuyển mùa. Một số nghiên cứu về tác dụng của củ cải ở Pháp cho thấy rằng việc sử dụng một số lượng nước của cải trắng giúp hỗ trợ phục hồi cho bệnh nhân có các căn bệnh ác tính.
Thứ hai, giá đỗ
Tục ngữ có câu "mùa xuân ăn mầm", có nghĩa là khi mùa xuân đến cũng là lúc nên ăn các "thực phẩm mầm". Giá đỗ là một trong những loại rau mầm trong số đó.
Phần lớn giá đỗ là đậu nành, mầm mọc từ đậu xanh có các thành phần dinh dưỡng khác nhau của đậu xanh. Loại rau mầm này vừa giàu axit amin, khoáng chất, vitamin C, cellulose và các thành phần khác, giúp dưỡng ẩm đường ruột, giải độc, đồng thời tăng cường thể lực. Một số lợi ích tăng cường sức khỏe của giá đỗ bao gồm:
Cải thiện miễn dịch: Hàm lượng vitamin A trong giá đỗ phụ thuộc vào thời gian phát triển của cây. Giống vitamin C, vitamin A cũng hoạt động như một chất chống oxy hóa giúp hình thành và tăng cường hoạt động của hệ thống miễn dịch trong cơ thể.
Thúc đẩy trao đổi chất: Giá đỗ và các loại hạt họ đậu đều là nguồn cung cấp protein giúp tái tạo tế bào, phát triển xương và cơ bắp. Shalini Ghosh, bác sĩ kiêm chuyên viên tư vấn dinh dưỡng tại Hiệp hội Dinh dưỡng Hoa Kỳ khẳng định, giá đỗ cung cấp nhiều protein đến nỗi bạn thậm chí có thể dùng loại rau này thay cho thịt.
Phòng ngừa thiếu máu: Giá đỗ chứa các khoáng chất vi lượng như sắt và đồng rất cần thiết trong quá trình tạo máu. Những chất này không chỉ duy trì số lượng tế bào hồng cầu mà còn thúc đẩy lưu thông máu, từ đó cải thiện khả năng vận chuyển oxy đến tất cả cơ quan trên cơ thể. Nhiệt lượng trong giá đỗ rất thấp mà lượng nước và chất xơ lại cao nếu thường xuyên ăn giá đỗ còn có tác dụng giảm cân hiệu quả.
Ngoài ra, giá đỗ còn có tác dụng giúp làm giảm lượng cholesterol và chất béo chất đống trong thành mạch máu, phòng chống các bệnh về tim mạch.
Giá đỗ có thể dùng để nấu canh, làm món xào, gỏi nguội... Các kiểu chế biến này đều rất ngon miệng và thích hợp với thời tiết mùa xuân.
Thứ ba, quả lê
Trong những ngày đầu xuân nên ăn nhiều thực phẩm giải khát, hạ hỏa. Quả lê là một lựa chọn tốt cho hầu hết mọi người. Lê chứa nhiều nước, vitamin và các nguyên tố vi lượng, có vị ngọt dịu, thơm ngon và sảng khoái. Theo ước tính của Tạp chí Nông nghiệp và hóa thực phẩm Hoa Kỳ, hiện nay có hơn 3000 giống khác nhau và các loại lê đều có đặc điểm chung là mọng nước. Một quả lê cỡ trung bình là nguồn cung cấp vitamin C tuyệt vời và nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu khác như kali, vitamin K, đồng, magie, vitamin B...
Một số lợi ích sức khỏe cực kì nổi trội của quả lê là:
Giảm nguy cơ bệnh tiểu đường type 2: Một nghiên cứu được công bố vào năm 2017 trên Hiệp hội Dinh dưỡng Hoa Kỳ đã chứng minh, những người nhiều tuổi có thể giảm 18% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 nhờ thói quen tiêu thụ hai loại quả là táo và lê. Hơn nữa, theo các chuyên gia, chỉ cần dùng loại thực phẩm này mỗi tuần cũng ngăn ngừa phát triển bệnh tới 3%.
Phòng ngừa bệnh ung thư, tim mạch và lão hóa sớm: Những hợp chất nguồn gốc từ thực vật như phytonutrient có tác dụng như chất chống oxy hoá, được chứng minh giúp giảm viêm nhờ khả năng trung hòa các gốc tự do vốn gây tổn thương tế bào. Từ đó hạn chế nguy cơ mắc nhiều vấn đề sức khỏe mãn tính nguy hiểm như bệnh tim và ung thư. Theo Karen Ansel, chuyên gia dinh dưỡng kiêm tác giả của cuốn Healing Superfoods for Anti-Aging: Stay Younger, Live Longer, lê và các loại quả có vỏ nhiều màu là nguồn cung cấp dồi dào các chất phytonutrient.
Kiểm soát cân nặng: Nhờ hàm lượng chất xơ phong phú, lại có lượng calo thấp (một quả lê cỡ trung bình chỉ chứa khoảng 100 calo), mà ăn lê có thể giúp bạn kiểm soát cân nặng tốt hơn. Trong một nghiên cứu kéo dài 12 tuần với sự tham gia của các phụ nữ trung niên tại Trung tâm Sourasky (Israel) đã chỉ ra, nhóm người đưa táo và lê vào chế độ ăn hàng ngày giảm tới hơn 1kg so với nhóm dùng yến mạch.
Với quả lê, bạn có thể ăn trực tiếp, nấu súp hoặc cháo, hấp hoặc hầm... để có món ăn ngon.
Theo Sohu, Epochtimes, Health