Trong tuần 4 – 8/7, VN-Index ghi nhận 3 phiên đầu tuần lao dốc khá mạnh với tổng mức giảm gần 50 điểm, lùi về quanh mốc 1,150, nhưng trong 2 phiên cuối tuần ngay sau đó. Nhờ lực cầu bắt đáy tích cực tại ngưỡng hỗ trợ này, chỉ số hồi phục trở lại vùng 1.170.
Thanh khoản thị trường nhìn chung vẫn duy trì ở mức tương đối thấp và không thay đổi so với tuần trước cả về giá trị và khối lượng giao dịch. Đóng cửa tuần, VN Index thoái lui về mốc 1.171,31, giảm 27,59 điểm, tương đương 2,3% so với tuần trước đó, trong khi HNX Index chỉ giảm 0,41% về ngưỡng 277,75 điểm.
Về giao dịch của nhà đầu tư tổ chức trong nước, dòng vốn này tiếp tục rút ròng 77 tỷ đồng, tuy nhiên nếu tính rieng giao dịch khớp lệnh thì khối này mua ròng 446 tỷ đồng.
Dòng tiền tổ chức nội tập trung gom cổ phiếu ngân hàng, công nghệ
Theo thống kê từ Fiintrade, nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh thì chiều mua ròng của các tổ chức trong nước áp đảo khi diễn ra ở 12/18 nhóm ngành.
Mặc dù không thuộc các nhóm ngành giảm sâu nhất tuần, cổ phiếu xây dựng & vật liệu là nhóm bị bán ròng nhiều nhất trong tuần với hơn 77 tỷ đồng, dù tuần trước đó nhóm này vẫn được mua ròng nhẹ. Có thể thấy, dòng vốn nội đã chuyển hướng chốt lời cổ phiếu xây dựng giữa bối cảnh một số cổ phiếu nhóm này chịu áp lực điều chỉnh trong ngắn hạn.
Tương tự, cổ phiếu của các doanh nghiệp hàng & dịch vụ công nghiệp, tiêu biểu là ngành cảng biển cũng nằm trong Top bán ròng. Tuần qua, tổ chức nội đã bán ròng 76 tỷ đồng nhóm này.
Là nhóm được gom ròng mạnh nhất trong tuần trước với giá trị vào ròng gần 72 tỷ, cổ phiếu bất động sản bất ngờ lọt Top bán ròng tuần này. Dù vậy áp lực bán không đáng kể với giá trị chưa đến 33 tỷ đồng.
Nối tiếp, lực xả nhẹ hơn cũng được ghi nhận ở một số nhóm cổ phiếu, lần lượt là hóa chất (30 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (14 tỷ đồng). Tuần qua, cổ phiếu chứng khoán tiếp tục có tuần giao dịch sôi động với tỷ trọng giá trị giao dịch đã được cải thiện lên 14,03% toàn thị trường, là nhóm có tỷ trọng giá trị giao dịch thứ 3 trong 19 nhóm ngành cấp 2.
Dòng tiền tập trung vào các mã SSI, VND, SHS, HCM, VCI, VIX, FRT, MBS, ORS, SBS. Trong số này HCM tăng mạnh nhất trong tuần, tăng 12,5%, tiếp theo là VIX tăng 9,7%. Cổ phiếu lớn VND ngược lại giảm 1,34% trong tuần.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu của các nhà băng vươn lên trở thành tâm điểm thu hút dòng tiền của các tổ chức nội. Thống kê của FiinTrade cho thấy nhóm n gân hàng ghi nhận tỷ trọng giá trị giao dịch tăng 2,31% so với tuần trước, chỉ số dòng tiền đã tăng vào nhóm này tuần thứ 2 liên tiếp và chỉ còn đứng sau nhóm bất động sản.
Bên cạnh đó, hoạt động giải ngân của tổ chức nội cũng được chứng kiến ở nhóm công nghệ thông tin (104 tỷ đồng).
Dòng tiền của tổ chức trong nước cũng được duy trì ở các một số nhóm cổ phiếu lớn gồm thực phẩm & đồ uống (99 tỷ đồng), tài nguyên cơ bản (68 tỷ đồng), hàng cá nhân & gia dụng (54 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầu khí đốt (16 tỷ đồng),…
FPT tiếp tục hút tiền, HAH lọt Top bán ròng
Giao dịch tại chiều mua của tổ chức trong nước tuần qua nổi bật nhất là hoạt động giải ngân vào cổ phiếu FPT. Mã này dẫn đầu với giá trị mua ròng lớn nhất với 103,8 tỷ đồng. Đây cũng là mã duy nhất được các tổ chức trong nước rót ròng trên trăm tỷ đồng.
Nối tiếp, các tổ chức nội gom ròng 78,7 tỷ đồng cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu (78,7 tỷ đồng). Danh mục rót vốn còn có sự góp mặt của các bluechips như VNM (69,8 tỷ đồng), STB (66,2 tỷ đồng), HPG (62 tỷ đồng).
Trong khi đó, cổ phiếu HAH của Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An bị bán ròng nhiều nhất với giá trị 82,8 tỷ đồng.
Mới đây, Hải An vừa đưa ra ước tính kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 với tổng doanh thu 1.615 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 437 tỷ, lần lượt gấp 2 lần và gấp 2,39 lần kết quả cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả trên, HAH đã thực hiện 67% kế hoạch doanh thu và 79% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.