Kỹ năng sống

Chán văn phòng ngột ngạt, giới trẻ xách máy tính lên rừng xuống biển làm việc từ xa

Rời mắt khỏi màn hình máy tính trong vài phút để ngắm nhìn những cánh rừng nguyên sinh vây quanh nơi làm việc tạm thời, cô Liu Nian hoàn toàn đắm chìm vào khung cảnh núi non với ánh nắng xuyên qua kẽ lá cùng tiếng chim hót. Đây chắc chắn là những hình ảnh không bao giờ xuất hiện khi cô Liu ngồi trong văn phòng khép kín để làm việc.

Sau giây phút nghỉ ngơi ngắn ngủi trong lúc làm việc tại quán cà phê nằm sâu trong ngôi chùa Ký Châu ở tỉnh Vân Nam, cô Liu (31 tuổi) quay lại với cuộc họp trực tuyến cùng các thành viên trong nhóm, những người sinh sống ở khắp nơi trên lãnh thổ Trung Quốc.

Chán văn phòng ngột ngạt, giới trẻ xách máy tính lên rừng xuống biển làm việc từ xa - Ảnh 1.

Giới trẻ xách máy tính lên rừng xuống biển làm việc từ xa để trốn không gian văn phòng bí bách. (Ảnh: SCMP)

Công việc được phép làm việc từ xa giúp cô Liu có thể tận hưởng những không gian làm việc bên ngoài vô cùng đáng nhớ như ngay trên chiếc xe buýt di chuyển về phía nam đất nước, hay ngồi ở cánh đồng trồng chè xanh mát ở tỉnh Chiết Giang, hay ngồi trên cao nguyên Tây Tạng có hướng nhìn ra thung lũng yên tĩnh.

“Khi bạn bước ra khỏi văn phòng làm việc thực thụ, bạn nhận ra văn phòng của bạn có thể ở khắp mọi nơi”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời cô Liu.

Giống như cô Liu, ngày càng nhiều lao động trẻ Trung Quốc dùng công nghệ thông tin để làm việc nhận ra rằng, họ có thể ngồi ở bất cứ đâu để làm việc, bởi những gì họ cần chỉ là một chiếc máy tính xách tay tích đầy pin và kết nối mạng internet. Xu hướng này càng nở rộ trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 hoành hành, do người lao động thay vì tới văn phòng làm việc lại phải ở nhà để làm việc từ xa.

Những người theo đuổi phong cách sống vừa làm việc vừa đi du lịch hay còn được gọi là “dân du mục công nghệ số” cho biết, mục đích của họ không chỉ đơn giản là đi khắp nơi trên thế giới hay trở nên giàu có hơn, mà là theo đuổi sự tự do và một cuộc sống có chất lượng cao hơn.

Lần đầu tiên thuật ngữ “dân du mục công nghệ số” xuất hiện là vào năm 1997 trong cuốn sách mang tên “Digital Nomad”. Đây cũng là thời điểm internet bắt đầu mở rộng mạnh mẽ. Nhưng phải tới vài năm trở lại đây, xu hướng này mới thực sự bùng nổ. Theo Statista, hơn 30 triệu người trên thế giới hiện được xếp vào “dân du mục công nghệ số”.

Cũng theo Statista, phần lớn “dân du mục công nghệ số” hiện là người Mỹ. Tính tới tháng Ba năm nay, Mỹ có khoảng 15 triệu lao động là “dân du mục công nghệ số” và chiếm 1/2 toàn cầu.

Còn tại Trung Quốc, nhóm “dân du mục công nghệ số” vẫn chiếm số lượng nhỏ, nhưng lại ghi nhận tốc độ gia tăng nhanh do người lao động đang cân nhắc lại những lựa chọn trong cuộc sống và mong muốn theo đuổi sự tự do, cũng như né tránh lệnh phong tỏa khắt khe được ban hành nhiều lần từ năm 2020 để phòng chống dịch bệnh Covid-19. Trên thực tế, trước khi dịch bệnh xuất hiện, thuật ngữ “dân du mục công nghệ số” về cơ bản vắng bóng ở Trung Quốc.

“Số lượng dân du mục kỹ thuật số đang tăng theo cấp số nhân, đặc biệt là trong 2 năm qua”, cô Liu, người bỏ công việc cũ vào năm 2020 và bắt đầu điều hành studio thiết kế đồ họa của riêng mình, cho hay.

Cô Liu chuyển sang phong cách sống “dân du mục công nghệ số” khi dịch bệnh Covid-19 khiến cô nhận ra rằng, bản thân không cần phải bó buộc ở trong không gian phòng làm việc ở thủ đô Bắc Kinh. Cô gái còn muốn chia sẻ ý tưởng này với nhiều người khác.

Do đó, sau khi tới thành phố Đại Lý, nơi Chùa Ký Châu tọa lạc, cô Liu bắt đầu thành lập một tổ chức có tên “Dali Hub” vào năm 2020 cùng với 2 người bạn cùng chí hướng. Mục đích của tổ chức là tạo ra không gian để dân du mục kỹ thuật số làm việc và giao tiếp với nhau, cũng như giúp phong cách làm việc mới được phổ biến hơn và được cộng đồng chấp nhận hơn.

“Ngoài số lượng thành viên không ngừng gia tăng, số lượng người tìm hiểu về cộng đồng của chúng tôi cũng nhân lên hàng chục lần”, cô Liu nói.

Vào đầu năm nay, theo thông tin được Mafengwo công bố hơn 60% người Trung Quốc muốn được làm dân du mục kỹ thuật số, hay nói cách khác là được làm việc từ xa trong lúc đi du lịch khắp nơi.

Nhưng theo báo cáo gần đây của Viện Nghiên cứu Công việc Tương lai tại Trung Quốc, hơn 34% lao động trên thế giới hiện làm việc từ xa cố định. Nhưng ở Trung Quốc, chỉ 1% trong tổng số 1,4 tỷ dân có thể làm việc từ xa.

Chớp cơ hội để kinh doanh

Giữa lúc chính quyền các địa phương và doanh nghiệp ở Trung Quốc còn đang xem xét xu hướng làm việc từ xa kết hợp du lịch, một số nơi đã biến xu hướng này thành cơ hội để kinh doanh.

Cụ thể, một quan chức ở Fengyangyi, ngôi làng cổ nằm ở Đại Lý, cho biết các nhà lãnh đạo địa phương hy vọng cộng đồng dân du mục kỹ thuật số tới thị trấn có thể mang lại nguồn thu nhập ổn định hơn cho địa phương.

Chán văn phòng ngột ngạt, giới trẻ xách máy tính lên rừng xuống biển làm việc từ xa - Ảnh 2.

Xu hướng đi du lịch kết hợp làm việc gia tăng sau khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện. (Ảnh: Liu Nian)


Nền kinh tế ở thị trấn có khung cảnh thiên nhiên đẹp như tranh vẽ tại Đại Lý lâu nay phụ thuộc vào ngành du lịch. Nhưng giống như nhiều nơi khác, doanh thu của ngành du lịch ở Fengyangyi bị ảnh hưởng nặng nề do tác động từ các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19. Do đó, sự xuất hiện của những lao động trí thức có thể mang tới cơ hội kinh tế mới ổn định hơn cho khu vực.

Tuy nhiên, việc chính quyền địa phương cần làm là đầu tư cho cơ sở hạ tầng, tăng sự kết nối với những dân du mục kỹ thuật số, cũng như đưa ra các chính sách khuyến khích và thu hút thêm người tới.

Hay như chính quyền đảo Sùng Minh, ngoài khơi thành phố Thượng Hải, cũng đang quan tâm tới mô hình thu hút người tài tới nghỉ dưỡng kết hợp làm việc như thành phố Đại Lý.

Chỉ cách thành phố Thượng Hải một giờ xe chạy, đảo Sùng Minh đang tìm mọi cách thúc đẩy ngành du lịch địa phương, cũng như mang tới một ý tưởng mới về nơi sống và làm việc.

Theo cô Liu, khi xu hướng làm việc từ xa kết hợp du lịch được phổ biến rộng rãi hơn và dễ dàng được chấp nhận hơn, việc thúc đẩy cơ sở hạ tầng và chính sách như bảo hiểm xã hội và y tế với người lao động cũng cần được thực hiện.

Trên thế giới, hàng loạt quốc gia cũng đang triển khai các chính sách hỗ trợ để thu hút du khách kết hợp nghỉ dưỡng và làm việc nhằm tái hồi sinh ngành du lịch và tiêu dùng ở địa phương, sau thời gian dài chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19.

Điển hình, Indonesia đưa ra ý tưởng cấp hộ chiếu đặc biệt có thời hạn 5 năm cho những lao động du mục kỹ thuật số là người nước ngoài.

Chán văn phòng ngột ngạt, giới trẻ xách máy tính lên rừng xuống biển làm việc từ xa - Ảnh 3.

Không gian thiên nhiên là điều không thể có khi người lao động ngồi trong văn phòng. (Ảnh: Liu Nian)


Bồ Đào Nha và Nam Phi cũng đang tính tới cấp visa cho "dân du mục kỹ thuật số", nhưng chi tiết thủ tục chưa được công bố.

Cô Akina Shu, một công dân Nhật Bản, bắt đầu cuộc sống chu du kết hợp làm việc ở Bali, Indonesia và đi khắp nơi trên thế giới sau khi bản thân trải qua 2 ca phẫu thuật lớn và nhận được tin người mẹ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư.

“Những chuyện đã qua khiến tôi nhận ra rằng, cuộc sống quá ngắn ngủi để phải hối tiếc, tôi đã quyết định rời công việc 9 tiếng/ngày và 5 ngày/tuần để làm việc trên du thuyền Peace Boat với tư cách là phiên dịch viên để được đi du lịch khắp thế giới miễn phí”, cô Shu cho hay những nơi mà cô từng dừng chân gồm Georgia, Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina, Chile và nhiều nước châu Á.

Hiện giờ cô Shu có thể làm việc khi ngồi bên cạnh hồ bơi, hoặc thậm chí là đang lênh đênh trên đại dương với tấm ván lướt sóng ngay bên cạnh, thay vì ngồi trong không gian văn phòng bí bách.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm