Đợt bẫy ảnh lớn nhất tại Việt Nam do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ chính đã cung cấp nhiều thông tin thú vị về đa dạng sinh học tại 21 khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng ở Việt Nam.
Trong đó, nhiều loài quý hiếm, được xếp vào nhóm cực kỳ nguy cấp, vốn rất khó bắt gặp ngoài tự nhiên đã được ghi nhận.
Tại Vườn Quốc gia (VQG) Sông Thanh, tỉnh Quảng Nam, bẫy ảnh đã ghi nhận được một cá thể tê tê vàng . Đây là loài cực kỳ nguy cấp trong sách đỏ của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN).
Theo Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã, số lượng các loài tê tê, trong đó có tê tê vàng đã giảm đáng kể do nạn buôn bán trái phép. Ước tính quần thể loài này đã giảm 80-90% trong ba thập kỷ gần đây.
Tê tê vàng thường được tìm thấy sinh sống trong rừng và những nơi kín đáo trong tự nhiên. Vì vậy, việc nghiên cứu số lượng loài này gặp nhiều khó khăn. Ghi nhận từ bẫy ảnh ở VQG Sông Thanh là hình ảnh hiếm hoi của tê tê vàng ngoài tự nhiên.
Tại VQG Sông Thanh, trong lần bẫy ảnh này cũng ghi nhận được hoạt động của trĩ sao, một loài cũng trong nhóm cực kỳ nguy cấp, theo sách đỏ của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế.
VQG Sông Thanh cũng là nơi ghi nhận được quần thể mang Trường Sơn quý hiếm. Đây là loài nằm trong danh sách đang bị đe dọa tuyệt chủng, nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại theo quy định của Việt Nam.
Ngoài VQG Sông Thanh, nhiều loài quý hiếm cũng được ghi nhận tại khác khu bảo tồn, vườn quốc gia khác. Đáng lưu ý, một cá thế voi trưởng thành được ghi nhận tại VQG Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh.
Theo các tổ chức bảo tồn, từ 1.500-2000 cá thể vào những năm 1990, đến nay số lượng voi hoang dã tại Việt Nam chỉ còn khoảng 124 đến 148 cá thể, phân bố chủ yếu tại 8 tỉnh bao gồm Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai và Bình Phước.
Voi châu Á đã được Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) liệt kê vào danh sách các loài nguy cấp từ năm 1986.
Một cá thể cầy gấm cũng được chụp tại Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Đây là loài nằm trong danh sách đang bị đe dọa tuyệt chủng nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại theo quy định của Việt Nam. Việc quan sát loài này ngoài tự nhiên rất khó khăn.
Trong đợt bẫy ảnh kéo dài 4 năm tại 21 khu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, nhiều loài động vật sắp nguy cấp, nguy cấp và cực kỳ nguy cấp khác cũng được ghi nhận như gấu ngựa, gấu chó, sơn dương, mang lớn, bò tót, cầy giông, thỏ vằn, chà vá chân nâu, khỉ đuôi lợn, mèo rừng, lửng lợn.
Tuy nhiên, trong hàng triệu bức ảnh được chụp, không một bức nào ghi nhận được hổ, báo gấm, sói lửa và sao la. Theo các chuyên gia, điều đó cho thấy dù hệ sinh thái tại 21 khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng của Việt Nam vẫn còn đa dạng nhưng đã suy giảm nghiêm trọng những năm qua.