Theo hai nguồn tin nội bộ tại OpenAI nói với Washington Post, khoảng một thời gian trước vụ sa thải, các giám đốc cấp cao của công ty đã chỉ trích Sam Altman tạo ra "sự hỗn loạn và chậm trễ". CEO OpenAI cũng bị cho là để các nhóm đấu đá nhau "theo những cách không lành mạnh".
Nguồn tin cho biết Altman trở nên "thù địch" khi một nhân viên "chia sẻ phản hồi quan trọng" nhưng trái ý ông. Một số nhân viên nói với hội đồng quản trị rằng họ "sợ bị Altman trả thù" nếu có quan điểm trái ngược.
Bên cạnh những phàn nàn của nhân viên, Altman cũng bị tố cáo chơi xấu thành viên hội đồng quản trị, nhất là những người không đồng ý với cách triển khai AI của ông.
Theo New York Times, vào tháng 10, thành viên hội đồng quản trị của OpenAI Helen Toner có bài viết đánh giá cao đối thủ Anthropic vì công ty này hoãn ra mắt chatbot Claude, đồng thời chỉ trích OpenAI công bố ChatGPT sớm. Altman khi đó đã gọi cho Toner, nói bài viết "có thể gây ra vấn đề" với Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ, cơ quan đang điều tra OpenAI.
Toner sau đó viết thư xin lỗi hội đồng quản trị, nhưng không đề cập đến việc ai đã khiến bà phải làm như vậy. Altman cũng gửi email cho ban giám đốc và xác nhận ông đã chỉ trích Toner. "Tôi không cảm thấy chúng ta có cùng quan điểm về thiệt hại sắp diễn ra trước những điều này", Altman viết.
Tuy nhiên, mâu thuẫn lớn nhất vẫn là giữa Altman và nhà khoa học trưởng Ilya Sutskever, người có tầm ảnh hưởng lớn ở OpenAI. Theo nguồn tin từ Business Insider, Sutskever lo lắng Altman đang thúc đẩy OpenAI phát triển quá nhanh và muốn thực hiện một cách tiếp cận thận trọng hơn. Theo thời gian, ông cũng dần trở nên thất vọng vì "bị đẩy ra khỏi các quyết định" về GPT-5 cũng như kế hoạch mở rộng quy mô sản phẩm của công ty.
Căng thẳng được cho là lên đến đỉnh điểm vào tháng 10 khi Altman thăng chức cho một nhà nghiên cứu lên cấp độ tương đương Sutskever. Nhà khoa học trưởng của OpenAI coi đó là sự hạ thấp vị thế của mình. Ông đã trao đổi với các thành viên hội đồng quản trị rằng ông có thể nghỉ việc - động thái khiến công ty phải lựa chọn giữa Sutskever hoặc Altman.
Một số thành viên trong hội đồng khi đó đánh giá Altman "không thành thật và tính toán quá mức", theo New Yorker. "Họ cảm thấy Sam nói dối", một nguồn tin nói. "Họ sợ chiến thuật của Altman đến mức nếu muốn loại bỏ, họ phải đảm bảo điều đó sẽ diễn ra bất ngờ. Rõ ràng ngay khi biết, Sam Altman sẽ làm bất cứ điều gì có thể để phá hội đồng quản trị".
Sam Altman cũng không phủ nhận việc xung đột với ban quản trị trước khi bị sa thải. "Rõ ràng đã có sự hiểu lầm giữa tôi và các thành viên hội đồng", Altman viết trên X cuối tháng 11.
Trên podcast của Trevor Noah tuần trước, ông gọi những gì vừa trải qua là "sự may mắn được ngụy trang". "Tôi vẫn còn hơi sốc và đang cố gắng nhặt lại các mảnh vỡ", ông nói. "Tôi chắc chắn khi có thời gian ngồi lại và xử lý chuyện này, tôi sẽ có nhiều cảm xúc hơn về nó".
Theo Washington Post, những tiết lộ mới cho thấy nội bộ OpenAI rối ren hơn so với những thông tin rò rỉ trước đó. "Bây giờ, khi trở lại vị trí lãnh đạo OpenAI, Altman có thể thấy quyền lực của ông sẽ lớn hơn, nhưng công ty lại kém đoàn kết hơn", trang này bình luận.
Phản hồi trước thông tin trên, phát ngôn viên OpenAI Hannah Wong nói: "Chúng tôi tin Sam là nhà lãnh đạo giỏi nhất dành cho OpenAI. Đội ngũ lãnh đạo cấp cao đã nhất trí yêu cầu Sam trở lại vị trí CEO. Hành động này cũng được ủng hộ bởi một bức thư ngỏ có chữ ký của hơn 95% nhân viên".
Sam Altman là nhà đồng sáng lập OpenAI từ năm 2015 nhưng bị phế truất vào ngày 17/11. Trước sức ép của các nhà đầu tư, OpenAI đã phải đàm phán đưa ông quay trở lại chỉ sau một ngày nhưng bất thành. Altman sau đó thông báo gia nhập Microsoft để xây dựng một đội ngũ mới làm về trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, đến 20/11, hơn 700 nhân viên công ty đồng loạt viết thư dọa nghỉ việc, nếu Altman không quay về. Đến 22/11, OpenAI tổ chức đàm phán lần hai với Altman, đưa ông chính thức trở lại vị trí CEO.