Hôm nay, 28 Tết, là "thời điểm vàng" để người tiêu dùng mua sắm, lựa chọn thực phẩm, hàng hóa phục vụ cho nhu cầu của gia đình.
Sức mua tại các chợ truyền thống kém hơn mọi năm
Khảo sát tại các chợ truyền thống ở Hà Nội như chợ Ngọc Hà, Thành Công, Chợ Hôm, chợ Linh Lang, Cống Vị, chợ Mơ, chợ Nghĩa Tân…, không khí tấp nập, nhộn nhịp người bán - người mua. Các loại hàng hóa, từ thực phẩm tươi sống, rau xanh, đồ khô, đến bánh mứt kẹo, đồ dùng, đồ gia dụng… đều được bày bán phong phú, đa dạng về chủng loại, mẫu mã, giá cả.
Các mặt hàng thực phẩm tươi sống thiết yếu như thịt heo, thịt gà, thịt bò, tôm cá… đã bắt đầu tăng giá, với mức tăng từ 10.000 đồng đến 30.000 đồng/kg, tùy loại. Các mặt hàng rau xanh nguồn cung dồi dào, giá ổn định. Song, theo phản ánh của nhiều tiểu thương, sức mua của người dân kém hơn cùng kỳ mọi năm.
Hàng hóa tại trợ truyền thống dồi dào
"Những năm trước, từ 25 tháng Chạp âm lịch trở đi, người tiêu dùng đã bắt đầu mua sắm, dự trữ thực phẩm để sử dụng trong những ngày Tết. Năm nay, 28 Tết rồi nhưng bà con chỉ mua với số lượng vừa phải, không mua nhiều như trước. Gần trưa rồi mà sạp thịt bò của tôi vẫn còn chưa bán được một nửa. Khách hàng người thì nói đợi 30 mới mua, người thì bảo Tết có ăn mấy đâu. Cũng có người than thở năm nay kinh tế khó khăn, mua sắm phải tính toán", chị Hà (tiểu thương chợ Nghĩa Tân) than thở.
"Năm nào trước Tết tôi cũng sắm chật một tủ lạnh đủ loại thịt gà, thịt bò, thịt lợn, tôm cá, rau củ, đồ khô… để có sẵn thực phẩm tiếp đãi bạn bè, khách đến chơi nhà. Năm nay, tôi quyết định không dự trữ nhiều thực phẩm nữa, vì hàng quán, chợ, siêu thị, các cửa hàng online bán hàng ngay từ chiều 1, mùng 2 Tết rồi. Tôi chỉ mua đủ thực phẩm cho mâm lễ cúng tất niên và tân niên thôi. Bánh mứt kẹo cũng mua một vài loại cho có không khí Tết", chị Hoàng Kim Thu (phố Thụy Khuê, Hà Nội) chia sẻ.
Đủ loại sản phẩm Tết phục vụ người tiêu dùng
Thắt chặt chi tiêu, mua sắm vừa đủ, chọn mua trên "chợ mạng" thay vì đi chợ truyền thống hay xếp hàng tại các siêu thị là xu hướng của nhiều người nội trợ. Đó cũng là lý do, sức mua sắm Tết trên thị trường truyền thống chưa được cao như người bán hàng kỳ vọng.
Sắm Tết online tăng cao
Trong buổikhảo sát, kiểm tra việc phục vụ Tết tại các siêu thị, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan đánh giá: Ngoài việc chuẩn bị nguồn hàng đầy đủ, các doanh nghiệp phân phối cũng đưa ra rất nhiều chương trình chiết khấu, khuyến mại giảm giá từ 10%-15% để phục vụ khách hàng. Đặc biệt theo báo cáo của các đơn vị, năm nay, lượng khách đến trực tiếp siêu thị không nhiều nhưng lượng khách online tăng trưởng 50%; đã phục vụ đủ nhu cầu tiêu dùng Tết của người dân qua cả kênh online và mua sắm trực tiếp (offline).
Đại diện Công ty TNHH MTV Sài Gòn Co.op Hà Nội cho biết: Ngoài bán hàng trực tiếp, đơn vị cũng tập trung đẩy mạnh và khai thác kinh doanh, đơn hàng thông qua tương tác qua mạng xã hội Zalo, Fanpage... và xây dựng các chương trình khuyến mại riêng cho khách hàng, đơn hàng online phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong giai đoạn hiện nay.
Siêu thị có nhiều chương trình ưu đãi dành cho khách mua sắm
Đại diễn chuỗi BigC &GO! Khu vực Hà Nội và miền Bắc thông tin: Để đáp ứng nhu cầu mua sắm mọi lúc mọi nơi của khách hàng, kênh mua sắm trực tuyến cũng được siêu thị ưu tiên. Đến thời điểm này, đơn vị ghi nhận con số ấn tượng từ lượng khách mua hàng trực tuyến. Lượng bán hàng online đã tăng 20-30%.