Vào lúc 20h30 ngày 14/4 (giờ Việt Nam), nữ phi hành gia gốc Việt Amanda Nguyễn, ca sĩ Katy Perry cùng 4 phụ nữ khác đã ghi dấu lịch sử khi tham gia chuyến bay vũ trụ toàn phi hành đoàn nữ đầu tiên trên tàu New Shepard của hãng Blue Origin, tại bãi phóng West Texas (Mỹ).
Đặc biệt, Amanda Nguyễn đã mang theo 169 hạt giống sen Việt Nam trong chuyến đi vào vũ trụ này.

Amanda Nguyễn bay lơ lửng trong tàu vũ trụ và nói "Xin chào Việt Nam" (Ảnh chụp màn hình).
Những hạt giống quý này được lựa chọn từ giống sen bản địa tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa, cây cảnh (Viện Nghiên cứu Rau Quả - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) và Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam (VAST) phối hợp thực hiện.
Sau chuyến bay, các hạt sen sẽ trở về để phục vụ nghiên cứu về ảnh hưởng của không gian đến thực vật - một hướng tiếp cận đầy triển vọng cho tương lai của nông nghiệp.
Việt Nam có hơn 20.000 loài thực vật, vì sao lại chọn hạt sen?
Việt Nam hiện sở hữu tới hơn 20.000 loài thực vật, nhưng giống sen Mặt Bằng - một giống sen bản địa - đã được lựa chọn để tham gia sứ mệnh đặc biệt này.
Theo PGS.TS. Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau Quả - người trực tiếp phụ trách quá trình tuyển chọn giống - đây là quyết định mang cả giá trị sinh học, biểu tượng và khoa học ứng dụng.

Những hạt sen Việt đầu tiên được bay vào vũ trụ (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
"Sen là một trong số ít loài có khả năng ngủ sinh học, tức là hạt có thể bảo quản hàng chục, thậm chí hàng trăm năm mà vẫn giữ nguyên khả năng nảy mầm.
Đặc tính này khiến nó trở thành ứng viên lý tưởng cho các nghiên cứu trong điều kiện khắc nghiệt như vi trọng lực, bức xạ và nhiệt độ không gian", PGS Đông giải thích.
Thêm vào đó, theo PGS Đông, sen là cây lưỡng dụng, vừa có giá trị dinh dưỡng, vừa có tiềm năng dược liệu.
Trong tương lai, sen có thể trở thành một trong những loài cây phục vụ hệ sinh thái canh tác khép kín trên các trạm không gian hoặc hành tinh khác - nơi con người phải chủ động tái tạo nguồn thực phẩm và nước.

PGS.TS. Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau Quả (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Không chỉ thế, theo PGS Đông, đây còn là cách để khẳng định vị thế của tri thức Việt Nam trên bản đồ khoa học thế giới.
"Sen là hình ảnh gắn với văn hóa, tâm hồn người Việt. Đưa sen vào vũ trụ chính là mang theo biểu tượng của bản sắc Việt Nam hội nhập với khoa học toàn cầu", PGS Đông phân tích.
Con số 169: Sự trọn vẹn và thông điệp khoa học
Tại sao lại là 169 hạt sen, mà không phải 100 hay 200?
Giải đáp vấn đề này, PGS Đông cho biết, đây là con số được tính toán kỹ lưỡng cả về mặt thống kê và biểu tượng.

Sen là loài hoa biểu tượng của Việt Nam, được lựa chọn đưa vào vũ trụ (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
"169 là số chính phương (13²), tượng trưng cho sự trọn vẹn, ổn định và chính xác - ba yếu tố tối quan trọng trong nghiên cứu khoa học. Trong văn hóa phương Đông, 1 tượng trưng cho khởi đầu, 6 cho tài lộc và 9 cho trường tồn - kết hợp lại mang thông điệp đẹp về một hành trình bền vững", PGS Đông chia sẻ.
Đây cũng là số mẫu đủ lớn để theo dõi biến dị di truyền, sự nảy mầm và sinh trưởng hậu không gian một cách khoa học, chính xác, tránh tình trạng sai số khi phân tích sau khi các hạt trở về Trái Đất.
Hành trình chọn lọc hạt sen nghiêm ngặt
Không phải bất kỳ hạt giống nào cũng được phép bay vào không gian. Quy trình tuyển chọn 169 hạt sen này diễn ra nghiêm ngặt, theo tiêu chuẩn sinh học không gian quốc tế, gồm nhiều bước khắt khe từ khâu chọn giống đến xử lý vật lý.
1. Tuyển chọn nguồn gen ưu tú: Các hạt sen đều được lấy từ các giống bản địa quý, đã trải qua khảo nghiệm, có khả năng thích nghi tốt và tính ổn định di truyền cao. Đặc biệt, giống sen Mặt Bằng là giống đã được chọn lọc kỹ, có tỷ lệ nảy mầm cao và hình thái đồng đều.
2. Kiểm tra chất lượng hạt giống: Vỏ hạt nguyên vẹn, dày, không rạn nứt; kích thước, khối lượng đồng đều; không mang mầm bệnh, đã khử khuẩn nhẹ; tỷ lệ nảy mầm ≥ 90% qua thử nghiệm tại phòng thí nghiệm.
3. Xử lý và đóng gói chuyên biệt: Hạt được hút chân không hoặc hút ẩm để bảo quản trạng thái "ngủ", gắn mã định danh, lưu hồ sơ giống phục vụ truy xuất nguồn gốc và theo dõi sau nhiệm vụ.
4. Kiểm định độc lập: Trước khi được bàn giao cho phía Blue Origin, các hạt phải vượt qua đánh giá của các cơ quan chuyên môn về an toàn sinh học và tiêu chuẩn vật liệu sinh học không gian.
"Mỗi hạt giống được gửi đi là kết quả của cả một quá trình khoa học, trách nhiệm và tâm huyết. Chúng tôi làm việc với tinh thần gửi gắm một phần trí tuệ và bản sắc Việt ra ngoài không gian", PGS Đông chia sẻ.
Kỳ vọng từ một hành trình chưa từng có
PGS Đặng Văn Đông khẳng định, đây không chỉ là sự kiện khoa học mang tính biểu tượng, mà còn có giá trị thực tiễn rất lớn.
Thứ nhất, gặt hái dữ liệu khoa học quý giá: Việc theo dõi sự thay đổi về nảy mầm, hình thái, enzyme và biến dị di truyền sau khi các hạt sen trở về Trái Đất sẽ giúp hiểu rõ hơn về ảnh hưởng của môi trường không gian tới vật liệu sinh học.
Thứ hai, đặt nền móng cho nghiên cứu sinh học không gian tại Việt Nam: Từ sự kiện này, Viện Nghiên cứu Rau Quả mong muốn xây dựng các phòng thí nghiệm chuyên sâu, tiến tới hợp tác với các tổ chức như NASA, ESA, JAXA… để từng bước gia nhập chuỗi nghiên cứu toàn cầu về nông nghiệp ngoài Trái Đất.
Thứ ba, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ: "Khoa học không chỉ là con số khô khan, mà còn là những câu chuyện đẹp, những khát vọng lớn. Hình ảnh hạt sen Việt Nam giữa không gian sẽ truyền cảm hứng cho các bạn trẻ dấn thân vào khoa học, sáng tạo và cống hiến", PGS Đông chia sẻ.
"Chúng tôi không kỳ vọng ngay vào một đột phá. Nhưng đây là bước đi đầu tiên, nhỏ bé mà ý nghĩa. Và biết đâu, một ngày nào đó, giữa trạm không gian hay một hành tinh xa xôi, sẽ nở một đóa sen mang hồn cốt Việt Nam", PGS Đông nói.