Lúc này tiền mã hoá có thể đang bị nhìn nhận là một công cụ đầu tư rủi ro. Thế nhưng các công ty thẻ như Visa và Mastercard lại đang đặt cược rằng một ngày nào đó tiền mã hoá sẽ được dùng để thanh toán nhiều mục đích mua sắm hàng ngày, và họ không muốn bị bỏ lại phía sau với những gì đang diễn ra.
Hiện tại, khách hàng có thể thanh toán bằng tiền số liên kết tới thẻ Visa và Mastercard do các công ty fintech phát hành. Dù vậy, đây vẫn là một thị trường ngách và các giao dịch vẫn thường cần đến các bên thứ ba để chuyển đổi từ tiền số sang tiền pháp định. Visa và Mastercard đều cho biết đang tìm cách tự mình xử lý cơ chế liên quan đến thanh toán tiền mã hoá.
WSJ nhận định, nếu thành công, đây sẽ là một cột mốc quan trọng ở mảng thanh toán vì đây là lần đầu tiên các mạng thanh toán kỳ cựu cho phép thanh toán bằng một loại tài sản không phải tiền mặt.
Hiện tại, các mạng thanh toán thẻ chủ yếu nhìn nhận nỗ lực là hướng đến các khách hàng là ngân hàng, fintech và các doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, động thái này cuối cùng có thể sẽ để lại tác động lớn đến cách người tiêu dùng và các nhà bán hàng thực hiện giao dịch.
Điều này đồng nghĩa với một tương lai, nơi việc thanh toán cho các khoản chi tiêu hàng ngày được thực hiện bằng thẻ có chứa tiền mã hoá, tương tự như thẻ ghi nợ (debit card) được liên kết với tài khoản thanh toán của họ.
Điều này cũng có nghĩa là nhiều định chế tài chính cũng bắt đầu phát hành thẻ cho người tiêu dùng và ngày càng có nhiều nhà bán hàng bắt đầu chấp nhận stablecoin và các đồng tiền mã hoá khác như một phương thức thanh toán. Một số công ty như AT&T Inc., Overstock.com Inc. và Chipotle Mexican Grill Inc. đã bắt đầu chấp nhận thanh toán bằng tiền mã hoá từ người tiêu dùng.
Dù vậy, vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn tồn tại. Một câu hỏi đặt ra là liệu các nhà bán hàng có thể tìm cách để không nhận thanh toán bằng thẻ khi chấp nhận thanh toán bằng tiền mã hoá. Bằng cách này, họ sẽ không phải chịu khoản phí khi thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ.
Bên cạnh đó, các vấn đề về bảo mật cũng cần được giải quyết. Một số chuyên gia ở mảng thanh toán nói rằng cần có các quy định yêu cầu các định chế tài chính phải có các khoản dự trữ để hỗ trợ cho số tiền mã hoá mà họ đang nắm giữ.
Bất chấp sự biến động của thị trường tiền mã hoá gần đây, nhiều công ty vẫn thanh toán vẫn tỏ ra quyết tâm với những nỗ lực liên quan đến ứng dụng tiền mã hoá của mình.
“Không liên quan đến giá của tiền mã mỗi ngày, chúng tôi tiếp tục quan sát thấy sự quan tâm của các khách hàng hiện tại và các nhà phát triển mới ở lĩnh vực này”, Cuy Sheffied, giám đốc mã hoá toàn cầu ở Visa, chia sẻ. “Chúng tôi muốn có góc nhìn dài hạn về cách tiền số có thể để lại ảnh hưởng đến mảng thanh toán và tập trung xây dựng các giá trị cho hệ sinh thái nhiều nhất có thể”.
Thúc đẩy tiền mã hoá
Nguồn tin thân cận với vấn đề nói rằng các mạng thanh toán thẻ lớn của Mỹ lo ngại rằng nếu không cho phép thanh toán bằng tiền mã hoá, họ có thể sẽ bị loại trong cuộc chơi của hình thức thanh toán đang phát triển và có thể sẽ chiếm thế thống trị trong tương lai này.
Họ cũng cho rằng người dùng sẽ muốn thanh toán bằng tiền mã hoá. “Chúng tôi không thực sự thấy nhu cầu ở thời điểm hiện tại song nhu cầu có thể sẽ tới và đó là lý do vì sao chúng tôi vẫn đang đầu tư”, Jorn Lambert, giám đốc văn phòng số của Mastercard, chia sẻ hồi năm ngoái.
Các công ty thanh toán lớn khác cũng đang mở rộng các nỗ lực liên quan đến tiền số của mình. PayPal bắt đầu cho phép khách hàng Mỹ thanh toán bằng tiền mã hoá từ năm ngoái. Tiền mã hoá được chuyển đổi thành tiền pháp định thông qua một hợp tác với Paxos, một nền tảng hạ tầng blockchain. PayPal sau đó gửi thanh toán đến các nhà bán hàng. Hồi tháng 6, PayPal nói rằng nó sẽ cho phép thanh toán giữa người dùng PayPal với nhau bằng tiền mã hoá.
“Tôi không biết việc đón nhận rộng rãi còn cần 3 hay 5 năm nữa nhưng đó là thứ tôi tin rằng chúng ta sẽ thấy trong một thời gian tương đối ngắn”, ông Jose Fernandez da Ponte, phó chủ tịch phụ trách blockchain, mã hoá và tiền điện tử tại PayPal, nói.
Ngân hàng và các đơn vị phát hành thẻ như bừng tỉnh khi khách hàng hỏi rằng liệu họ có thể dùng thẻ để mua NFT. Nhiều người bán NFT chỉ chấp nhận thanh toán bằng tiền mã hoá. Mặc dù thị trường NFT đã giảm nhiệt, Visa và Mastercard vẫn cho rằng đây là một cơ hội và bắt đầu làm việc với các bên thứ 3 để thâm nhập thị trường.
Từ năm ngoái, MoonPay đã cho phép sử dụng thẻ Visa và Mastercard để mua NFT. OpenSea, một trong những “chợ” NFT lớn nhất, cũng thử nghiệm tín năng này vào năm nay. Khi người dùng có ví tiền mã hoá dùng thẻ để mua NFT, MoonPay sẽ mua NFT bằng tiền mã hoá và sau đó thu tiền từ thẻ của người dùng với đồng tiền pháp định tương ứng cộng thêm khoản phí 3%. MoonPay sau đó chuyển NFT đến chủ thẻ.
Stablecoin được ưu tiên thử nghiệm
Cả Visa và Mastercard đều nhìn nhận các đồng stablecoin (tiền điện tử có giá trị neo giữ theo tài sản thật) là một cách để thử nghiệm thanh toán tiền mã hoá.
Sau khi người dùng thanh toán bằng thẻ liên kết với stablecoin, mạng thanh toán muốn có thể nhận được khoản thanh toán bằng stablecoin trực tiếp từ đơn vị phát hành thẻ (tức là ngân hàng hoặc một định chế tài chính) và sau đó gửi stablecoin đến ngân hàng của nhà bán hàng.
Visa cũng đang thử nghiệm chuyển đổi stablecoin sang tiền pháp định và sau đó gửi sang ngân hàng của nhà bán hàng. Visa đặt mục tiêu triển khai mô hình này tại một số thị trường vào cuối năm nay.
Nhiều ngân hàng tại Mỹ không cho phép người dùng mua tiền mã hoá bằng thẻ tín dụng mà họ phát hành vì quan ngại biến động giá.
Theo nguồn tin thân cận với vấn đề, Visa đang trong giai đoạn đầu của việc cố gắn chia sẻ thêm thông tin với các đơn vị phát hành thẻ về các giao dịch liên quan đến mua tiền mã hoá. Từ đó, các đơn vị phát hành có thể đưa ra quyết định về việc phê duyệt chúng.
Một số công ty thẻ đang nghiên cứu các mô hình dùng tiền số để giao dịch hàng ngày khác nhau. Hồi tháng 4, Nexo hợp tác với Mastercard để ra mắt thẻ tín dụng dựa trên tiền mã hoá của chủ thẻ. Thẻ này hiện tại có thể sử dụng ở Châu Âu và cho phép người dùng dùng tiền mã hoá như một tài sản đảm bảo để đổi lại hạn mức tiêu dùng tương đương 90% giá trị tiền mã hoá. Mastercard thực hiện khoản thanh toán bằng tiền pháp định.
Nếu giá trị thị trường của tài sản đảm bảo rơi xuống mức quá thấp, Nexo có thể yêu cầu chủ thẻ trả lại một phần dư nợ hoặc bổ sung tài sản đảm bảo. Nexo cho biết cũng đang có kế hoạch triển khai dịch vụ này tại Mỹ.
Những quan ngại về rủi ro bảo mật
Các công ty thanh toán nói rằng rủi ro bảo mật là một mối quan ngại đối với thanh toán thẻ liên quan đến tiền số. Nhiều người lưu trữ tiền mã hoá ở ví trên các sàn giao dịch hoặc ở các dịch vụ bên thứ 3 với nguy cơ bị hack cao.
CompoSecure, một công ty có hợp tác với nhiều đơn vị phát hành thẻ lớn, đăng ký một hồ sơ sáng chế vào năm ngoái liên quan đến ứng dụng bảo mật cho việc lưu trữ và thanh toán bằn tiền số.
Năm ngoái, CompoSucere ra mắt “Arculus”, một dòng thẻ thông minh có thể lưu trữ các “chìa khoá cá nhân” của tiền mã hoá của người dùng. Người dùng có thể mở ứng dụng bằng cách sử dụng khuôn mặt hoặc dấu vân tay, nhập vào mã PIN, chạm thẻ vào điện thoại để thực hiện thanh toán.