Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ngân hàng Nhà nước ngày 8/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước đã đóng góp quan trọng vào mục tiêu của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, ổn định thị trường ngoại hối, tỷ giá.
Đáng chú ý, năm 2023, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng của cư dân và các tổ chức kinh tế đạt hơn 13,5 triệu tỷ đồng.
Giá trị tiền đồng Việt Nam được giữ ổn định so với các đồng tiền khác trong khu vực. Đây là những kết quả tích cực giúp cho nền kinh tế tiếp tục được nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao.
Ngân hàng Nhà nước đã quyết liệt điều hành tăng trưởng tín dụng trong quý IV/2023 nên đến hết năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 13,71% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, ngành ngân hàng cần cố gắng hơn nữa trong bám sát, nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, đúng thời điểm; thấu hiểu và chia sẻ nhiều hơn nữa với doanh nghiệp và người dân trong lúc khó khăn…
"Năm 2024 có ý nghĩa rất quan trọng trong thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025. Do đó, ngành ngân hàng không để Chính phủ bị động, bất ngờ về chính sách tiền tệ . Không để ách tắc trong lưu thông tiền tệ, không để người dân, doanh nghiệp thiếu vốn khi cần sự hỗ trợ của hệ thống ngân hàng. Không để tiêu cực, tham nhũng, sơ hở trong quản lý hệ thống ngân hàng, làm sao phát triển hệ thống ngân hàng nhanh, toàn diện, bao trùm bền vững, góp phần quan trọng để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Về điều hành chính sách cụ thể, Thủ tướng hoan nghênh việc Ngân hàng Nhà nước giao ngay hạn mức tín dụng năm nay, từ 1/1 cho tất cả các tổ chức tín dụng là 15%. Song ông lưu ý Ngân hàng Nhà nước điều hành tín dụng linh hoạt, kịp thời và phù hợp, theo dõi, tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình tăng trưởng tín dụng.
Thủ tướng cũng yêu cầu ngành ngân hàng tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp tín dụng để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng tốt hơn, đúng và trúng hơn, tập trung cho những lĩnh vực ưu tiên.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh tích cực đổi mới, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ngân hàng để kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các rủi ro, tồn tại, sai phạm, góp phần bảo đảm an ninh, kỷ luật trên thị trường tiền tệ, ngân hàng.
Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý tránh tình trạng người dân đến ngân hàng gửi tiền thì nhân viên ngân hàng lại giới thiệu những kênh đầu tư có lãi suất, lợi nhuận cao hơn nhưng nhiều rủi ro.
"Quan điểm của Chính phủ trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ thể trong nền kinh tế, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế nhưng xử lý nghiêm những hành vi sai phạm" - Thủ tướng khẳng định.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
Trong đó, Chính phủ yêu cầu tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng.
Điều hành linh hoạt, hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế; tiếp tục triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân, hạn chế và tiến tới sớm chấm dứt "tín dụng đen".