Trưa nay 8-1, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) TP Hà Nội công bố bản luận tội, đồng thời đề nghị mức án đối với 2 cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh và 36 bị cáo trong vụ Việt Á. Theo đó, các bị cáo bị đề nghị từ 24 tháng tù treo đến 30 năm tù giam.
Mở đầu phần luận tội, kiểm sát viên đánh giá hành vi của các bị cáo trong vụ Việt Á là "điển hình của lợi ích nhóm", thể hiện sự câu kết thông đồng, tham nhũng có hệ thống gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng. Trong bối cảnh cả nước gồng mình chống dịch, một bộ phận cán bộ cấp cao tại một số bộ ngành và địa phương đã thông đồng với doanh nghiệp tạo thành lợi ích nhóm và hưởng lợi "Hành vi của các bị cáo thể hiện sự thoái hóa biến chất của một bộ phận cán bộ công chức, làm suy giảm lòng tin của người dân đối với Đảng và nhà nước".
Trong vụ án này, Tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt đã thông đồng, cấu kết với Trịnh Thanh Hùng, cựu phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) các ngành kinh tế - kỹ thuật (thuộc Bộ KH-CN), để tác động cựu bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh, cựu thứ trưởng Bộ KH-CN Phạm Công Tạc quyết định cho Việt Á được phối hợp thực hiện đề tài nghiên cứu chế tạo kit xét nghiệm trái pháp luật.
Với mục đích được sản xuất, bán kit xét nghiệm thu lời bất chính, Việt đã tiếp tục cấu kết với Trịnh Thanh Hùng, Nguyễn Thanh Long (cựu bộ trưởng Bộ Y tế), Nguyễn Huỳnh (cựu thư ký của cựu bộ trưởng Long), Nguyễn Văn Trịnh (cựu cán bộ Văn phòng Chính phủ) và các bị cáo khác thực hiện chuỗi hành vi sai phạm giúp Công ty Việt Á được kiểm định kit xét nghiệm, được nghiệm thu rồi cấp số đăng ký lưu hành tạm thời, chính thức.
Phiên tòa xét xử đại án Việt Á
Các bị cáo đã thực hiện chuỗi hành vi biến kit xét nghiệm từ sản phẩm thuộc sở hữu của nhà nước thành sản phẩm thuộc sở hữu của Công ty Việt Á. Để thuận lợi cho việc bán sản phẩm kit xét nghiệm trên cả nước, Việt cấu kết với các bị can thuộc Bộ KH-CN để được đề nghị tặng bằng khen đánh bóng hình ảnh, thương hiệu cho kit test xét nghiệm. Việt cũng cấu kết với các bị cáo thuộc Bộ Y tế để được hiệp thương giá bán kit xét nghiệm theo giá đã được nâng khống.
Trong năm 2020 và 2021, Việt Á đã sản xuất 8,7 triệu kit test và tiêu thụ được 8,3 triệu sản phẩm. Doanh nghiệp này được nhà nước thanh toán 2.250 tỉ đồng và bị cáo buộc hưởng lợi bất chính 1.235 ti đồng, gây thiệt hại tài sản Nhà nước hơn 400 tỉ đồng.
Để thực hiện các chuỗi hành vi sai phạm nêu trên, Tổng giám đốc Công ty Việt Á cũng chi tiền "cảm ơn", hối lộ với tổng số tiền 3,45 triệu USD và 4 tỉ đồng cho một số quan chức để đưa ra quyết định trái pháp luật có lợi cho công ty. Trong đó, người nhận nhiều nhất là cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, với 2,25 triệu USD, cựu bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhận "cảm ơn" 200.000 USD.
Kiểm sát viên cho rằng Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Việt Á, phải chịu tình tiết tăng nặng là phạm tội có tổ chức, 2 lần trở lên. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, xét xử, Phan Quốc Việt thành khẩn khai báo, nộp lại một phần tiền và có đơn tự nguyện dùng các tài sản đang bị kê biên để khắc phục hậu quả nên đề nghị tòa lượng hình khi tuyên án.
Với cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, VKSND cho rằng sai phạm của của bị cáo "gây nhức nhối trong dư luận, kéo theo hàng loạt sai phạm của các bị cáo khác". Trong khi ngân sách nhà nước đang phải gồng mình để bù đắp các thiệt hại do dịch bệnh gây ra, bị cáo Nguyễn Thanh Long lại gợi ý, đề nghị Việt chi số tiền đặc biệt lớn cho mình. Tuy nhiên, bị cáo thành khẩn khai báo, khắc phục 2,25 triệu USD, quá trình công tác có nhiều bằng bằng khen, giấy khen, gia đình có công với cách mạng nên Viện đề nghị khi tuyên tòa áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo.
Đối với cựu bộ trưởng Chu Ngọc Anh, kiểm sát viên đánh giá hành vi của bị cáo xâm phạm tính đúng đắn của nhà nước, suy giảm niềm tin của nhân dân, giúp Phan Quốc Việt gây thiệt hại đặc biệt lớn. Song, kiểm sát viên cũng đánh giá trong quá trình điều tra, tại phiên tòa bị cáo thành khẩn khai báo, khắc phục hết số tiền đã nhận của Việt, gia đình có công với các mạng…
Nhóm bị truy tố về các tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Đưa hối lộ":
- Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á (bị tòa quân sự phạt 25 năm tù, án chưa có hiệu lực pháp luật), bị đề tổng hợp hình phạt 30 năm tù cùng về các tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Đưa hối lộ".
- Vũ Đình Hiệp, Phó tổng giám đốc Công ty Việt Á (bị tòa quân sự phạt 6 năm tù, án chưa có hiệu lực pháp luật) tổng hợp 16 - 18 năm tù cùng về các tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Đưa hối lộ".
- Trịnh Thanh Hùng, cựu vụ phó thuộc Bộ Khoa học Công nghệ (bị tòa quân sự phạt 15 năm tù, án chưa có hiệu lực pháp luật) từ 14 - 15 năm tù về tội "Nhận hối lộ".
- Nguyễn Thanh Long, cựu thứ trưởng Bộ Y tế, 19 - 20 năm tù về tội "Nhận hối lộ".
- Nguyễn Huỳnh, cựu phó phòng Giá, Cục Quản lý Dược, từ 9 - 10 năm tù về tội "Nhận hối lộ".
- Nguyễn Minh Tuấn, cựu vụ trưởng Vụ Trang thiết bị công trình Bộ Y tế, 8 - 9 năm tù về tội "Nhận hối lộ".
- Nguyễn Nam Liên, cựu vụ trưởng Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế, từ 8 - 9 năm tù về tội "Nhận hối lộ".
- Phạm Duy Tuyến, cựu giám đốc CDC Hải Dương, từ 13 - 14 năm tù về tội "Nhận hối lộ".
- Chu Ngọc Anh, cựu bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, từ 3 - 4 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
- Phạm Công Tạc, cựu thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, từ 3 - 4 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
- Nguyễn Văn Trịnh, cựu trợ lý Phó thủ tướng, từ 7 - 8 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
- Phạm Xuân Thăng, cựu bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, từ 5 - 6 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
- Phạm Mạnh Cường, cựu giám đốc Sở Y tế Hải Dương, từ 5 - 6 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
- Các bị cáo khác bị đề nghị từ 24 tháng tù treo đến 7 năm tù