Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã ký Quyết định số 768/QĐ-TTg ngày 15.4 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch điện 8, nhằm cập nhật chiến lược quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng và thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Điều chỉnh Quy hoạch điện 8 xác định phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo
ẢNH; PHAN HẬU
Theo bản điều chỉnh, Quy hoạch điện 8 đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 10,0%/năm trong giai đoạn 2026 - 2030, khoảng 7,5%/năm trong giai đoạn 2031 - 2050.
Đáng lưu ý, trong lần điều chỉnh Quy hoạch điện 8 này, tỷ trọng năng lượng tái tạo được điều chỉnh mạnh mẽ. Cụ thể, đến năm 2030, tổng công suất các nguồn điện mặt trời (gồm điện mặt trời tập trung và điện mặt trời mái nhà đạt 46.459 - 73.416 MW; định hướng đến năm 2050, tổng công suất 293.088 - 295.646 MW.
Đến năm 2030, tổng công suất điện gió trên bờ và gần bờ đạt 26.066 - 38.029 MW, ưu tiên bố trí các nguồn điện gió quy hoạch mới tại các địa phương có tiềm năng gió tốt, điều kiện kinh tế khó khăn.
Đối với các nguồn điện lưu trữ, Quy hoạch điện 8 điều chỉnh xác định phát triển các nhà máy thủy điện tích năng với quy mô công suất khoảng 2.400 - 6.000 MW đến năm 2030; định hướng đến năm 2050, công suất thủy điện tích năng đạt 20.691 - 21.327 MW để điều hòa phụ tải, dự phòng công suất và hỗ trợ tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo với quy mô lớn.
Pin lưu trữ phát triển phục vụ nhu cầu hệ thống và kết hợp với năng lượng tái tạo, bố trí phân tán gần các trung tâm nguồn điện gió, điện mặt trời hoặc trên hệ thống điện tại các trung tâm phụ tải. Đến năm 2030, pin lưu trữ đạt công suất khoảng 10.000 - 16.300 MW; định hướng đến năm 2050, công suất pin lưu trữ đạt 95.983 - 96.120 MW để phù hợp với tỷ trọng cao của năng lượng tái tạo.
Cũng trong lần điều chỉnh quy hoạch này, nhiệt điện than sẽ không tăng thêm công suất mới, giữ nguyên ở mức 31.055 MW, chỉ thực hiện tiếp các dự án đã có trong quy hoạch và đang đầu tư xây dựng đến năm 2030; thực hiện chuyển đổi nhiên liệu sang sinh khối, amoniac với các nhà máy đã vận hành được 20 năm khi giá thành phù hợp. Các nhà máy có tuổi thọ trên 40 năm sẽ phải dừng hoạt động nếu không thể chuyển đổi nhiên liệu.
Đặc biệt, điện hạt nhân được xác định là nguồn điện nền quan trọng trong dài hạn. Giai đoạn 2030 - 2035 sẽ đưa vào vận hành các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 với quy mô đạt 4.000 - 6.400 MW. Giai đoạn đến năm 2050, hệ thống cần bổ sung khoảng 8.000 MW nguồn điện hạt nhân để cung cấp nguồn điện nền và có thể tăng lên theo nhu cầu.
Bản điều chỉnh Quy hoạch điện 8 tiếp tục khẳng định quyết tâm Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, với tỷ lệ năng lượng tái tạo dự kiến chiếm 74 - 75% tổng sản lượng điện vào năm 2050.
Cũng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, để triển khai thành công quy hoạch mới này, Việt Nam cần huy động khoảng 136 tỉ USD đầu tư phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải tương đương trong giai đoạn 2026 - 2030; khoảng 130 tỉ USD trong giai đoạn 2031 - 2035 và khoảng 569,1 tỉ USD cho giai đoạn 2036 - 2050.