Trả lời phóng viên về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong những tháng đầu năm và giải pháp đột phá để thu hút các dự án lớn đầu tư vào Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, do khó khăn của kinh tế thế giới, Việt Nam rất lo về tiến độ thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam với mức tăng trưởng thấp. Tuy vậy, 6 tháng cuối năm 2023, thu hút FDI đã phục hồi mạnh mẽ và đạt được mức tăng trưởng cao.
Thứ trưởng nêu ra 3 nguyên nhân khiến thu hút FDI đạt mức cao.
Đầu tiên là sự ổn định chính trị, an ninh và kinh tế vĩ mô ở Việt Nam.
Thứ hai là kết quả các chuyến ngoại giao cấp cao của lãnh đạo nước ta và của các đoàn ngoại giao cấp cao của các nước tới Việt Nam, mang lại hiệu quả hết sức cụ thể để thu hút đầu tư nước ngoài.
Thứ ba, các nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy và đánh giá được các tiềm năng và triển vọng của kinh tế Việt Nam trong những năm tới. Họ cho rằng Việt Nam là điểm đến hết sức hấp dẫn. Đấy là những điều chúng ta có thể thấy được trong nửa cuối của năm 2023.”, Thứ trưởng lý giải.
Với đà tăng trưởng này, thu hút đầu tư FDI cũng đã có kết quả hết sức tích cực với vốn đầu tư đăng ký trong hai tháng đầu năm đạt 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% - một con số rất cao so với cùng kỳ.
“Thông thường khi báo cáo, mấy phần trăm đã là khủng lắm rồi, nhưng tăng 38,6% là sự đáng mừng cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài hết sức quan tâm.”, ông Phương nhìn nhận.
Ngoài giải ngân vốn FDI cũng hết sức tích cực, tăng đến 9,8% - tương đương với 2,8 tỷ USD, thì cả dự án mới và vốn đăng ký mới đều tăng mạnh là một tín hiệu hết sức tốt và kỳ vọng lượng vốn mới này sẽ tác động đến tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 và năm 2025.
Liên quan đến các giải pháp đột phá để có thể thu hút các dự án lớn, các nhà đầu tư lớn tới Việt Nam, ông Phương cho biết, hiện nhà đầu tư đặt những yêu cầu về đất đai và hạ tầng rất cao. Do vậy, Việt Nam cần tập trung tiếp tục hoàn thiện, đẩy nhanh tiến độ các dự án kết cấu hạ tầng quy mô lớn như đã đặt ra trong triển khai xây dựng, và đặc biệt là triển khai ngay những văn bản hướng dẫn để thực hiện sớm trong những ngày đầu Luật Đất đai có hiệu lực.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài, quy mô lớn cũng đòi hỏi rất cao về nguồn nhân lực. Đây cũng là điều Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm, các bộ ngành đều phải chung tay để có thể nhanh chóng cải thiện được trình độ của người lao động Việt Nam.
Cuối cùng, các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm thực hiện các đột phá là lĩnh vực thể chế. Thời gian vừa qua, Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua rất nhiều chính sách đột phá mới và có tác động tích cực đến tăng trưởng, thu hút đầu tư như là Luật Đất đai, Luật Đấu thầu và các luật khác.
Hay đơn giản hơn là các quy định về xuất nhập cảnh hay các thủ tục, nội quy visa cũng tác động rất tốt đến tâm lý của nhà đầu tư khi đến Việt Nam. Không chỉ khách du lịch mà cả nhà đầu tư cũng rất hoan nghênh chính sách đổi mới như vậy.
“Cái quan trọng hơn nữa mà chúng ta cần nghiên cứu tập trung sâu hơn là những chính sách mang tính khích lệ, động viên cũng như tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư có quy mô lớn để thực hiện các dự án lớn tại Việt Nam, đủ mức độ hấp dẫn và tối ưu để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.”, ông Phương nhấn mạnh.
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/2, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt hơn 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Cụ thể, 2 tháng đầu năm có 405 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tăng 55,2% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký đạt gần 3,6 tỷ USD, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó, có 159 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 19,5% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 442,1 triệu. Góp vốn, mua cổ phần có 367 lượt dự án, tổng giá trị vốn góp đạt hơn 255,4 triệu USD.