Chia sẻ trong báo cáo thị trường mới đây, đại diện JLL Việt Nam cho hay, tỉ lệ lấp đầy bất động sản công nghiệp luôn ở mức 80-90%. Nguồn cung gia tăng tương ứng với tỉ lệ hấp thu ròng rất cao. Xu hướng thâu tóm trong ngành bất động sản công nghiệp và logistics dự báo còn tiếp diễn nhiều năm tới.
Năm 2023, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp tại Việt Nam khả quan. Tại khu vực ngoại thành Hà Nội và ở TP. HCM, hiện lần lượt là 78% và 92%. Nhờ vậy, giá thuê đất công nghiệp tăng cao trong giai đoạn 2022-2023, đạt 14% ở ngoại thành Hà Nội và 58% ở ngoại thành TP. HCM. Cùng với đó, phân khúc nhà xưởng và nhà kho xây sẵn phát triển sôi động. Lĩnh vực này thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư nước ngoài kể từ năm 2018, với số lượng nhà đầu tư tăng gấp 5 lần. Chỉ riêng ngoại thành Tp.HCM, nguồn cung nhà kho xây sẵn đạt đến 2,1 triệu m2, góp phần tạo ra một thị trường ưu ái khách thuê.
Theo JLL, chỉ 3 tháng cuối năm, khu vực phía Nam ước chào đón hơn 460.000m2 nhà kho xây sẵn, được phát triển bởi BWID, LOGOS, Emergent Capital Partners và Cainiao, cùng với đó tỉ lệ hấp thụ khá tốt.
Dù được đánh giá là phân khúc hoạt động tốt nhất trên thị trường khi có những chỉ số kinh doanh tốt và giá đất khu công nghiệp tăng cao. Tuy vậy, có hai áp lực chính đang “đè nặng” lên bất động sản công nghiệp.
Áp lực đầu tiên là triển vọng lợi nhuận giảm. Theo đó, tỷ suất vốn hóa tài sản vận hành chịu áp lực giảm phát do chi phí tài chính cao, thời hạn sử dụng đất ngắn và sự cạnh tranh từ những thị trường khác có giá thuê rẻ hơn đáng kể trong khu vực châu Á. Theo JLL, riêng phân khúc nhà kho xây sẵn, trong vòng một năm tới, các chủ nhà sẽ phải tiếp tục đưa ra những điều khoản cho thuê linh hoạt và hấp dẫn hơn nhằm cải thiện hiệu suất tài sản.
Áp lực thứ hai là cạnh tranh về giá so với các nước láng giềng như Thái Lan. Giá thuê đất công nghiệp ngoại thành Bangkok hiện ở mức 82-164 USD/m2/thời hạn thuê. Con số này thấp hơn hẳn so với ngoại thành Hà Nội (80-250 USD/m2/thời hạn thuê) và ngoại thành Tp.HCM (95-280 USD/m2/thời hạn thuê).
Ngoài ra, thuế tối thiểu toàn cầu và phí logistics cao sẽ là trở ngại trong việc thu hút các nhà sản xuất đầu tư vào Việt Nam. Dù đã ký kết nhiều FTA song phương và đa phương, chi phí lao động và xây dựng tăng cao cũng phần nào ảnh hưởng đến lợi thế chi phí của Việt Nam.