Tôi năm nay 32 tuổi, chồng tôi 37 tuổi. Chúng tôi có 2 con đang học mầm non. Hiện hai vợ chồng đang thuê căn chung cư ở Nam Từ Liêm, Hà Nội với giá 6 triệu đồng/tháng. Kể từ khi kết hôn đến nay, chúng tôi đã thuê nhà được 7 năm.
Khoảng 3 năm trở lại đây, nhờ công việc có chút thuận lợi, chúng tôi bắt đầu tiết kiệm được khoản tiền nhỏ. Chúng tôi đã lên kế hoạch mua nhà từ năm 2020 đến nay nhưng đều chưa thành công.
Tính đến năm 2021, vợ chồng tôi tiết kiệm ước chừng khoảng 800 triệu đồng. Hai vợ chồng quyết tâm tìm mua nhà đất cách trung tâm Hà Nội từ 7-8km. Nhưng với mức tài chính quá eo hẹp, cộng với chưa có kinh nghiệm nên chúng tôi chưa thể tìm được căn nhà ưng ý.
Cũng trong năm 2021, nhờ một người bạn làm môi giới tư vấn, chúng tôi từng suýt đặt cọc căn nhà ở Hà Đông (Hà Nội) với mức giá 1.8 tỷ đồng. Nhưng sau phát hiện ra căn nhà gặp lỗi phong thuỷ, chúng tôi quyết định không mua. Vì lỡ rút hết sổ tiết kiệm nên tôi đã bỏ ra 400 triệu đồng để mua vàng. Số còn lại tôi quyết định gửi tiết kiệm.
Tính đến nay, nếu bán hết số vàng, cộng với số tiền trong sổ tiết kiệm, chúng tôi có khoảng 1 tỷ đồng. Tổng thu nhập của vợ chồng tôi là 30 triệu đồng. Dù rất muốn mua nhà nhưng chúng tôi vẫn sợ bởi mức lãi suất đang tăng quá cao. Nhiều bạn bè đưa cho tôi lời khuyên, nhưng nếu tính toán về tài chính, tôi thấy quá nhiều bất cập.
Phương án thứ nhất là mua nhà đất. Hai vợ chồng tôi đều thích mua nhà đất nhưng thực tế quá trình lựa chọn một căn phù hợp rất khó khăn. Ví dụ như có rất nhiều tiêu chí lựa chọn nhà đất như: hướng nhà, khuôn đất phải hình chữ nhật, nhà dân xây trong vòng từ 7 năm trở lại đây, không dính lỗi phong thuỷ, ngõ xe ba gác di chuyển, chỉ cách trung tâm Hà Nội từ 7-10km trở lại. Và để muốn mua một căn nhà đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, giá nhà đất rơi khoảng 2 tỷ đồng, ở khu vực An Khánh (Hoài Đức), Yên Nghĩa (Hà Đông)…
Thêm nữa, để tìm căn nhà dân tự xây rất khó, vì hiện tại chủ yếu nhà xây thương mại. Trong khi đó với nhà xây thương mại, chất lượng được đánh giá nhanh xuống cấp.
Nếu với tài chính 2 tỷ, vợ chồng tôi sẽ phải vay thêm 1 tỷ để mua nhà. Chỉ tính lãi suất hiện tại, thời điểm thả nổi 13%, vay trong vòng 20 năm, mỗi tháng chúng tôi phải trả 16 triệu đồng/tháng, chiếm hơn nửa thu nhập của cả hai vợ chồng. Số tiền còn lại rất khó để chi trả sinh hoạt cho 4 người. Đáng lo ngại nhất chính là lãi suất có thể tăng tiếp. Tôi đọc báo thấy rằng, năm 2011-2013, lãi suất có thể lên tới 18-20%. Giả sử lãi suất lên tới 18%, mỗi tháng vợ chồng tôi có thể phải trả lên tới 20 triệu đồng/tháng.
Phương án thứ hai là mua chung cư. Đây là phương án tôi thấy khả thi nhất. Nhưng với phương án này, chúng tôi vẫn phải vay. Khảo sát của vợ chồng tôi sau hơn 1 tháng tìm nhà thông qua môi giới, giá chung cư cũng chẳng hề rẻ. Ví dụ như căn chung cư Gemek 1 (An Khánh, Hoài Đức), giá căn 60-70m2, dao động từ 1,7 tỷ-2 tỷ đồng. . Hay một căn chung cư diện tích tương tự ở khu vực như FLC Đại Mỗ, Golden An Khánh, Thăng Long Victory, HH2 Xuân Mai (Hà Đông), mức tài chính cho căn 2 phòng ngủ dao động 1,7-2,2 tỷ đồng.
Giả sử trường hợp chúng tôi mua được căn 1,7 tỷ đồng. Như vậy, chúng tôi cũng phải vay 700 triệu đồng (chưa tính chi phí chuyển nhượng, chuyển nhà, làm nội thất). Mỗi tháng chúng tôi cũng phải trả gốc và lãi lên tới 11,5-12 triệu đồng/tháng, chiếm tới khoảng 40% tổng thu nhập.
Nếu trong điều kiện không có biến động đột ngột, chúng tôi hoàn toàn có thể tiết kiệm. Nhưng xét hiện tại, cả hai vợ chồng tôi đều đang lo sợ khoản thu nhập bấp bênh do chính sách cắt giảm lương, cắt giảm nhân sự hiện nay. Điều lo ngại hơn, chính là nếu mua nhà sẽ không có dự phòng rủi ro cho cả gia đình về sức khoẻ, hay chi phí học hành cho các con nhỏ.
Thế nên, vợ chồng tôi đang mong chờ lãi suất cho vay mua nhà hạ và ổn định. Có như vậy, bài toán tài chính mua nhà mới có thể hoạch định rõ ràng. Chúng tôi không muốn mua nhà, áp lực trong nợ nần, để rồi không gánh nổi phải bán như nhiều người”.